Bức ảnh người y tá bế đứa trẻ sinh non rất bé bỏng trao cho sản phụ mới sinh tại Anh gây nhiều xúc động và cảm hứng cho người xem trong thời đại dịch Covid-19 tàn phá nhiều nơi. Nước Anh là vùng dịch lớn trên thế giới với gần 250 ngàn người nhiễm bệnh và 36 ngàn ca thiệt mạng vì Covid-19 (tính đến ngày 22-5)
Bức ảnh người y tá bế đứa trẻ sinh non rất bé bỏng trao cho sản phụ mới sinh tại Anh gây nhiều xúc động và cảm hứng cho người xem trong thời đại dịch Covid-19 tàn phá nhiều nơi. Nước Anh là vùng dịch lớn trên thế giới với gần 250 ngàn người nhiễm bệnh và 36 ngàn ca thiệt mạng vì Covid-19 (tính đến ngày 22-5)
Phóng viên ảnh Hannah McKay |
Bức ảnh do Hannah McKay, nữ nhiếp ảnh gia 32 tuổi của hãng tin Reuters ở Anh, chụp trung tuần tháng 5-2020.
* Tác nghiệp thời Covid-19
Theo trang tin News24 ngày 20-5, đối với những phóng viên như Hannah McKay, chuyến đi chụp ảnh tại một bệnh viện ở miền bắc nước Anh giữa đại dịch Covid-19 hoành hành đòi hỏi nữ phóng viên này phải lên kế hoạch kỹ càng hơn cả… một nhiệm vụ tác nghiệp ở nước ngoài.
Trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra, McKay đã lên kế hoạch về một mùa hè 2020 đầy bận rộn với lịch chụp ảnh tại các sự kiện thể thao lớn nhất toàn cầu như: Giải vô địch bóng đá các quốc gia châu Âu EURO, Giải vô địch quần vợt Wimbledon và Thế vận hội Tokyo. Nhưng tất cả các sự kiện thể thao được trông chờ này đều phải hoãn lại sang năm tới hoặc hủy bỏ. Vì thế, McKay làm việc toàn thời gian ở London, tập trung chụp những hình ảnh về đại dịch Covid-19. “Công việc này dường như cũng là một kỳ tranh tài Olympic của tôi” - McKay nói.
Nhà báo Mike Collett-White của Reuters viết trên trang The Wider Image rằng dịch bệnh Covid-19 đã khiến cách làm việc của các nhà báo trên toàn thế giới có nhiều thay đổi lớn với ưu tiên tối đa là sự an toàn, có mối quan hệ tốt với các tổ chức cũng như đăng ký kế hoạch làm việc từ trước, hạn chế di chuyển ở mức tối thiểu, gần như không dùng phương tiện giao thông công cộng và các khách sạn.
Từ trụ sở Reuters ở thủ đô London vào giữa tháng 5-2020, McKay đi về phía bắc để chụp ảnh các bệnh viện và nhân viên y tế nơi tuyến đầu phòng chống dịch bệnh ở hai thành phố Blackburn và Burnley. Cô chia hành trình kéo dài sáu giờ thành hai chặng. Ở Blackburn, McKay chụp khoảng 3 ngàn bức ảnh bên trong nhiều khu vực cách ly tại Bệnh viện Royal Blackburn Teaching. “Tôi phải đeo 20 khẩu trang trong ngày” - nữ nhiếp ảnh gia của Reuters cho hay.
Sau khi chụp ảnh, cô mượn chiếc xe máy tại nhà để xe của nhân viên bệnh viện Royal Blackburn để đi đến Burnley vào ngày hôm sau nhằm tiếp tục chụp ảnh về Covid-19.
* Ảnh trẻ sinh non nổi tiếng
Chính tại phòng chăm sóc đặc biệt hậu sản tại Bệnh viện Đa khoa Burnley, McKay chụp được bức ảnh nữ y tá Kirsty Hartley đeo khẩu trang và đồ bảo hộ phòng chống virus, hai tay bế đứa trẻ sơ sinh vừa ra đời còn “đỏ hỏn” cho người sản phụ tên là Kirsty Anderson cũng đeo khẩu trang khi sinh con trong thời Covid-19. Theo Anderson - tên đứa trẻ, được sinh non, thân thể rất bé nhỏ, nhưng ra đời an toàn.
Ảnh: REUTERS/AFP |
Bức ảnh trở nên nổi tiếng và được yêu thích khi được đăng tải nổi bật trên các tờ báo lớn của Anh như: The Guardian, The Telegraph, lẫn trên các trang báo điện tử trực tuyến. “Tôi rất hân hạnh và có cảm giác thật tuyệt khi chụp được bức ảnh này. Tôi chưa từng nghĩ bức ảnh có được sự quan tâm lớn như vậy” - McKay nói - “Dù thế, tôi rất hạnh phúc khi làm điều gì đó bình thường nhưng khác biệt”.
Trong khi đó, người mẹ Kirsty Anderson sau khi nhìn thấy bức ảnh được McKay đưa lên Instagram thì hạnh phúc nói rằng bức ảnh giúp cho các bạn bè và gia đình - những người không thể đến thăm chị tại bệnh viện vì Covid-19 - sẽ thấy được bé Theo Anderson “bé bỏng” như thế nào. Nhiếp ảnh gia McKay cho biết chị sẽ gửi tặng bức ảnh bé Theo Anderson cho mẹ của bé lưu giữ làm kỷ niệm.
Bức ảnh cho thấy trong giai đoạn đầy khó khăn của xã hội loài người do dịch bệnh gây ra, thì sự sống vẫn sinh sôi và được nâng niu gìn giữ giữa những con người tận tâm. Ý chí mạnh mẽ và niềm hy vọng sẽ giúp mọi người trên thế giới vượt qua thử thách.
T.N