Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài Cuối: Làm nông với suy nghĩ doanh nhân

09:05, 10/05/2019

Theo Luật Quy hoạch có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2019, thì cơ quan nhà nước sẽ không còn quản lý việc "trồng cây gì, nuôi con gì" tại các địa phương như trước...

[links()]Theo Luật Quy hoạch có hiệu lực từ ngày 1-1-2019, cơ quan nhà nước sẽ không còn quản lý việc “trồng cây gì, nuôi con gì” tại các địa phương. Phát triển nông nghiệp sẽ tùy thuộc vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương chứ không do “trên áp xuống” như trước. Không “quản” cũng có nghĩa là khi Nhà nước rút khỏi sự can thiệp trong sản xuất thì nông dân sẽ phải chủ động nhìn vào tín hiệu thị trường để sản xuất và mỗi mùa vụ phải được nhìn như một dự án đầu tư “lời ăn, lỗ chịu”.

Vườn ươm giống cho dự án cánh đồng lớn ca cao  tại Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán)
Vườn ươm giống cho dự án cánh đồng lớn ca cao tại Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán)

Thực tế, nông nghiệp Đồng Nai đã bắt đầu có sự chuyển dịch từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Không chỉ doanh nghiệp (DN) mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao, sản xuất quy mô lớn mà nhiều hợp tác xã, nông dân cũng bắt đầu có lối tư duy mới, nhanh nhạy trong nắm bắt nhu cầu và xu thế thay đổi của thị trường để đầu tư đúng.

* Nông nghiệp “chuyển mình” thành sản xuất hàng hóa

Đồng Nai có nhiều mặt hàng nông sản thế mạnh thuộc danh mục 15 sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn gồm: cao su, cà phê, điều, hồ tiêu, thịt heo, thịt gà... Theo đó, tỉnh đang xây dựng “Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp Đồng Nai trong bối cảnh hội nhập quốc tế” nhằm lựa chọn được các mặt hàng nông lâm sản chủ lực trong bối cảnh hội nhập. Qua đó, địa phương sẽ phát triển nông nghiệp có sức cạnh tranh cao, hiệu quả, bền vững.

Toàn tỉnh hiện có 33 dự án cánh đồng lớn được Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong đó, 19 dự án cánh đồng lớn đã được UBND tỉnh phê duyệt với tổng diện tích trên 7 ngàn hécta, hơn 6 ngàn nông hộ tham gia.

Một trong những nội dung được đề án tập trung nghiên cứu là về thị trường Đồng Nai, thị trường trong nước và một số thị trường nước ngoài tiềm năng đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, lợi thế của tỉnh. Định hướng của đề án là đưa Đồng Nai trở thành vùng chế biến cây công nghiệp (cà phê, điều, tiêu) của Việt Nam và thế giới. Trong đó, việc thúc đẩy thương mại chính ngạch với Trung Quốc - thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất của Việt Nam - cũng rất được chú trọng. 

Tham gia góp ý cho đề án, ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó giám đốc Sở Khoa học - công nghệ nhấn mạnh: “Đề án nên hướng tới các mục tiêu cụ thể, từ đó xây dựng khung nội dung, đánh giá hiện trạng, các giải pháp, cách tiếp cận thị trường đối với từng sản phẩm. Cần nghiên cứu xu hướng thế giới, tiêu thụ trong nước, trong khu vực để có phương án hợp lý; đề xuất các chính sách, cơ chế, phương án xây dựng vùng nguyên liệu phù hợp với từng sản phẩm”.

Là thành viên của nhóm tư vấn “Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp Đồng Nai trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, TS.Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) nhận định: “Đồng Nai có thế mạnh về nông nghiệp, công nghiệp, kinh tế đô thị. Cần lưu ý việc lấy nông nghiệp phục vụ công nghiệp chế biến, xuất khẩu trọng điểm để phát huy được lợi thế về vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên. Ngoài ra, cần nghiên cứu sâu về các ngành hàng nông sản, xây dựng cơ sở dữ liệu về các ngành hàng, sản phẩm đặc trưng của địa phương để có hướng xây dựng các chuỗi liên kết, đề nghị về chính sách phù hợp...”.

Và sự thay đổi này phải bắt đầu từ khâu sản xuất. Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình (huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) - DN đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu trái chuối có thương hiệu Việt vào các hệ thống siêu thị uy tín ở Nhật Bản đã chia sẻ về câu chuyện sản xuất đúng với nhu cầu thị trường. Theo ông Huy: “Điều quan trọng nhất để tham gia tốt thị trường xuất khẩu là chuẩn được quy trình sản xuất. Dù xuất khẩu đi thị trường nào, tôi luôn giữ đúng chuẩn chất lượng sản phẩm an toàn, còn lại là sự khác biệt do những yêu cầu cụ thể của từng thị trường. Nông dân phải hiểu thật chi tiết, cụ thể nhu cầu của thị trường mình muốn bán hàng thì mới làm ra được sản phẩm thị trường cần”. 

* Chuỗi khép kín sản xuất - bán hàng

Sự định hướng của Đồng Nai chuyển đổi sang sản xuất lớn, theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ này đã bắt đầu đi vào thực tế và có những “quả ngọt” đầu mùa. 

Đến thăm nhà máy sản xuất phân hữu cơ từ chất thải chăn nuôi và trang trại trồng rau quả trong nhà màng của Công ty TNHH thương mại Trang Trại Việt (huyện Xuân Lộc), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá: “Đây là hình mẫu của DN sản xuất nông nghiệp thời cách mạng 4.0; đặc biệt là đã tạo được lợi thế cạnh tranh khi xây dựng thành công chuỗi khép kín từ chăn nuôi đến trồng trọt, tiêu thụ”.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, nhiệm vụ trọng tâm mà tỉnh hướng đến đối với việc phát triển sản xuất nông nghiệp là phát triển công nghiệp chế biến nông sản. Tỉnh sẽ cho rà soát các cụm công nghiệp trên địa bàn để phát triển các ngành công nghiệp chế biến gắn với từng vùng nguyên liệu; đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp để mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản.

Sản phẩm rau, quả của Trang Trại Việt đã được cấp chứng nhận GlobalGAP và hiện đang trong giai đoạn làm chứng nhận hữu cơ. Ông Trần Quang Tính, Giám đốc Công ty TNHH thương mại Trang Trại Việt cho biết: “DN ứng dụng công nghệ cao xử lý chất thải trong chăn nuôi vì muốn cung cấp cho thị trường sản phẩm phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch. Nhu cầu của thị trường về nông sản sạch ngày càng lớn nên đây là cơ hội tốt để nông dân chuyển đổi sang sản xuất an toàn, sản phẩm có giá trị kinh tế cao để thoát khỏi vòng luẩn quẩn chỉ chạy theo số lượng nên được mùa là mất giá”.

DN này đang triển khai nhiều dự án chuyển giao quy trình kỹ thuật, cung cấp nguồn phân bón hữu cơ và bao tiêu sản phẩm rau, quả sạch cho nông dân cung cấp cho thị trường xuất khẩu.

Sau nhiều năm kiên trì thực hiện hàng trăm các yêu cầu khắt khe của Nhật Bản, từ việc xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn, về quy trình phòng trừ dịch bệnh, về vệ sinh an toàn thực phẩm, đầu tư nhà máy chế biến... Công ty TNHH Koyu & Unitek (Khu công nghiệp Long Bình, TP.Biên Hòa) trở thành DN đầu tiên tại Việt Nam xuất khẩu thịt gà vào thị trường Nhật Bản.

Kể về câu chuyện con gà của DN ở Đồng Nai được xuất đi Nhật, ông Nguyễn Minh Kha, chủ hệ thống Trang trại Miền Đông - đơn vị tiên phong nuôi gà xuất khẩu, cho biết để có lô hàng đầu tiên xuất đi Nhật, trang trại phải kiên trì suốt nhiều năm vất vả xây dựng chuồng trại đạt chuẩn, cố gắng đáp ứng những tiêu chuẩn rất khắt khe của người tiêu dùng Nhật Bản. “Sản phẩm chăn nuôi Việt Nam muốn có chỗ đứng trong những năm tới, không có cách nào khác hơn là người chăn nuôi phải sản xuất theo “tiếng gọi của thị trường”, tức là người tiêu dùng cần gì, mình phải đáp ứng được điều đó. Mong muốn của tôi là không chỉ xuất khẩu thịt gà đi Nhật mà có thể đi châu Âu và các quốc gia phát triển khác” - ông Kha nói.

* Lâu dài, phải đầu tư chế biến

Nói về lời giải cho bài toán “giải cứu” nông sản, ông Nguyễn Quốc Toản, Quyền Cục trưởng Cục Chế biến - phát triển thị trường nông sản khẳng định: “Để nông sản Việt thoát khỏi vòng luẩn quẩn được mùa mất giá, cần phải giải quyết các bài toán về sản xuất, chế biến và thị trường”. Theo ông Toản, từ năm 2018, Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn đã chú trọng thúc đẩy toàn diện lĩnh vực chế biến, từ khâu sơ chế, bảo quản đến chế biến “tinh” và chế biến sâu.

Đặc biệt, 2 năm qua Bộ đã có chủ trương đẩy mạnh hình thành và phát triển hệ thống chế biến gắn kết với vùng nguyên liệu; trong đó đẩy mạnh một số ngành chế biến nông sản có công nghệ và thiết bị tương đối hiện đại, mang tầm khu vực và thế giới. “Thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp cần làm ở cả cấp tỉnh, cấp quốc gia và quốc tế thì mới đủ lực cạnh tranh khi bước ra sân chơi lớn. Ở đây, chính sách đã sẵn sàng, nhưng yếu tố quyết định là nông dân và DN có thể tự “đi” tốt bằng đôi chân của mình” - ông Toản nhấn mạnh.

Thực tế, không ít DN đã nắm bắt tốt cơ hội này. Một nông dân từng khởi nghiệp với đàn gà thịt vài chục con nay trở thành chủ DN đi đầu ứng dụng công nghệ cao tại Đồng Nai là ông Lâm Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc Công ty TNHH thương mại, dịch vụ, sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức (huyện Xuân Lộc). Thanh Đức vừa đầu tư thêm 100 tỷ đồng để xây dựng quy trình sản xuất trứng tự động, khép kín từ khâu chăn nuôi, thu hoạch, đóng gói trứng đến xử lý chất thải chăn nuôi thành phân bón hữu cơ.

Theo ông Đức: “DN đã đầu tư dây chuyền chế biến để sản xuất thêm các dòng sản phẩm bột trứng, trứng ăn liền, muối ớt bột trứng... với mục tiêu gia tăng giá trị cho chuỗi sản phẩm chăn nuôi và cũng để chủ động hơn về đầu ra cho sản phẩm”.

Cùng quan điểm, TS.Võ Mai, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam gợi ý: “Các tỉnh nên có chính sách mời gọi các DN đầu tư công nghệ sau thu hoạch, chế biến nông sản, trái cây để khi thị trường cung vượt cầu có thể đưa vào chế biến mà không phải đổ bỏ như hiện nay”.

Bình Nguyên - Kim Ngân

Tin xem nhiều