Cầm khúc than đen trên đôi tay co quắp, ông Chèn Xứng (cư dân làng phong Bình Minh, ấp 5, xã Tân Hiệp, huyện Long Thành) cho biết, những mẻ than đó được ông và các cư dân trong làng nung chín bằng ý chí và nghị lực của mình...
Cầm khúc than đen trên đôi tay co quắp, ông Chèn Xứng (cư dân làng phong Bình Minh, ấp 5, xã Tân Hiệp, huyện Long Thành) cho biết, những mẻ than đó được ông và các cư dân trong làng nung chín bằng ý chí và nghị lực của mình...
Theo lời ông Xứng, làng phong Bình Minh có trên 90 hộ dân, nhiều hộ trong làng có từ 4-6 hầm than. Công việc hầm củi ra than là nghề truyền thống của cư dân trong làng.
* Thanh khiết là than
Ông Xứng khẽ nói: “Tôi là thế hệ bệnh nhân phong đầu tiên được một tổ chức nước ngoài đưa về đây để định cư và điều trị. Trải qua 40 năm lập làng, dấu tích về làng phong chỉ còn nhìn thấy qua những xẹo tật trên cơ thể người già mà thôi. Thế hệ thứ hai, thứ ba của làng hiện đã triệt tiêu khỏi cơ thể căn bệnh này”.
Những người lớn tuổi trong làng vẫn còn gắn bó với nghề than. |
Thấy người bạn già dạt dào cảm xúc khi kể chuyện với chúng tôi, ông Tư Hải liền góp chuyện, sau những năm tháng quy tụ về đây chữa bệnh, lớp người tiên phong của làng như các ông phải lặng lẽ gánh chịu sự e dè của những người bên ngoài. Hồi đó, nhiều người không dám giao tiếp, trao đổi hàng hóa với những cư dân của làng phong.
“Mỗi khi chúng tôi ra chợ mua hàng hóa thường nhận được thái độ dè chừng của người bên ngoài, nói gì đến chuyện đem hàng hóa bán cho họ, hay cùng tham gia lao động, học tập… Thời đó, chúng tôi phải sinh hoạt theo kiểu tự cung, tự cấp. Thành quả trồng trọt, chăn nuôi chỉ để trong làng chia sẻ với nhau, còn khi bán ra bên ngoài phải mang bán với giá rẻ mạt mà thôi”- ông Tư Hải nói với vẻ mặt buồn rười rượi.
Xoa xoa đôi bàn tay chai sần vì lao động nặng, vì những dị tật của căn bệnh phong để lại, ông Xứng nói: “Hồi đó, cái gì chúng tôi làm ra người ta cũng ngại mua bán, trao đổi. Riêng những thước củi chúng tôi nung thành than là họ không chê. Họ cho rằng, vi trùng phong không thể tồn tại trong ngọn lửa dài ngày, nó thanh khiết nên được họ chấp nhận mua. Vì vậy mà chúng tôi duy trì nghề này mãi đến hôm nay”.
Nghe người già gợi chuyện cũ, chị Cúc đỏ hoe đôi mắt bộc bạch, dù chị tránh được nguồn lây nhiễm bệnh phong từ cha mẹ, cơ thể hoàn toàn lành lặn, nhưng mỗi khi đem con gà, con vịt, mớ rau xanh nuôi trồng trong vườn nhà đi bán, chị phải cải trang làm người từ nơi khác đến bán người ta mới mua. Đưa tay quẹt nước mắt, chị Cúc tỉ tê: “Thời đó, chỉ có than củi là thứ chúng tôi đem ra bên ngoài trao đổi công khai, không sợ bị ép giá. Cũng nhờ than mà chúng tôi có cớ mưu sinh và có điều kiện lo cho con cháu ăn học”.
Mùi củi nung thoát ra từ các lỗ thông hơi của lò nung hòa quyện với mùi củi hầm tạo ra thứ mùi rất đặc trưng lan tỏa khắp làng. Anh Ba Công chỉ miệng lò bày tỏ: "Củi hầm than mà mọi người sử dụng được khai thác từ các vườn cây già cỗi, cây công nghiệp thanh lý. Vì nó có nguồn gốc rõ ràng nên chúng tôi không sợ kiểm lâm phạt". Tuy vậy, điều mà anh và các cư dân trong làng lo lắng hiện nay là không được xây dựng thêm lò để mở rộng nghề, nhằm tăng thu nhập. “Các cơ quan chức năng cho rằng môi trường sống nơi đây bị ô nhiễm. Do đó, cần phải di dời các lò than đến nơi khác hoặc hạn chế làng nghề”- anh Ba Công nói.
* Lớn lên từ lò than
Sinh ra từ làng phong Bình Minh, ông Nguyễn Văn Điền thuộc thế hệ không bị di chứng bệnh tật từ cha mẹ. Ông Điền cho biết, vợ chồng ông thuộc thế hệ thứ hai của làng. Thế hệ thứ hai của ông chỉ quẩn quanh trong làng đốt than và đa phần mù chữ. Đến thế hệ thứ 3 như các con của ông thì tụi nhỏ đã hòa nhập được với cộng đồng, được học hành đến nơi đến chốn, tự do rời làng tiếp xúc với bên ngoài, đi làm hoặc kết hôn với người không mắc bệnh. “Trong làng chúng tôi hiện rất nhiều người đỗ đại học. Tôi có 7 đứa con, tất cả đều khỏe mạnh, và hiện có 2 đứa tốt nghiệp đại học”- ông Điền tự hào khoe.
Nhiều bạn trẻ trong làng đã được người lớn truyền lại kinh nghiệm làm than. |
Hôm chúng tôi đến, Đạt (con trai thứ của ông Điền, tốt nghiệp đại học và đang đi làm) đang cùng các em và các bạn phụ cha chất củi vào lò. Đạt chia sẻ, những ngày nghỉ cuối tuần Đạt luôn tranh thủ giúp cha công việc hầm than, như: chẻ củi, chất củi vào hầm, bốc than… “Quá trình đi học, đi làm hoặc giao lưu với bạn bè, nhiều người trêu ghẹo tụi em sao sống ở làng phong mà vẫn không bị gì, làm than mà không đen như than chút nào”- Đạt thật thà bày tỏ.
Thấy chúng tôi tò mò hỏi thăm chuyện riêng tư của Đạt, Tính (bạn của Đạt) nhanh nhảu thưa: “Tụi em giờ không sợ mọi người biết mình là cư dân làng phong. Bây giờ, mọi người ai cũng hiểu bệnh phong đã trị dứt thì không còn nguy hiểm khi tiếp xúc, ăn uống chung, hay kết hôn…, nên đã chia sẻ, không còn kỳ thị như nhiều năm trước”. Tính vừa dứt lời, Đạt mới từ tốn nói: “Tụi em sinh ra và lớn lên ở đây nên mùi khói, than đã ăn sâu vào cơ thể. Nhờ than mà tụi em được ăn học. Nhờ có làng mà ông cha được quy tụ lại để chữa bệnh, sinh ra thế hệ tụi em khỏe mạnh. Điều đó làm tụi em tự hào thêm, chứ không có gì phải ái ngại”.
Ông Nguyễn Khắc Tòa, Phó chủ tịch UBND xã Tân Hiệp cho hay, cấp trên đã có chủ trương quy hoạch, di dời các lò than trong làng đi nơi khác để bảo vệ môi trường sống cho cư dân. Trong lúc chờ chủ trương di dời, địa phương đã vận động bà con trong làng hạn chế việc phát triển số lượng lò than, khi sản xuất than phải biết gắn với việc bảo vệ môi trường. |
Quá trình đi tìm hiểu về cuộc sống của cư dân làng phong Bình Minh, chúng tôi được lớp người già nơi đây nhiệt tình tiếp đón và trò chuyện. Riêng các thế hệ trẻ như con ông Điền, ông Ba Hải, chị Cúc… thì nhiệt tình đến mức chỉ dẫn những ngõ ngách vào làng, cách thức đốt than sao cho đẹp, cho bóng và nêu rõ hoàn cảnh khó khăn của từng gia đình. “Vẫn còn nhiều bạn trẻ mặc cảm về nguồn gốc xuất thân nên ngại tiếp xúc với bên ngoài. Cá biệt, có người tự trách mình là con em của làng nên tự ti, sống buông thả”- Cần (con chị Cúc) thổ lộ. Riêng Tín (con ông Ba Hải) thì thẳng thừng: “Khi xã hội chưa thấu hiểu, cảm thông, ông bà mình vẫn sống, gắng gượng vươn lên để chứng tỏ bản thân tàn nhưng không phế. Còn như hiện nay, bệnh tật không còn nữa, cộng đồng xã hội thấu hiểu và sẻ chia thì tại sao mình co cụm trong làng, mặc cảm, tự ti”.
Rời làng phong Bình Minh, chúng tôi vẫn còn nhớ mùi thơm của than tỏa ra khắp làng, tấm lòng mến khách của người dân trong làng mà chúng tôi đã gặp và tiếp xúc. Riêng anh bạn đồng nghiệp đi cùng chúng tôi thì chia sẻ: “Hết rừng, họ vẫn mưu sinh từ những khúc củi phế thải của nhà vườn. Chính những khúc củi đó đã giúp cho cư dân làng phong Bình Minh tồn tại, khi nó được nung thành than. Và, những mẻ than cứ vậy nối tiếp nhau nuôi dưỡng các con em trong làng học tập, thành đạt”.
Đoàn Phú