Tháng 4 về, những ngó sen thập thò dưới bùn sâu ngước lên trời để chuẩn bị cho những ngọn sen mập mạp. Những đóa sen rộn ràng khoe sắc, những gương sen chắc nịch hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Mùa sen nở cũng là mùa vui của những người gắn bó với sen. Nhưng niềm vui ấy chưa thật trọn vẹn, vì mùa sen đã về mà màu hồng của hoa, màu xanh của lá, màu trắng mọng nước của ngó dần nhợt nhạt vì người dân Nhơn Trạch không còn mặn mà với sen.
Tháng 4 về, những ngó sen thập thò dưới bùn sâu ngước lên trời để chuẩn bị cho những ngọn sen mập mạp. Những đóa sen rộn ràng khoe sắc, những gương sen chắc nịch hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Mùa sen nở cũng là mùa vui của những người gắn bó với sen. Nhưng niềm vui ấy chưa thật trọn vẹn, vì mùa sen đã về mà màu hồng của hoa, màu xanh của lá, màu trắng mọng nước của ngó dần nhợt nhạt vì người dân Nhơn Trạch không còn mặn mà với sen.
Hiện nay, diện tích trồng sen tại hầu hết các xã của huyện Nhơn Trạch đã dần thu hẹp, do bồi đắp, bị san lấp để lấy đất trồng lúa, chăn nuôi, mở quán kinh doanh...
* Sen không phụ người...
Đất Mới và Phú Mỹ 2 là hai ấp có diện tích trồng sen nhiều nhất ở xã Phú Hội. Nơi đây, nhiều người dân sống bằng nghề trồng sen, trồng lúa, nuôi cá trên những vùng đất trũng lắm phèn.
Công việc thu hoạch sen buộc người hái phải ngâm mình nhiều giờ trong nước và bùn sâu. |
Ông Đặng Văn Thảo (Tám "sen") là người trồng sen với diện tích lớn và lâu đời. Với hơn 2 hécta đầm sen ngập nước, vào vụ ông Tám có thể thu về từ 5-10 triệu đồng/sào. Gia đình ông đã gắn chặt với cây sen mấy chục năm. Sen bắt đầu nở từ tháng 4 - 8 (âm lịch), mùa nở rộ cũng là mùa thu hoạch ngó, sang tháng 6-7 thu hoạch hạt, đến tháng 10 sen bắt đầu tàn. Giữa mùa mưa, những cơn mưa lớn khiến cả hồ ngập nước, lúc đó sen tự chết rục, người dân sẽ vét bờ, làm đất để trồng lúa. Đến tháng 3 năm sau, khi lúa đã chín vàng rộm cũng là lúc sen đua nhau mọc lên phủ kín khắp các chân ruộng, ao hồ. Quanh vùng trồng sen, đi đâu cũng bắt gặp màu hồng nhạt, màu xanh của lá hòa cùng làn nước trong veo tạo nên khung cảnh đẹp như tranh.
Ông Trần Văn Tạo, một lão nông trồng sen chính hiệu, đang ngả lưng một cách êm ái trên chiếc võng dù màu xanh bộ đội, tay không ngừng châm thuốc. Sau mỗi lần rít thuốc, ông ngửa mặt lên trời thả một làn khói trắng dày đặc rồi đưa ánh mắt nhìn về phía ruộng sen của mình. Ông Tạo kể mình đã biết làm đất, hái gương, chuốt ngó sen từ khi còn ở với cha mẹ, đến khi lập gia đình thì cả hai vợ chồng tiếp tục theo nghề này.
Chỉ với 7 sào sen, con số ấy so với những người có cả chục mẫu thì quả là không đáng, nhưng bản thân ông Tạo không bao giờ cảm thấy chạnh lòng. Vì, giữa lúc mọi người thi nhau bỏ sen trồng lúa, nuôi cá, thả vịt thì gia đình ông vẫn giữ ruộng sen. Ông bảo, trồng sen cực thật, suốt ngày phải ngâm mình dưới lớp bùn sâu, nhưng chưa bao giờ nghĩ sẽ từ bỏ thứ cây một thời đã giúp dân mình xóa đói giảm nghèo. “Mình sinh ra từ sen thì suốt đời cũng chỉ ở với sen. Sen không đỏng đảnh như những thứ cây khác nên dễ trồng, mình không phụ nó thì thôi chứ chẳng bao giờ sen phụ người” - ông Tạo thật thà tâm sự.
Ông Tư “ký”, người trồng sen lâu năm ở Phú Hội cho biết: “Không biết dân mình trồng sen từ bao giờ, nhưng ông bà tôi nói nó đã có từ trước lúc họ sinh ra. Sen ở xứ Tháp Mười trồng quanh năm, nhưng ở đây chỉ một vụ thôi, thời gian còn lại (từ tháng 10 đến tháng 3) là gieo lúa”. Cứ mùa đến, tất thảy đàn ông, phụ nữ, trẻ em đều xuống đầm để hái gương sen. Công việc không mấy vất vả, có thể nói nhàn hạ hơn hái ngó. Vì để hái được ngó sen mập mạp, dài và không bị dập, người hái phải dầm mình sâu dưới bùn mà dùng chân lần mò từng ngọn một, nếu không quen sẽ giẫm lên chúng. Vào giữa mùa mưa, họ lội bùn hay chèo xuồng ba lá đi hái những ngó sen mọc lên chi chít sau những ngày mưa dài lê thê.
* Bỏ sen trồng lúa
Chẳng riêng gì Phú Hội, mà ở các xã Đại Phước, Long Tân, Phú Hữu... trước đây đều là những vùng trồng sen lớn, nhưng bây giờ người dân đều muốn bỏ sen trồng lúa. Cất công dạo một vòng quanh những đầm sen, chúng tôi thấy cây sen đang dần biến mất. Ao hồ đang vắng bóng sen, thay vào đó là những ruộng lúa nuôi cá xen canh, từng đàn vịt nuôi với số lượng lớn. Nếu gần đường lộ thì họ dựng nhà mở quán cà phê, quán nhậu. Khung cảnh bình yên, thơ mộng bị phá vỡ, bởi cây sen không còn hữu dụng.
Đầm sen bị “khai tử” để mở quán cà phê, quán nhậu. |
Có nhiều nguyên nhân khiến người dân từ bỏ cây sen, nhưng chủ yếu là vùng đất trồng sen nhiều năm qua đang dần bị thu hẹp. Những người suốt đời gắn bó với cây sen như các ông: Tám "sen", Tạo, Tư “ký” cho biết máy móc đã can thiệp vào diện tích sen. Ngày trước, ở Phú Hội đất rộng mênh mông, luôn trong tình trạng ngập nước sâu nên ngoài sen ra thì chẳng có cây gì trụ nổi. Nhưng nhờ có những chiếc máy xúc, người dân đã cho đắp bờ, chia đất, ngăn nước để trồng lúa. Đồng thời, giá sen giảm, còn giá lúa tăng cao gấp nhiều lần, buộc mọi người phải tự cứu lấy mình mà bỏ sen để chuyển sang làm ruộng.
Ông Nguyễn Khánh Ly, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hội giải thích: “Ngoài nguồn thu từ cây sen còn nhiều bấp bênh thì đầu ra cũng lắm gian nan. Trước năm 2000, người dân hồ hởi trồng sen vì có Công ty Hoành Châu chuyên thu mua các sản phẩm từ sen. Thời điểm ấy, diện tích trồng lên đến hơn 100 hécta. Nhưng sau đó, công ty giải thể, dẫn đến việc tiêu thụ khó khăn, người dân lần lượt bỏ sen trồng các loại cây khác. Hiện tại, xã Phú Hội chỉ còn khoảng 50 hécta cây sen”. |
So với các loại cây khác, sen thường dễ trồng, không tốn công chăm bón, lại ít bị sâu bệnh. Nhưng gặp thời tiết không thuận hòa, người trồng sen có khi lại mất trắng. Anh Ngọc, một thanh niên vừa chuyển 2 hécta sen sang nuôi cá cười buồn: “Cơn bão số 1 vừa rồi khiến đầm sen nhà mình tan tác, gió mạnh và mưa lớn gặp lúc cây đang đẻ nhánh khỏe nên ảnh hưởng rất nhiều. Sau đợt này mình sẽ thả cá, tận dụng mặt nước để nuôi vịt”. Nói xong, anh Ngọc chỉ tay về phía đầm sen cất giọng não nề: “Giá mà tốt trời thì bây giờ sen đã phủ kín hết đầm rồi đó!”.
Đứng trước những đầm sen đang chuẩn bị “khai tử” để chuyển sang trồng lúa, ông Nguyễn Ngọc Hiệc không khỏi tiếc ngẩn ngơ. Dù nghề trồng sen lắm nhọc nhằn, phải quần quật mấy tháng liền dưới lớp bùn sâu, ngâm mình trong làn nước phèn lạnh lẽo, nhưng nghề này chỉ đủ trang trải sinh hoạt thường nhật trong cuộc sống của mỗi gia đình. Năm nào cũng thế, “được giá mất mùa, được mùa rớt giá”, nên đời sống của người dân cứ chông chênh, bấp bênh. Dù hiện tại, khi diện tích trồng sen ít hơn ngày trước, nhờ vậy mà thu nhập từ bán ngó, hạt, tim, lá sen cao ngất, nhưng người dân Phú Hội, Đại Phước, Long Tân... vẫn không mấy mặn mà.
Thanh Hải