Sinh ra không được lành lặn như những đứa trẻ bình thường, những em nhỏ ở Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật Đồng Nai (phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) đã sớm bị người thân chối bỏ, phải nương nhờ vào sự bao bọc của xã hội. 70 trẻ sống tại trung tâm là 70 câu chuyện buồn về số phận, về cuộc đời...
Sinh ra không được lành lặn như những đứa trẻ bình thường, những em nhỏ ở Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật Đồng Nai (phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) đã sớm bị người thân chối bỏ, phải nương nhờ vào sự bao bọc của xã hội. 70 trẻ sống tại trung tâm là 70 câu chuyện buồn về số phận, về cuộc đời...
Nằm bất động do cái đầu to hơn thân thể, nhưng khi thấy có người lạ đến nhìn mình, ánh mắt của cô bé Đào đưa qua, đưa lại không ngớt. Khi chúng tôi hỏi tên, em chỉ nhoẻn miệng cười, rồi lim dim đôi mắt giả vờ chìm vào giấc ngủ...
* Thiếu vắng tình thương
Ở tuổi 16 nhưng chưa lần nào đôi chân Đào được tự đứng trên mặt đất, đôi tay cũng chưa từng được dang rộng để ôm chầm lấy đấng sinh thành. Đào vào đây lúc chưa tròn 2 tuổi. Người ta tìm thấy em bị bỏ rơi dọc đường nên đem vào trung tâm. Lúc đó, sức khỏe em rất yếu, bệnh liên miên, nhân viên của trung tâm đưa đi khám sức khỏe mới hay em bị chứng não úng thủy. Do nằm một chỗ nhiều năm nay nên xương của em rất yếu, cơ thể èo uột, không đồng đều, cộng thêm chứng bệnh quái ác hoành hành khiến sự sống của em ngày càng bị thu hẹp.
Cha mẹ bỏ rơi, hạnh phúc ngắn ngủi với các em là sự yêu thương, chăm sóc ân cần của các cô bảo mẫu ở trung tâm. |
Đào có đôi mắt khá đẹp, với hàng mi cong vút. Khi chúng tôi đến thăm cũng là lúc giờ cơm trưa bắt đầu, nhưng em vẫn nằm đó như đứa trẻ lên ba, không thể tự chăm sóc lấy mình, nên phải trông chờ vào những cô bảo mẫu làm giúp tất cả mọi việc.
Cạnh nơi Đào nằm, cô bảo mẫu Nguyễn Thị Hường đang ân cần nâng từng muỗng cơm đút cho Ánh Nguyệt (16 tuổi), cô bé bị chứng bại não bẩm sinh. Giống như Đào, Nguyệt cũng bị cha mẹ chối bỏ khi phát hiện khúc ruột phát triển không lành lặn. Sức khỏe của Nguyệt rất yếu, hơi thở thường bị dốc ngược. Ăn được vài muỗng em vội nhả ra, rồi quay mặt vào trong góc tường. Cô Hường cho biết: “Các bé ở đây đều mang trong mình chứng bệnh bẩm sinh, không thể cứu chữa. Cuộc sống của các em chỉ là những tháng ngày đếm lùi nên chúng tôi trân trọng hơn hết thời gian các em ở bên cạnh mình”.
Theo lời cô Hường, trong số các em đang sống tại trung tâm, có 4 trường hợp bị não úng thủy, 3 em bị bệnh down, số còn lại bị những chứng liên quan đến bại liệt, thần kinh. Do không tự chủ được hành động và cảm xúc nên hầu hết số trẻ này rất bướng và thường hành động theo bản năng bộc phát. Vừa nói, cô Hường vừa chỉ tay về phía cô bé tên Hiền như để chứng minh lời mình vừa kể. Tuy đã 16 tuổi, nhưng những hành động ngây ngô mà Hiền bộc lộ lại không khác gì đứa trẻ 7-8 tuổi.
Còn cô bé tên Chi cũng tròn 16 tuổi. Hai năm trước, Chi được chuyển từ Lâm Đồng về đây. Nghe đâu, em cũng được mẹ ruột đến thăm vài lần, nhưng dạo gần đây thì bà mất dạng. Lúc mới về tới em khóc suốt và liên tục đòi về. Ở riết em dần quen và chấp nhận một sự thật nghiệt ngã: mình đã bị cha mẹ chối từ...
* Những ngọn nến lung linh trước gió
Nuôi dưỡng một đứa trẻ bình thường đã khó nói chi đến việc chăm lo cho những đứa trẻ thiểu năng về trí tuệ. Vì vậy mà các cô bảo mẫu ở Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật Đồng Nai đã có rất nhiều tình huống dở khóc dở cười đối với những đứa trẻ mà mình bảo bọc.
Thức và Hưng là hai đứa trẻ bị bệnh down, không nói chuyện được nên nghe ai chỉ bảo điều gì các em chỉ biết gật, lắc đầu. Dù không có máu mủ ruột thịt nhưng vẻ ngoài của Hiền, Thức, Hưng giống nhau như đúc, tính khí cũng như nhau. Ngày chúng tôi đến, Thức đang đuổi đánh Hưng để giành lại đồ chơi, còn Hiền thì chạy theo để cổ vũ. Lúc bị các cô bảo mẫu la, các em lầm lì tuân theo, nhưng lát sau cũng tiếp tục trò cũ. Cô Hường cho biết: “Nhiều lúc mình rất buồn vì nói hoài mà các cháu không nghe. Nhưng khi nghĩ lại mới thấy tội, đứa trẻ nào cũng bất hạnh, sớm sinh ra đã bị thiểu não và vắng tình thương của cha mẹ nên đâu phát triển giống những trẻ khác được”.
Không chỉ gánh chịu nỗi đau tinh thần, các trẻ ở trung tâm còn phải chống chọi với những căn bệnh đang hành hạ cơ thể. |
Nói xong, cô Hường bước đến chỗ của bé Hiếu (14 tuổi) để chuẩn bị cho em dùng bữa trưa. Hiếu bị mù bẩm sinh, lại thêm chứng bại não nên suốt ngày chỉ biết quanh quẩn bên chiếc giường có khung inox bao quanh. Thấy cô bé Hiếu được cô Hường quan tâm, Hưng đứng sát bên tỏ vẻ ghen tỵ và luôn tìm cách quấy phá. Cô Hường cho hay: “Các bé ở đây thiếu tình thương gia đình nên mình phải tế nhị trong việc chăm sóc. Không khéo chúng lại ghen tỵ, rồi tranh thủ lúc không có mình lại đuổi đánh những bạn yếu thế hơn thì mệt lắm”.
Trở lại giường của Ánh Nguyệt, lúc này em đang ngủ. Thi thoảng, em trở mình với hơi thở nặng nhọc. Như cảm nhận được hơi ấm của các cô bảo mẫu đang gần bên, Nguyệt khẽ lay đôi mắt. Hai cánh tay, chân của Nguyệt co quắp lại nên không thể đỡ nổi cái trở người của em. Cô Hường chồm người nâng lấy tấm lưng của Nguyệt, đôi bờ vai trơ xương của em lộ ra cùng nét xanh xao của làn da thiếu nắng. Em nằm nghiêng người, miệng khẽ cười khiến chúng tôi không kiềm được xúc động. Hỏi gì em cũng lắc đầu, nhưng mỗi khi nghe ai đó nói về mẹ là mắt em sáng lên. Thấy vậy, anh Bùi Văn Thành (sinh viên của Trường cao đẳng y tế Đồng Nai) bước đến gần trò chuyện để em đỡ thấy cô độc. Thành cho biết: “Thấy các em như thế này mình xót xa lắm. Phần lớn những em này có tuổi đời rất ngắn, nên nhiều em trong số đó có thể sẽ không có cơ hội nhìn thấy người thân ở phút cuối...”.
Câu nói của Thành khiến chúng tôi im lặng đến lúc ra về. Chẳng biết ngày nào đó, khi chúng tôi quay lại nơi đây, những cái tên được nhắc trong bài viết có còn…
Tùng Minh