Báo Đồng Nai điện tử
En

Quyền của công dân

11:05, 16/05/2016

Quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân là nguyên tắc cơ bản đã được ghi nhận qua tất cả các bản Hiến pháp của nước ta. Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 đã quy định cụ thể các phương thức thức để nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước. Bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp là phương thức để nhân dân thực hiện quyền lực này.

Quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân là nguyên tắc cơ bản đã được ghi nhận qua tất cả các bản Hiến pháp của nước ta. Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 đã quy định cụ thể các phương thức thức để nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước. Bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp là phương thức để nhân dân thực hiện quyền lực này.

Ở nước ta, nhân dân thực hiện quyền lực của mình bằng hai hình thức là dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Ngày 22-5 này người dân sẽ dùng lá phiếu của mình để quyết định ai là người thay mặt và đại diện cho mình.

Dân chủ gián tiếp, người dân sẽ thông qua đại biểu của mình để đề đạt nguyện vọng, lợi ích chính đáng. Vì lẽ ấy, cử tri có quyền quyết định ai sẽ là đại biểu đại diện cho mình và cử tri cũng là người có quyền truất phế đại biểu nếu đại biểu ấy phản bội lại lợi ích của người dân đã bầu ra họ.

Dân chủ đại diện, người dân thông qua đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp vẫn là hình thức phổ biến, vì lẽ ấy, bầu cử để chọn ra đại biểu xứng đáng càng hết sức quan trọng. Dân chủ đại diện chỉ thật sự phát huy tác dụng và hiệu quả khi các đại biểu do người dân bầu ra thực sự đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Hình thức này sẽ không mang lại hiệu quả hoặc hiệu quả không rõ rệt khi các đại biểu do dân bầu ra thay mặt nhân dân nhưng lại không làm tròn nhiệm vụ. Bởi vậy, lá phiếu mà mỗi cử tri cầm trên tay đi bầu vào ngày 22-5 tới là rất quan trọng. Với bất kỳ một nền chính trị nào, người dân có quyền bầu cử tự do thì đã đạt được một trong những tiêu chí dân chủ. Với cuộc bầu cử này, cử tri sẽ có nhiều lựa chọn khác nhau bởi số dư của ứng cử viên là không ít. Trước cuộc bầu cử, cử tri đã được tiếp xúc với ứng cử viên, đã được cung cấp thông tin minh bạch, đầy đủ về ứng cử viên. Đây sẽ là những kênh thông tin vô cùng quan trọng để cử tri quyết định bầu ai, gạch ai.

Ở Việt Nam, Hiến pháp và Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND quy định mọi công dân đều có quyền bỏ phiếu, bất kể giới tính, dân tộc, tôn giáo. Là một cuộc bầu cử tự do, mọi lá phiếu của mỗi cử tri đều có giá trị như nhau, lá phiếu của một công nhân cũng có giá trị như lá phiếu của ông Chủ tịch nước.

Bầu cử là quyền của công dân. Là quyền, người dân có thể thực hiện quyền đó và cũng có thể không thực hiện - bởi đó là quyền. Thế nhưng, với một công dân có trách nhiệm, quyền phải luôn đi cùng với nghĩa vụ. Vì lẽ ấy, mỗi người dân khi được thụ hưởng, hưởng những thành quả chung của đất nước thì cũng đồng nghĩa với việc có trách nhiệm để xây dựng đất nước. Đi bầu cử vì vậy không chỉ là quyền mà trở thành nghĩa vụ của mọi công dân.

Khi tham gia bầu cử đầy đủ và có trách nhiệm, mỗi người dân đã góp phần mình trong việc tham gia xây dựng Nhà nước, tham gia vào quá trình quản lý đất nước.

Những thùng phiếu đã sẵn sàng để đón nhận những lá phiếu đầy trách nhiệm của những công dân trách nhiệm.

Hồng Phúc

Tin xem nhiều