Báo Đồng Nai điện tử
En

Quỹ Bảo hiểm y tế không phải là túi tiền không đáy

07:05, 17/05/2016

Sức khỏe con người là vốn quý. Chính vì vậy, chẳng ai muốn mình đau ốm, bệnh tật để phải đến bệnh viện điều trị. Thế nhưng, có những người lại "siêng" đến bệnh viện yêu cầu được kiểm tra sức khỏe, cho dù cơ thể không hề có triệu chứng bệnh.

Sức khỏe con người là vốn quý. Chính vì vậy, chẳng ai muốn mình đau ốm, bệnh tật để phải đến bệnh viện điều trị. Thế nhưng, có những người lại “siêng” đến bệnh viện yêu cầu được kiểm tra sức khỏe, cho dù cơ thể không hề có triệu chứng bệnh.

Việc khám bệnh của những trường hợp này không chỉ 1-2 lần trong một tháng, mà có người thường xuyên xuất hiện tại các khoa, phòng “xin” được khám bệnh với chỉ mục đích được cấp thuốc. Đó là biểu hiện lạ đời và đi ngược lại với tâm lý “sợ” bệnh viện của đại đa số người dân.

Không biết với hàng chục toa thuốc được cấp cho những người “thích” bị bệnh kia, liệu họ có uống hết? Bởi các bác sĩ đã chỉ rõ, nguy cơ lạm dụng thuốc Tây sẽ rất có hại cho sức khỏe. Chưa kể nếu uống nhiều loại thuốc để điều trị nhiều loại bệnh cùng thời điểm trong thời gian dài càng không nên, bởi sẽ dễ gây biến chứng làm tổn hại đến cơ thể người sử dụng. Song, không ít người bỗng dưng lại “thích” bị nhiều chứng bệnh. Điều dễ nhận thấy ở đây là số người thường xuyên vào bệnh viện khám bệnh lấy thuốc, trước tiên vì được ưu tiên cấp thẻ miễn phí, được bảo hiểm y tế chi trả 100% chi phí. Tuy nhiên, vì sao họ lấy thuốc nhiều như vậy, một khi phải bỏ khá nhiều thời gian chờ đợi, thậm chí năn nỉ để được cấp thuốc đem về. Vấn đề này cần được làm rõ, vì có khả năng một số người đi khám bệnh với tần suất bất thường nhằm “kinh doanh” thuốc.

Có thể nói, chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là về sức khỏe cho các đối tượng chính sách được Nhà nước hết sức quan tâm. Lo cho sức khỏe của nhân dân là trách nhiệm chung của xã hội. Thời gian qua, Quỹ Bảo hiểm y tế đã giúp cho không ít người bệnh vượt qua khó khăn về thể chất lẫn tinh thần, người bệnh nghèo vững tin hơn vì nhanh chóng được tiếp cận với dịch vụ y tế để được khám, chăm sóc, điều trị. Vừa qua, quy định thông tuyến khám chữa bệnh từ 1-1-2016 nhằm tạo điều kiện thuận tiện hơn cho người bệnh. Nhưng chỉ mới hơn 4 tháng thực hiện chủ trương này đã phát sinh những vấn đề mà cả bảo hiểm xã hội và ngành y tế chưa lường hết. Đó là tình trạng lạm dụng khám chữa bệnh khiến một số bệnh viện tuyến trên quá tải. Bệnh viện đông bệnh nhân vượt quá dự kiến, đồng nghĩa với chi phí của Quỹ Bảo hiểm y tế tăng cao.

Các bác sĩ ngán ngẩm khi hàng ngày phải gặp những người “bệnh tưởng”, có điều trị mãi cũng không hết; một vài nhân viên còn sợ phải nghe những lời chướng tai từ những bệnh nhân cứ gặp là “đau nhức toàn thân” nên buộc phải nín lặng. Nhưng rõ ràng, Quỹ Bảo hiểm y tế không phải là cái túi đựng tiền không đáy nên về lâu dài không thể để quỹ thâm thủng. Việc một số người lạm dụng quỹ cũng chính là hành động lạm dụng lòng tốt và sự chia sẻ của cộng đồng với một mục tiêu nhân văn: Nhiều người đóng góp vào quỹ cho số ít người bị bệnh thực sự, hoặc rủi ro gặp tai nạn. Vì vậy, số người “siêng năng” đi khám bệnh để lấy thuốc là hành động thiếu minh bạch, trục lợi và không thật công bằng đối với lợi ích chung của toàn xã hội.                                                       

TẠ NGUYÊN

Tin xem nhiều