Báo Đồng Nai điện tử
En

Sao lại quên người làm thơ?

09:05, 22/05/2020

Ca khúc phổ thơ là một phần của đời sống âm nhạc hơn một thế kỷ qua. Đó là cuộc "hôn phối" giữa thi ca và âm nhạc. Lời thơ chắp cánh cho giai điệu và giai điệu chuyển tải ý nghĩa, hình ảnh của những câu thơ đến với công chúng.

Ca khúc phổ thơ là một phần của đời sống âm nhạc hơn một thế kỷ qua. Đó là cuộc “hôn phối” giữa thi ca và âm nhạc. Lời thơ chắp cánh cho giai điệu và giai điệu chuyển tải ý nghĩa, hình ảnh của những câu thơ đến với công chúng.

Các phiên bản bài hát Dạ khúc của nhạc sĩ Phú Quang phổ thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường giới thiệu trên YouTube đều không nhắc tên nhà thơ
Các phiên bản bài hát Dạ khúc của nhạc sĩ Phú Quang phổ thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường giới thiệu trên YouTube đều không nhắc tên nhà thơ

Tất nhiên, nói tới ca khúc là nói tới sáng tác âm nhạc, nhưng lời thơ được phổ nhạc cũng là phần lao động nghệ thuật không thể coi nhẹ. Thế nhưng, có một thực trạng đáng buồn là trên truyền thông lâu nay, nhiều bài hát khi được giới thiệu để biểu diễn, khi được in ấn hay đăng tải, phát sóng, người ta - vô tình - quên mất tác giả thơ.

Mới đây, khi một nhà thơ qua đời, các bài báo viết về ông nhắc đến những thi phẩm nổi tiếng ông viết mấy chục năm trước, nhiều người mới ngạc nhiên nhận ra lâu nay hát ca khúc phổ thơ ông nhưng chỉ biết đến nhạc sĩ sáng tác.

Bài thơ Màu tím hoa sim của nhà thơ Hữu Loan là một trường hợp hết sức đặc biệt. Đây là một bài thơ tự sự khá dài được sáng tác năm 1949 trong thời kháng Pháp. Lúc này, Hữu Loan đang đi bộ đội và được tin người vợ trẻ qua đời trên đường hành quân:

“Tôi người Vệ quốc quân

xa gia đình/ Yêu nàng như tình yêu
em gái/ Ngày hợp hôn

nàng không đòi may áo mới/ Tôi mặc đồ quân nhân

đôi giày đinh

bết bùn đất hành quân/ Nàng cười xinh xinh

bên anh chồng độc đáo/ Tôi ở đơn vị về/ Cưới nhau xong là đi”

Bài thơ tình yêu này nhanh chóng được công chúng yêu thích và rất nhiều nhạc sĩ phổ nhạc. Có thể kể đến Áo anh sứt chỉ đường tà của Phạm Duy, Những đồi hoa sim của Dzũng Chinh, Chuyện hoa sim của Anh Bằng, Màu tím hoa sim của Duy Khánh, Tím cả chiều hoang của Nguyễn Đặng Mừng, Tím cả rừng chiều của Thu Hồ, Chuyện người con gái hái sim của Hồng Vân…

Trừ tác phẩm Áo anh sứt chỉ đường tà do nhạc sĩ tài hoa Phạm Duy phổ gần như giữ nguyên văn lời thơ và tác khúc tuyệt vời vừa như một khúc bi ca, vừa như bản tình ca và cũng là bản hùng ca…, những bài hát còn lại chủ yếu khai thác một phần lời bài thơ, có nhiều đoạn phỏng thơ.

Nhưng dù có lấy một phần bài thơ hay phỏng thơ, việc để tên, nêu tên nhà thơ Hữu Loan trong khi giới thiệu ca khúc là yêu cầu có tính nguyên tắc - nguyên tắc đạo đức và pháp lý. Đó là chưa kể vấn đề liên quan đến nhuận bút, tác quyền khi khai thác tác phẩm. Thế nhưng, theo dõi trên truyền thông đại chúng nhiều năm qua, chúng tôi nhận thấy, nhà thơ Hữu Loan đã bị lãng quên.

Nhiều ca khúc của nhạc sĩ Phú Quang như Dạ khúc (phổ thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường), Biển, nỗi nhớ và em (phổ thơ Hữu Thỉnh), Nỗi nhớ mùa đông (phổ thơ Thảo Phương), Chiều không em (phổ thơ Nguyễn Thụy Kha), Em ơi, Hà Nội phố (phổ thơ Phan Vũ), Mùa thu giấu emHà Nội ngày trở về (đều phổ thơ Thanh Tùng), Dòng sông không trở lại (phổ thơ Vi Thùy Linh),  Khúc Mùa Thu (phổ thơ Hồng Thanh Quang)… khi được biểu diễn hay phát sóng, không ít lần, người ta chỉ giới thiệu tên nhạc sĩ mà quên mất tên nhà thơ.

Một bài hát khá thành công của nhạc sĩ Phú Quang là bài Đâu phải bởi mùa thu rất ít người biết được phần ca từ là lời thơ, bài thơ Yên tĩnh của nhà thơ Nguyễn Thị Giáng Vân:

Mặt trời trưa đã quá đỉnh đầu

Vách đá chắn ngang điều muốn nói

Em ru gì cho đá núi

Đá núi trụi trần vết tạc thời gian

Em ru gì cho dòng sông

Dòng sông chẳng khi nào ngừng lặng

Sóng cuộn lên nỗi khao khát vô bờ

Sóng rất biết nơi mình đi và đến

Em ru gì cho anh

Mặt trời linh thiêng, mặt trời giông tố

Đã mệt mỏi rồi, đã bao nỗi âu lo

Trên gương mặt anh hằn lên nỗi khổ

Khiến câu hát cất lên bỗng tắt nửa chừng

Em yêu anh như yêu cuộc đời cực nhọc

Có tuổi thơ em buồn bã dịu dàng

Sáng lung linh miền ánh sáng thiên thần

Niềm hạnh phúc muôn đời có thật

Xin đừng trách em nhiều

Cũng xin đừng day dứt

Cây lá có rơi nhiều, xin đừng hỏi mùa thu

Lặng nghe anh

Yên tĩnh - Lời ru…

Nhà thơ Xuân Quỳnh, nhà thơ Phạm Thiên Thư, nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên, nhà thơ Nguyên Sa… cũng có rất nhiều bài thơ được phổ nhạc nhưng vì nhạc sĩ phổ thơ họ quá nổi tiếng nên họ thường bị lãng quên khi ca khúc được biểu diễn.

Bài hát Quê hương (nhạc Giáp Văn Thạch, lời thơ Đỗ Trung Quân) lại là trường hợp đặc biệt vì nhạc sĩ Giáp Văn Thạch qua đời quá lâu, còn nhà thơ Đỗ Trung Quân có nhiều năm hoạt động trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ (trong đó có cả nghệ thuật biểu diễn) nên không bị rơi vào tình trạng quên tác giả thơ! Nhưng có hàng ngàn ca khúc phổ thơ - đôi nơi đôi chỗ trên truyền thông - nhà thơ bị quên tên, không được nhắc tới.

Infographics: TTXVN
Infographics: TTXVN

Cái sự “quên” này đôi khi xuất phát từ chính nhạc sĩ sáng tác. Có nhạc sĩ khai thác hình tượng, hoặc ý tưởng của nhà thơ, nhưng không dùng nguyên văn lời thơ, nên cho rằng không thể đề tên thi sĩ là đồng tác giả. Ví dụ hình ảnh “lá diêu bông” - một sáng tạo của nhà thơ Hoàng Cầm - từng trở thành hình tượng của một ca khúc khá nổi tiếng nhưng thi sĩ thì không được nhắc tên khi giới thiệu bài hát. Hoặc bài hát Tùy hứng lý qua cầu dựa vào một bài thơ của Bế Kiến Quốc nhưng chính nhạc sĩ lại quên!

Trong hoạt động sáng tạo ca khúc, việc viết lời cũng là quá trình lao động nghệ thuật không dễ dàng. Sự tham gia phần ca từ của nhà thơ trong những bài hát phổ thơ hay phỏng thơ, dù ít hay nhiều cũng cần được tôn vinh, trân trọng. Nhắc tên nhà thơ có bài hát phổ thơ trong giới thiệu tác phẩm ca nhạc ấy không phải là sự ban ơn mà đó là thái độ đạo đức, là quy định của pháp luật về bản quyền.

Trong đời sống truyền thông hôm nay, chúng ta cần nhắc nhở nhau, để tránh đi chuyện lãng quên đáng buồn này!

Phú Trang

Tin xem nhiều