Các đường dây nóng của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389/ĐP) tỉnh và ban chỉ đạo 389/ĐP ở các địa phương trong tỉnh là một trong những kênh để người dân tố giác hành vi vi phạm của các đối tượng, qua đó giúp lực lượng chức năng kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả.
Các đường dây nóng của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389/ĐP) tỉnh và ban chỉ đạo 389/ĐP ở các địa phương trong tỉnh là một trong những kênh để người dân tố giác hành vi vi phạm của các đối tượng, qua đó giúp lực lượng chức năng kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra thông tin, nguồn gốc các sản phẩm mỹ phẩm tại một cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm ở TP.Biên Hòa. Ảnh minh họa: L.Phương |
Tuy nhiên, trên thực tế, trong 6 tháng đầu năm nay, số lượng các trường hợp phản ánh thông qua đường dây nóng này còn hạn chế.
* Số lượng tin báo qua đường dây nóng “đếm trên đầu ngón tay”
Mới đây, tại hội nghị sơ kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm 2022, triển khai phương hướng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh 6 tháng cuối năm 2022, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389/ĐP tỉnh (Cục QLTT) tiếp nhận được 5 tin báo thông qua đường dây nóng về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Trong đó, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra 3 vụ (có 1 vụ đã xử phạt 2 triệu đồng, tịch thu 80 phụ tùng xe máy không nguồn gốc xuất xứ; 1 vụ đang xử lý và 1 vụ xác minh không vi phạm) và 2 vụ đang tiếp tục thu thập thông tin để có cơ sở kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Cũng tại hội nghị này, đại diện nhiều địa phương trong tỉnh cho biết số lượng cuộc gọi, tin báo liên quan đến hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn khá khiếm tốn. Đơn cử, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389/ĐP ở H.Long Thành tiếp nhận 6 cuộc gọi phản ánh, cơ quan thường trực ở H.Nhơn Trạch nhận được 4 tin báo thông qua đường dây nóng… Thậm chí, có cơ quan thường trực ban chỉ đạo 389/ĐP ở một số địa phương không nhận được tin báo nào thông qua các đường dây nóng trong những tháng gần đây.
* Cần đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin về đường dây nóng
Nhiều ý kiến cho rằng, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các đường dây nóng về hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thì cần nâng cao hiệu quả, phương thức tuyên truyền để người dân biết và nhớ đến số điện thoại, Zalo… nhằm kịp thời phản ánh những thông tin, trường hợp vi phạm liên quan đến hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại.
Ông Lê Tân Khôi (P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho hay, đời sống ngày càng hội nhập và phát triển thì các mặt hàng tiêu dùng, hàng hóa cũng được sản xuất, kinh doanh rộng khắp, đa dạng hơn. Tuy nhiên, thực trạng mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn xảy ra thường xuyên trong cuộc sống, không chỉ gây thiệt hại kinh tế của đất nước mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng.
“Bạn bè, người quen xung quanh tôi thường hay “săn” các mặt hàng tặng đối tác như rượu ngoại, nước hoa, thực phẩm chức năng... với mức giá “xách tay”. Tôi băn khoăn, nếu là hàng thật thì giá không rẻ vì các loại này thường chịu mức thuế suất cao, thuế tiêu thụ đặc biệt, vậy sao trên thị trường vẫn bán nhan nhản. Vậy nếu mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng thì lúc đó người tiêu dùng có được phản ảnh hay không và phản ảnh ở kênh nào? Bởi hiện nay người tiêu dùng khi bị xâm phạm quyền lợi thường rất bị động, bức xúc lắm cũng chỉ lên mạng “bóc phốt” cho bõ tức, chứ không biết phải làm gì để được bảo vệ, bồi thường” - ông Khôi bày tỏ.
Tương tự, bà Thiên Trang (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho hay, bà thường xuyên mua sắm hàng hóa, thực phẩm từ nội địa cho đến ngoại nhập ở nhiều kênh khác nhau. Từ trước đến nay, bà gặp rất nhiều tình huống dở khóc dở cười, lúc thì mua phải hàng dỏm, hàng nhái, lúc thì mua phải hàng hóa hết hạn sử dụng, rồi hàng hóa không rõ xuất xứ, nguồn gốc... Những lúc như vậy, bà chỉ biết phản ảnh với người bán, trường hợp người nào tử tế còn giải quyết đơn hàng cho bà nhưng đa phần bà đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì nghĩ rằng đơn hàng chẳng đáng là bao.
“Thương mại dịch vụ ngày càng phát triển thì việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là hành động văn minh, góp phần tạo nên văn hóa và niềm tin trong sản xuất, kinh doanh. Theo tôi, các cơ quan nhà nước nên công khai rộng rãi, liên tục nhắc lại số điện thoại, email đường dây nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng để tiếp nhận, xử lý kịp thời tin báo của người tiêu dùng và bảo vệ thông tin cá nhân của người phản ảnh” - bà Trang chia sẻ.
Tại hội nghị sơ kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm 2022, triển khai phương hướng nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh 6 tháng cuối năm 2022, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng yêu cầu cần nâng cao hiệu quả hoạt động tiếp nhận, xử lý thông tin từ đường dây nóng của Ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh và các địa phương. Trong đó, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh và các địa phương cần rà soát, tổng hợp lại danh sách số điện thoại đường dây nóng (cả số điện thoại bàn và số Zalo). Đồng thời, cần có chuyên viên tiếp nhận các thông tin đường dây nóng kịp thời, phù hợp và có báo cáo định kỳ về việc tiếp nhận, xử lý thông tin thông qua đường dây nóng. Ngoài ra, cần công bố đường dây nóng của Ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên hệ thống loa phát thanh của xã, phường…
Theo lãnh đạo Cục QLTT Đồng Nai, trong thời gian tới, đơn vị sẽ chủ động phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường hiệu quả tuyên truyền về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong đó sẽ tập trung hoạt động thông tin, tuyên truyền về đường dây nóng của Ban Chỉ đạo 389/ĐP của tỉnh và các địa phương, kịp thời tiếp nhận và xử lý các thông tin phù hợp…
Theo Cục QLTT Đồng Nai (Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh), đường dây nóng của Ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh để người dân phản ánh, liên hệ tố giác hành vi vi phạm liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả là 02518.87.87.87. Ngoài ra, người dân có thể phản ảnh thông qua các số điện thoại đường dây nóng của các đội QLTT trên địa bàn tỉnh… |
Lam Phương