Báo Đồng Nai điện tử
En

Gia đình - nền tảng để phụ nữ thành công

10:03, 05/03/2022

Ngày nay, phụ nữ ngoài vai trò làm vợ, làm mẹ trong gia đình còn phải là người có sức khỏe, kiến thức, kỹ năng sống… để cống hiến và khẳng định vị thế của mình

Ngày nay, phụ nữ ngoài vai trò làm vợ, làm mẹ trong gia đình còn phải là người có sức khỏe, kiến thức, kỹ năng sống… để cống hiến và khẳng định vị thế của mình trong xã hội.

Với sự quan tâm, động viên của gia đình, người thân, nhiều chị em phụ nữ vươn lên khởi nghiệp thành công. Trong ảnh: Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ. Ảnh: Nga Sơn
Với sự quan tâm, động viên của gia đình, người thân, nhiều chị em phụ nữ vươn lên khởi nghiệp thành công. Trong ảnh: Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ. Ảnh: Nga Sơn

Nhận thức được điều này và đặc biệt là có được sự động viên, hỗ trợ, chia sẻ từ phía gia đình, người thân, nhiều chị em phụ nữ đã có thêm cơ hội để vươn lên trong học tập, rèn luyện và có điều kiện để khẳng định vị thế của mình trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, qua đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

* Tạo cơ hội học tập, nâng cao trình độ

Cho đến bây giờ chị Nguyễn Thị Túy, giảng viên bộ môn Lý luận chính trị, Trường đại học Đồng Nai vẫn không tin bản thân chị có cơ hội được đi học và đạt được học vị tiến sĩ. Theo chia sẻ của chị Túy, gia đình chị đông anh em, cha bị tai biến lâu năm, mẹ chị làm ruộng nên sau khi tốt nghiệp THPT, mặc dù thi đậu đại học nhưng vì không có tiền đi học, chị phải dừng lại việc học của mình ở nhà phụ giúp mẹ. 1 năm sau, khát vọng đến trường thôi thúc chị rời gia đình vào miền Nam đi làm và ấp ủ dự định ôn thi lại đại học. May mắn chị gặp được người bà con đưa về nhà cho ăn, ở và ôn thi đậu vào Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chuyên ngành Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Theo Điều 18, Luật Bình đẳng giới, trong gia đình vợ, chồng bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình; có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sử hữu tài sản chung; trong việc bàn bạc, quyết định lựa chọn và sử dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình phù hợp; con trai, con gái được gia đình chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện như nhau để học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển; các thành viên nam, nữ trong gia đình có trách nhiệm chia sẻ công việc gia đình…

Tốt nghiệp đại học, chị Túy xin giảng dạy môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh tại Trường cao đẳng Sư phạm Đồng Nai (nay là Trường đại học Đồng Nai) và tiếp tục học lên thạc sĩ. Chị Túy cho biết, thời gian đi học thạc sĩ khó khăn chồng chất vì con còn nhỏ, chồng lại là bộ đội thường xuyên vắng nhà, ông bà nội ngoại ở xa nhưng muốn được nâng cao trình độ, đáp ứng tốt hơn yêu cầu công việc giảng dạy, chị đã nỗ lực vượt qua khó khăn.

5 năm sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ, 2 con cũng đã lớn, chị Túy một lần nữa quyết tâm học và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam tại Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). “Nhìn lại chặng đường khó khăn, tôi không nghĩ mình đã vượt qua. Chính cha mẹ, người bạn đời đã là điểm tựa tinh thần, các con là động lực để tôi vượt qua khó khăn và làm được điều mà tôi luôn ấp ủ” - chị Túy bộc bạch.

Không chỉ may mắn khi có cha mẹ đồng hành, hỗ trợ, chị Lê Hoàng Bảo Ngọc, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam H.Long Thành còn may mắn khi gặp được người bạn đời luôn thấu hiểu, chia sẻ mọi việc trong gia đình để chị có cơ hội phát triển. Theo chia sẻ của chị Bảo Ngọc, năm 2010 chị lập gia đình cũng là lúc chị chuyển từ UBND xã An Phước lên công tác tại Ban Dân vận Huyện ủy Long Thành. Từ năm 2011-2015, chị liên tục tham gia các chương trình đào tạo thạc sĩ, khóa đào tạo trung cấp chính trị, cao cấp chính trị.

Các cá nhân nữ trí thức tiêu biểu vừa được Hội Nữ trí thức tỉnh tặng thưởng nữ tài năng năm 2021 nhằm khuyến khích phụ nữ học tập, nghiên cứu khoa học. Ảnh: Nga Sơn
Các cá nhân nữ trí thức tiêu biểu vừa được Hội Nữ trí thức tỉnh tặng thưởng nữ tài năng năm 2021 nhằm khuyến khích phụ nữ học tập, nghiên cứu khoa học. Ảnh: Nga Sơn

Đáng nhớ nhất là năm 2015 chị tham gia khóa đào tạo cao cấp chính trị tại Học viện Chính trị khu vực II (TP.HCM) khi đó chị mang bầu và sinh con gái thứ 2. Để giúp chị hoàn thành chương trình học, chồng chị ở nhà vừa đi làm vừa chăm sóc con trai, còn mẹ chị đi cùng lên ở trọ gần trường để phụ chăm bé nhỏ. Có mẹ phụ giúp nhưng chị cũng vất vả không kém. Đêm đến con thức đêm không ngủ, chị phải bế bồng con đến 2-3 giờ sáng mới chợp mắt. Sáng sớm lại đến lớp đi học. Tranh thủ  giờ giải lao chị chạy về cho con ăn rồi lại chạy vào lớp học. Vất vả là thế nhưng nghĩ lại chặng đường đã đi qua, nghĩ đến gia đình, những người thân đã không quản ngại đồng cam cộng khổ tạo cơ hội để chị được học tập nâng cao trình độ, chị đã động viên mình cố gắng vượt lên mọi khó khăn, hoàn thành các chương trình, khóa đào tạo.

* Tích cực lao động, cống hiến

Bên cạnh động viên, hỗ trợ chị em có cơ hội vươn lên học tập, rèn luyện, gia đình - hậu phương của các chị còn tạo điều kiện để các chị lao động, cống hiến cho sự phát triển của xã hội, từng bước khẳng định vị thế của bản thân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Chia sẻ thêm về may mắn khi có được người chồng luôn quan tâm, động viên, chia sẻ để bản thân có cơ hội lao động, cống hiến, chị Lê Hoàng Bảo Ngọc cho hay, khi mới kết hôn chị làm việc tại Ban Dân vận Huyện ủy Long Thành nhưng 2 năm sau chị được bổ nhiệm làm Phó bí thư Huyện đoàn Long Thành, sau đó là Phó chủ tịch Hội LHPN H.Long Thành và hiện là Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam H.Long Thành.

Nhìn lại các lĩnh vực công tác của chị Ngọc đều là công tác phong trào, có khi phải đi làm vào buổi tối, ngày nghỉ. Thậm chí, trong đợt cao điểm dịch bệnh Covid-19 năm 2021, với vai trò Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, chị tham gia công tác phòng chống dịch tại địa phương nên hầu như ngày nào cũng ra khỏi nhà từ sáng tới tối mới về nhà. Vì vậy mọi việc trong nhà, từ việc dọn dẹp nhà cửa, đi chợ, cơm nước, chăm con… đều một tay chồng chị quán xuyến. Điều đáng quý là rất hiếm khi anh tỏ thái độ khó chịu với công việc của chị. Ngược lại, sau mỗi đợt cao điểm công việc nhiều anh lại giúp chị giải tỏa áp lực bằng việc tự tìm tour du lịch để cả nhà cùng đi du lịch nghỉ ngơi và tăng thêm phần gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. Điều này đã góp phần tiếp thêm năng lượng để chị Ngọc tiếp tục nỗ lực hơn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Hội LHPN H.Long Thành tổ chức phiên chợ khởi nghiệp nhằm khuyến khích hội viên phụ nữ khởi nghiệp. Ảnh: Nga Sơn
Hội LHPN H.Long Thành tổ chức phiên chợ khởi nghiệp nhằm khuyến khích hội viên phụ nữ khởi nghiệp. Ảnh: Nga Sơn

Từ khi còn là học sinh THCS, chị Trịnh Thị Quyên đã mê mẩn nhân vật luật sư trong phim. Từ đó, chị quyết tâm lớn lên sẽ học chuyên ngành Luật để trở thành luật sư đem lại công bằng cho mọi người. Tốt nghiệp THPT, chị Quyên thi đậu vào ngành Luật dân sự Trường đại học Luật TP.HCM và sau này về công tác tại TAND H.Trảng Bom. Sau 9 năm làm thư ký, chị Quyên được bổ nhiệm làm thẩm phán. Chị Quyên cho biết, thẩm phán là một chức danh cao quý nhưng cũng phải đối mặt với rất nhiều áp lực. Để làm tốt nhiệm vụ của mình, chị Quyên không ngừng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nắm bắt những thay đổi trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội và đặc biệt là phải nghiên cứu thật kỹ các tình tiết vụ án để không xảy ra án oan hoặc bỏ lọt tội phạm. Cũng may chồng chị làm việc ở ngân hàng nên có thời gian để chia sẻ công việc gia đình, chăm sóc cha mẹ và đưa đón con để chị có thêm thời gian tập trung cho công việc. Với nỗ lực của bản thân, tháng 6-2020, chị Quyên được bổ nhiệm Phó chánh án TAND H.Trảng Bom và tháng 9-2021 vừa qua chị vừa bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ chuyên ngành Tố tụng hình sự.

Không có nhiều thời gian để chia sẻ công việc gia đình, chăm sóc con cái nhưng chị Nguyễn Thị Túy luôn có một điểm tựa vững chắc về mặt tinh thần, luôn động viên, cổ vũ để chị được theo đuổi đam mê, được làm công việc mà mình yêu thích - đó là đứng trên bục giảng truyền đạt kiến thức về lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh cho các thế hệ sinh viên. Có được động lực tinh thần, ngoài việc nâng cao trình độ chuyên môn, chị Túy còn đầu tư cho công tác giảng dạy, giúp sinh viên hứng thú với môn học, góp phần nâng cao hiệu quả dạy học bộ môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Chị Túy chia sẻ, để môn học có sức hút với sinh viên chị vận dụng nhiều phương pháp trong quá trình giảng dạy. Trong đó, ngoài lý thuyết, chị còn cho sinh viên đi thực tế tìm hiểu về lịch sử tại các bảo tàng trong và ngoài tỉnh, sử dụng các thước phim tư liệu, hình ảnh sinh động để minh chứng. Trong quá trình giảng dạy, chị không nói lại kiến thức đã có trong giáo trình mà chọn những vấn đề để phân tích sâu. Bên cạnh đó, chị còn sử dụng phương pháp thuyết trình, thảo luận nhóm… để phát huy tính chủ động của sinh viên.

Chị Túy còn ghi dấu ấn bằng việc tích cực tham gia nghiên cứu khoa học. Không kể luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ, đến nay chị đã sở hữu 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường và khoảng 10 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí và kỷ yếu hội thảo khoa học liên quan đến lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh. Với sự quan tâm, động viên, khuyến khích, chia sẻ từ gia đình, cộng với sự nỗ lực của bản thân, phụ nữ ngày càng khẳng định được giá trị, vị thế của bản thân, góp phần hoàn thành mục tiêu bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.

Nga Sơn


* Bà LÊ THỊ THÁI, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh: Phát huy vai trò của Hội trong việc thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình

Thực hiện bình đẳng giới trong gia đình giúp con cái mỗi gia đình được nuôi dưỡng, chăm sóc chu đáo, có cơ hội được học hành, lớn lên trở thành những công dân tốt của xã hội. Để thực hiện bình đẳng giới trong gia đình, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã và đang thực hiện nhiều giải pháp khác nhau.

Trong đó, có việc nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong gia đình được quy định trong các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân; vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới, góp phần xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”. Vận động, hỗ trợ phụ nữ nâng cao năng lực, trình độ, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần; xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động phòng ngừa bạo lực gia đình; thực hiện hiệu quả đề án Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ và xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em trong gia đình. Đồng thời, thực hiện hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội; đề xuất chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới trong gia đình. Tích cực tham gia tổ hòa giải để kịp thời giải quyết những mâu thuẫn gia đình; phối hợp phát hiện, ngăn chặn, can thiệp và xử lý nghiêm những vụ vi phạm pháp luật có liên quan đến quyền lợi phụ nữ trẻ em.

* Ông ĐÀO PHAN THOẠI (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa): Phát huy vai trò nam giới trong gia đình

Ngày nay, vai trò của người phụ nữ không chỉ gói gọn trong gia đình với vai trò làm làm vợ, làm mẹ mà họ đã và đang khẳng định được vị thế của mình ngoài xã hội trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Bên cạnh đó, nam giới còn có vai trò quan trọng trong xây dựng gia đình hạnh phúc, có sức ảnh hưởng trong việc nuôi dạy con cái, tham gia xây dựng các mối quan hệ cộng đồng và là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho các thành viên trong gia đình. Vì vậy, để phụ nữ có điều kiện vươn lên trong học tập, nâng cao vị thế của mình trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, cần phát huy vai trò của nam giới trong gia đình. Trong đó có việc nuôi dạy con cái, chia sẻ việc nhà, trách nhiệm với các mối quan hệ nội - ngoại…

Bên cạnh đó, nam giới cần là một người đồng hành, cổ vũ để phụ nữ phát huy. Muốn vậy, nam giới phải biết được tiềm năng, thế mạnh để khuyến khích, động viên phụ nữ phát huy; phải am hiểu việc phụ nữ đang làm để có thể hỗ trợ, thậm chí là làm “quân sư” cho họ khi cần.

* Chị THỊ TUYỀN (ngụ xã Bảo Quang, TP.Long Khánh): Đánh thức khát vọng vươn lên của phụ nữ

Bình đẳng giới là mục tiêu phấn đấu chung của các quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, bình đẳng giới được Đảng, Nhà nước dành sự quan tâm đặc biệt và được hiện thực hóa bằng đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các chương trình, dự án; các hoạt động tuyên truyền, vận động… nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ.

Tuy nhiên, vấn đề bất bình đẳng giới vẫn còn đang diễn ra đòi hỏi cần có giải pháp pháp đồng bộ. Tôi cho rằng bên cạnh các giải pháp về tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới, đẩy mạnh truyền thông, các chính sách về pháp luật… trong các tầng lớp nhân dân, việc nâng cao nhận thức của phụ nữ về bình đẳng giới và đánh thức khát vọng vươn lên sống cùng đam mê của phụ nữ. Để từ đó, phụ nữ sẽ tự vạch ra cho mình hướng vươn lên để khẳng định giá trị của bản thân cũng như vị thế của mình trong xã hội cũng là một cách tích cực từng bước xóa mờ định kiến giới, tiến tới bình đẳng giới thực chất.

Cẩm Tú (ghi)


 

Tin xem nhiều