Báo Đồng Nai điện tử
En

Tập trung nguồn lực, "nâng hạng" các đô thị

09:08, 12/08/2022

Dân số trên 3,2 triệu người - là một trong những địa phương có số dân đông nhất vùng Đông Nam bộ (chỉ sau TP.HCM), cao hơn Bình Dương, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước…, song thành thật mà nói rằng, tốc độ phát triển đô thị của Đồng Nai nhiều năm qua chưa như mong đợi. Trong đó, nguyên nhân khá lớn nằm ở chỗ cơ sở hạ tầng phát triển khá chậm so với nhu cầu của tỉnh và so với các địa phương lân cận.

Dân số trên 3,2 triệu người - là một trong những địa phương có số dân đông nhất vùng Đông Nam bộ (chỉ sau TP.HCM), cao hơn Bình Dương, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước…, song thành thật mà nói rằng, tốc độ phát triển đô thị của Đồng Nai nhiều năm qua chưa như mong đợi. Trong đó, nguyên nhân khá lớn nằm ở chỗ cơ sở hạ tầng phát triển khá chậm so với nhu cầu của tỉnh và so với các địa phương lân cận.

Đến lúc này, Đồng Nai mới chỉ có 2 thành phố là Biên Hòa và Long Khánh, còn lại là các đô thị nhỏ. Trong khi đó, tỉnh Bình Dương đã phát triển mạnh trong vòng 5 năm qua với 3 thành phố (Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An) và 2 thị xã cũng sẽ sớm lên thành phố trong 1-2 năm tới. Tỉnh Bình Phước với số dân chỉ xấp xỉ 1/2 dân số Đồng Nai đang “theo sát nút” với 1 thành phố và 2 thị xã, đang trong quá trình “nâng hạng”. Bà Rịa - Vũng Tàu có 2 thành phố, 1 thị xã và quá trình xây dựng, nâng cấp đô thị vẫn đang diễn ra mạnh mẽ.

Liệt kê số lượng thành phố, thị xã của các địa phương trong vùng để thấy rằng, cùng với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu hình thành và phát triển các đô thị xứng tầm (một cách chính danh) là bức thiết. Chỉ khi phát triển đủ, xây dựng và hoàn thành được các bộ tiêu chí thì các đô thị mới được công nhận là thành phố, thị xã theo quy định. Và từ đó, dễ dàng hơn trong việc thu hút các nguồn lực, thiết kế các chính sách… để phát triển.

Với Đồng Nai, sau gần 7 năm thực hiện chương trình phát triển đô thị tỉnh Đồng Nai giai đoạn đến năm 2020 và giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết 116 ngày 11-7-2014 của HĐND tỉnh, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 11 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I (TP.Biên Hòa), 1 đô thị loại III (TP.Long Khánh), 2 đô thị loại IV (đô thị Long Thành, Trảng Bom) và 7 đô thị loại V (đô thị Định Quán, Tân Phú, Dầu Giây, Gia Ray, Long Giao, Vĩnh An và Hiệp Phước). Ngoài TP.Biên Hòa và TP.Long Khánh, các đô thị sẽ được tập trung nguồn lực phát triển trong những năm tới là Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom.

Hiện tại, tỉnh đang tập trung các nguồn lực phát triển, thu hút đầu tư vào các đô thị nói trên với “đòn bẩy” đáng giá là các dự án hạ tầng giao thông lớn và “siêu lớn”: sân bay Long Thành, các tuyến đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, đường vành đai 3 - TP.HCM, hệ thống cảng, hệ thống đường sắt nhẹ… Về quy hoạch và định hướng, tỉnh cũng đã có những phác thảo cho tương lai gần lẫn xa, “nương” theo thế mạnh của từng vùng đô thị để có những chiến lược phát triển phù hợp. Vấn đề trọng tâm còn lại chính là tập trung nguồn lực, triển khai thực hiện nhịp nhàng, hài hòa để hình thành và phát triển các đô thị Đồng Nai một cách bền vững, lâu dài.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều