Báo Đồng Nai điện tử
En

Ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại: Doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ

03:10, 31/10/2020

Việc hội nhập, tham gia vào nhiều hiệp định thương mại quốc tế giúp hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng lên nhưng đồng thời sẽ kéo theo các nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM).

Việc hội nhập, tham gia vào nhiều hiệp định thương mại quốc tế giúp hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng lên nhưng đồng thời sẽ kéo theo các nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM).

Gỗ là một trong những ngành dễ bị vướng vào các vụ kiện phòng vệ thương mại. Ảnh: V.Gia
Gỗ là một trong những ngành dễ bị vướng vào các vụ kiện phòng vệ thương mại. Ảnh: V.Gia

Chống bán phá giá, lẩn tránh thuế, nguồn gốc bất hợp pháp… là những vấn đề mà các nước nhập khẩu hàng hóa thường áp dụng. Do đó, doanh nghiệp (DN) cần từng bước nâng cao năng lực để ứng phó kịp thời khi có tranh chấp xảy ra.

* Ngày càng nhiều vụ kiện liên quan đến PVTM

Theo số liệu từ Cục PVTM (Bộ Công thương), tính đến hết tháng 9-2020, cả nước đã ghi nhận và xử lý 193 vụ việc PVTM nước ngoài áp dụng đối với Việt Nam. Cụ thể, có 108 vụ việc chống bán phá giá, 22 vụ việc chống trợ cấp, 23 vụ việc chống lẩn tránh thuế, 40 vụ việc tự vệ. Hàng hóa của Việt Nam đã bị điều tra PVTM với kim ngạch bị ảnh hưởng lên đến 12 tỷ USD.

Đáng lưu ý là số lượng và kim ngạch các vụ việc đang tăng nhanh trong thời gian qua. Nếu như trong cả năm 2019 chỉ ghi nhận 16 vụ việc khởi xướng mới, thì 9 tháng của năm 2020 đã ghi nhận số lượng vụ việc tăng gấp đôi (32 vụ việc).

Ông Chu Thắng Trung, Cục phó Cục PVTM nhận định, xu hướng nước ngoài khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam gần đây diễn ra thường xuyên hơn. Nguyên do là nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển, năng lực sản xuất gia tăng nên các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đa dạng hơn về chủng loại và có sự tăng trưởng nhanh về kim ngạch. Khi hàng rào thuế quan đối với hàng hóa của Việt Nam được dỡ bỏ thì sẽ có điều kiện cạnh tranh với các DN sản xuất nội địa tại thị trường nhập khẩu. Điều này buộc họ phải tìm đến các công cụ chính sách thương mại hợp pháp để bảo vệ lợi ích của mình. Việc áp dụng các biện pháp PVTM cũng là công cụ chính sách thường xuyên được các nước sử dụng trong thương mại quốc tế để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước.

Cũng theo ông Chu Thắng Trung, cái khó hiện nay đối với các DN tham gia xuất khẩu của Việt Nam là sẽ bị hạn chế khi bị điều tra do ở nhiều quốc gia, pháp luật về PVTM nói chung và chống bán phá giá nói riêng đã có từ rất lâu. Trong khi đó, pháp luật về PVTM tại Việt Nam chỉ mới được hình thành và đang hoàn thiện trong thời gian gần đây. Kinh nghiệm kinh doanh quốc tế của DN Việt dù đã được nâng lên song vẫn còn chưa đầy đủ, nhất là đối với các DN nhỏ và vừa. DN thiếu thông tin về các nguyên tắc, quy trình, thủ tục, nghĩa vụ và quyền lợi khi tham gia vào các vụ việc điều tra, trở ngại về nguồn lực ứng phó, ngôn ngữ, bị hạn chế về thời gian cung cấp các thông tin phục vụ điều tra một cách minh bạch… sẽ gây khó khăn hơn cho các DN khi vướng vào các vụ kiện tụng thương mại.

* Hỗ trợ DN nâng cao năng lực ứng phó

Trước những áp lực của hội nhập và nguy cơ bị áp dụng biện pháp PVTM trong xuất khẩu, hơn ai hết, cộng đồng DN cần nâng cao năng lực ứng phó của mình. Ông Nguyễn Tiến Chương, Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Đông A nhận định, so với khối DN có vốn đầu tư nước ngoài thì DN Việt vẫn thiếu bộ phận chuyên biệt về xuất nhập khẩu. “Nhiều DN khi chúng tôi tiếp xúc dù làm xuất khẩu nhưng những vấn đề trong ngoại thương vẫn chưa nắm bắt được hết, do đó sẽ rất bị động khi xảy ra sự cố. Cùng với đó là những rủi ro vì lừa đảo trong thương mại quốc tế rất dễ xảy ra” - ông Chương cảnh báo.

Do vậy, đối với các DN, bên cạnh việc phải cập nhật kiến thức kinh doanh quốc tế, đầu tư vào nguồn lực con người thì khi có những vướng mắc, khó khăn, có thể trực tiếp tham vấn từ Hội Xuất nhập khẩu. Tại đây, Hội sẽ có các chuyên gia, luật sư đủ uy tín, kinh nghiệm về thương mại quốc tế để sẵn sàng hỗ trợ hội viên từ soạn thảo hợp đồng cho đến việc xử lý các tranh chấp thương mại…

Tương tự, đối với ngành Gỗ, chống bán phá giá, lẩn tránh thuế sẽ là câu chuyện cảnh báo với toàn ngành Gỗ nếu không có sự quan tâm, chuyên nghiệp từ đầu trong sản xuất, xuất khẩu. Để tránh những vấn đề nói trên, các DN, hiệp hội sản xuất gỗ đóng vai trò quan trọng, mang tính quyết định, đặc biệt trong việc xây dựng chuỗi giá trị, hiện đại hóa hệ thống quản lý, phát triển nguồn nguyên liệu hợp pháp. Đây là vấn đề mà hiện nay, Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowa) đặc biệt chú trọng. Theo ông Võ Quang Hà, Phó chủ tịch Dowa, đây chính là cuộc chơi dài hơi mà ngành Gỗ Đồng Nai đang thực hiện để tiếp tục nâng giá trị sản xuất, xuất khẩu của mình trong giai đoạn tới.

Ông Chu Thắng Trung cho biết, đơn vị sẽ luôn duy trì các kênh liên lạc với cơ quan điều tra PVTM của nhiều nước, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, hiệp hội và DN để kịp thời cập nhật vụ việc. Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm nhiều ngành hàng, sản phẩm có nguy cơ bị kiện PVTM tại nhiều thị trường khác nhau để DN quan tâm có thể thường xuyên theo dõi. Cục cũng luôn theo sát, hỗ trợ DN Việt Nam bày tỏ quan điểm phản bác các lập luận thiếu căn cứ, vi phạm quy định Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của nguyên đơn khởi kiện hay cơ quan điều tra nước ngoài. Đồng thời cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời trên cơ sở yêu cầu của cơ quan điều tra đối với chính phủ, hỗ trợ DN trong quá trình xử lý vụ việc…

Văn Gia

 

 

Tin xem nhiều