Báo Đồng Nai điện tử
En

Giải tỏa nỗi lo hậu Covid-19

09:04, 16/04/2022

Hết bệnh vẫn còn lo… là tình trạng chung của nhiều người mắc Covid-19 sau khi được chữa khỏi.

Hết bệnh vẫn còn lo… là tình trạng chung của nhiều người mắc Covid-19 sau khi được chữa khỏi.

Khám bệnh tại Phòng khám Hậu Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Ảnh: Bích Nhàn
Khám bệnh tại Phòng khám Hậu Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Ảnh: Bích Nhàn

* Hết bệnh lại lo stress

Nửa năm trước, hai mẹ con chị Phan Thị Hạnh, ngụ P.Hố Nai, TP.Biên Hòa đều mắc Covid-19. Họ đều phải cách ly tập trung và điều trị tại bệnh viện dã chiến. Sau gần 1 tháng, cả hai mẹ con chị Hạnh đều khỏi bệnh và xuất viện. Đến giờ, mẹ con chị Hạnh đều đã trở lại cuộc sống bình thường và đi làm. Nhưng điều đáng nói, họ luôn cảm thấy lo lắng, bất an sau khi hết bệnh. Tình trạng này đã kéo dài nhiều tháng nay, do đó, mới đây, chị Hạnh đưa cả con gái đi khám bệnh vì cả 2 cùng có triệu chứng khá giống nhau.

“Không như trước đây, giờ tôi luôn thấy mệt mỏi, thấp thỏm lo âu dù không có chuyện gì rõ ràng. Sau khi khám, chụp phim phổi, làm các xét nghiệm liên quan, bác sĩ cho hay, sức khỏe của cả 2 mẹ con đều bình thường, phổi cũng hoạt động tốt. Bác sĩ khuyên chúng tôi cần cố gắng điều chỉnh lại tinh thần sao cho lạc quan hơn, bớt suy nghĩ hay lo lắng thái quá” - chị Hạnh chia sẻ.

Gần đây, Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 đã tiếp nhận một số trường hợp bị stress, trầm cảm hậu Covid-19. Bác sĩ Võ Thành Đông, Giám đốc bệnh viện cho hay, thông thường bệnh nhân đến khám vì lo âu, mất ngủ kéo dài. Bệnh nhân đã đi khám ở các phòng khám hậu Covid-19 ở các bệnh viện. Nhiều bệnh nhân nghĩ hậu Covid-19 chỉ tổn thương về mặt thể chất, đi khám và sử dụng thuốc một thời gian không đỡ nên mới chuyển qua bệnh viện khám triệu chứng lo âu, mất ngủ. BS Đông cho biết: “Tuy số lượng người đến khám sức khỏe tâm thần sau khi mắc Covid-19 chưa nhiều, nhưng thực tế đã có những người bị ảnh hưởng tâm lý sau khi mắc bệnh này”.

Ngồi chờ ngoài phòng khám ở Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Tâm thần trung ương 2, chị V.T.L. (ngụ H.Long Thành) tỏ ra khá mệt mỏi. Chị L. kể, suốt 4 tháng sau khi khỏi bệnh, chị luôn thấy cơ thể thiếu năng lượng, mệt mỏi, làm việc không hiệu quả. Từ đó, chị luôn có cảm giác chán nản và thất vọng về bản thân. Chị là kế toán của một công ty tại Khu công nghiệp An Phước nên công việc rất bận, nhất là vào dịp cuối năm. Công việc nhiều nhưng lại hay mệt mỏi nên chị cũng hay “bỏ lại tất cả” để nghỉ ngơi tạm thời. “Nhưng sau đó, tôi lại lo lắng nhiều hơn vì công việc trì trệ và cảm thấy bất lực. Ngày qua ngày, tôi dần rơi vào cảm giác chán nản, stress” - chị L. tâm sự.

Và đỉnh điểm là 10 ngày nay, chị L. mất ngủ triền miên. Lo lắng, chị L. đi khám sức khỏe tâm thần với mong muốn cải thiện tình trạng sức khỏe của mình.

* Đừng để mắc kẹt ám ảnh về bệnh tật

Theo các chuyên gia tâm lý, tình trạng của chị L. hay chị Hạnh cũng là hiện tượng chung sau cơn bạo bệnh của phần lớn bệnh nhân.

Nhiều người đang có tâm lý lo lắng, bất an hậu Covid-19. Trong ảnh: Khám bệnh tại Phòng khám Hậu Covid-19 tại Bệnh viện Đồng Nai - 2. Ảnh: Bích Nhàn
Nhiều người đang có tâm lý lo lắng, bất an hậu Covid-19. Trong ảnh: Khám bệnh tại Phòng khám Hậu Covid-19 tại Bệnh viện Đồng Nai - 2. Ảnh: Bích Nhàn

TS Lê Minh Công, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ sức khỏe tinh thần,  Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP. HCM) chia sẻ, thực tế trong đợt dịch lần thứ 4 vừa qua, tại Đồng Nai hay TP.HCM, hàng trăm ngàn người mắc Covid-19, từ đó, đã để lại di chứng về sức khỏe tâm thần. “Các di chứng hậu Covid-19 không còn là chuyện mới, nhưng nhiều người đang “mắc kẹt” trong nỗi ám ảnh về bệnh tật, khó trở lại với nhịp sống và làm việc trước đây” - TS Công cho hay.

Vừa qua, TS Công đã phối hợp với Viện Y dược học dân tộc TP.HCM để khám cho người hậu Covid-19. Bệnh nhân vừa được khám sức khỏe thể lực, vừa được khám sức khỏe tâm thần. Qua đó, các bác sĩ ghi nhận ở những bệnh nhân hậu Covid-19, đa phần xuất hiện tình trạng mệt mỏi mãn tính, lo âu và rối loạn giấc ngủ. Ngoài ra, một số người lo lắng thái quá, dẫn đến trầm cảm, ám ảnh về bệnh tật.

TS Công cho hay, ngay từ năm 2020, nhiều nghiên cứu cho thấy, vấn đề sức khỏe tâm thần đã tăng gấp 3 lần so với trước đại dịch. Do đó, chúng ta cần quan tâm đến vấn đề này nhiều hơn. Bất cứ ai cũng có nguy cơ bị rối loạn tâm thần. Khi đối diện với căng thẳng, khủng hoảng mà không thích ứng được có nghĩa là người đó có vấn đề về sức khỏe tâm thần; hoặc thức khuya, chán nản liên tục, chán ăn hay ăn quá nhiều… đều là vấn đề sức khỏe tâm thần.

Sức khỏe tâm thần không chỉ là vấn đề về tâm lý, tinh thần mà một số rối loạn tâm thần còn chuyển hóa thành các bệnh lý về cơ thể. Ví dụ, một số người ít vận động, stress sẽ dẫn tới tăng cân, tăng huyết áp, bệnh tim mạch. Thực tế, có đến 50% bệnh nhân tâm thần đi khám tại các bệnh viện đa khoa vì các triệu chứng về cơ thể như: đau đầu, đau lưng, nhịp tim thay đổi. Nhưng các bác sĩ đa khoa lại không nắm vững về tâm thần nên các triệu chứng bệnh vẫn còn.

Đặc biệt, những người lớn tuổi thì triệu chứng mệt mỏi mãn tính sẽ cao hơn. Họ vẫn đang đối mặt với các lo âu khi có bệnh nền như: huyết áp, tiểu đường, tim mạch… Khi nhiễm thêm Covid-19, họ càng lo ngại hơn. Do đó, những người nhiễm SASR-CoV-2 ngoài khám tổng quát các vấn đề sức khỏe thể chất cũng cần khám thêm sức khỏe tâm thần để có biện pháp can thiệp kịp thời. Theo TS Công, điều quan trọng hơn là lối sống của mỗi người cũng cần tích cực hơn để thoát khỏi ám ảnh về bệnh tật.

BS Đông thì khuyến cáo, bệnh nhân Covid-19 cần học cách chấp nhận sức khỏe hiện tại của mình, bằng lòng với năng suất làm việc, thu nhập, chất lượng cuộc sống không còn được như trước. Ngoài ra, để tìm được niềm vui sống, người bệnh cũng cần sự cảm thông, chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình khi đi qua cuộc chiến với Covid-19. Thực tế, nhiều bệnh nhân vẫn đang lo lắng thái quá trước biến động về sức khỏe của bản thân, nhất là trong đại dịch. Những di chứng hậu Covid-19 như: mệt mỏi kéo dài, mất tập trung, không làm được việc… chưa thể điều trị hết trong một sớm một chiều mà cần thời gian để cơ thể tự phục hồi.

“Mỗi người cần cố gắng tự “xốc” lại tinh thần của chính mình bằng các hoạt động cụ thể như vận động thể chất nhiều hơn, có chế độ ăn uống lành mạnh và suy nghĩ tích cực... Mỗi cá nhân cần có một chiến lược khác nhau trong việc giải tỏa tâm lý khi mắc bệnh và sau khi khỏi bệnh. Bởi hiện nay, số người nhiễm Covid-19 dù cao nhưng đã được tiêm vaccine nên bệnh cũng nhẹ hơn” - TS Lê Minh Công cho biết.

Bích Nhàn

Tin xem nhiều