Báo Đồng Nai điện tử
En

'Nối lại tình xưa' sau khi ly hôn: Coi chừng phát sinh rắc rối pháp lý

Đoàn Phú
08:27, 15/04/2025

Chuyện 2 người từng là vợ chồng (đã ly hôn) muốn “nối lại tình xưa” không phải là chuyện hiếm gặp trong cuộc sống. Tuy nhiên, rắc rối pháp lý xảy ra khi vợ hoặc chồng sau khi ly hôn đã kết hôn và có mái ấm mới mà vẫn muốn, cố tình quay lại hẹn hò, lập di chúc cho vợ hoặc chồng cũ tài sản.

Vi phạm chế độ một vợ, một chồng sẽ bị pháp luật chế tài. Ảnh minh họa: Internet

Thận trọng khi nối lại tình xưa

Bà N.Y. với ông P.G. (quê tỉnh Long An, tạm trú thành phố Biên Hòa) đã ly hôn từ năm 2019. Trong quá trình cả 2 về thành phố Biên Hòa mưu sinh thì vô tình họ gặp lại nhau. Biết chuyện bà N.Y. đang cảnh mẹ đơn thân (có con nhỏ với người đàn ông khác không có kết hôn) ở trọ, công việc bấp bênh nên ông P.G. nhiều lần ghé thăm hỏi, chăm sóc, tặng quà, rồi ngỏ ý “nối lại tình xưa”. Bà N.Y. đã nhận lời và cả 2 không ngần ngại sống chung khi có điều kiện bên nhau.

Trong quá trình “nối lại tình xưa”, bà N.Y. vẫn biết ông P.G. sau khi ly hôn với bà đã kết hôn với người khác và đã có 2 con, đang sinh sống tại tỉnh Long An. Để thể hiện chân thành, ông P.G. có viết giấy tay (dạng di chúc) để lại cho bà N.Y. một phần tài sản gồm 5 sào ruộng thuộc phần của ông ở quê.

Ông P.G. thủ thỉ với bà N.Y. rằng, ông làm như vậy là mong muốn bù đắp cho bà, phòng lúc ông qua đời đột ngột, bà N.Y. còn có chút vốn liếng sinh sống. Tuy nhiên, ông P.G. lo lắng, liệu bà N.Y. có được hưởng di sản này không?

Cũng vì biết chuyện chồng mình có quan hệ “ngoài luồng” với người vợ đã ly hôn được 2 năm (cả 2 có một con chung), chị M.N. (ngụ tỉnh Bình Dương) muốn tìm “tình địch” nói chuyện phải trái để vợ cũ của chồng đừng lấy con ra níu kéo, phá vỡ hạnh phúc của họ. Tuy nhiên, do chị không có bằng chứng chồng và vợ cũ “tằng tịu” với nhau, mà chỉ nghe bạn bè to nhỏ lại rằng, chồng thường ghé thành phố Biên Hòa (nơi vợ cũ sinh sống, làm việc) thăm con, rồi cùng nhau đi ăn, đi chơi, qua đêm.

Chị M.N. lên internet tìm hiểu thì được biết, nếu chị tố cáo chồng và vợ cũ quan hệ bất chính mà không có bằng chứng thì chị là người vi phạm pháp luật. Chị M.N. muốn biết, chị phải làm sao để chồng và vợ cũ thấy được điều sai và không liên hệ với nhau nữa.

Tại Khoản 1, Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định, người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm: làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

Sự tự nguyện phải đúng luật, đạo đức xã hội

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đề cao nguyên tắc một vợ, một chồng (Khoản 1, Điều 2); đồng thời, nghiêm cấm người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ (điểm c, Khoản 2, Điều 5).

Luật sư Lê Văn Bá (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, nam, nữ đủ độ tuổi theo quy định pháp luật có quyền sống chung như vợ chồng với nhau mà không cần phải kết hôn. Tuy nhiên, nếu một trong hai bên hoặc một bên đã có vợ, có chồng vi phạm Khoản 1, Điều 2 và Khoản 2, Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì bị pháp luật nghiêm cấm.

Luật sư Lê Văn Bá hướng dẫn, với trường hợp của bà N.Y., việc duy trì mối quan hệ giữa bà với chồng cũ đã ly hôn là vi phạm điểm c, Khoản 2, Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Hành vi đó sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng theo Khoản 1, Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP ngày
15-7-2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã (gọi tắt Nghị định 82).

Riêng việc ông P.G. lập di chúc (viết giấy) để lại tài sản riêng của ông cho vợ cũ, nếu di chúc đó tuân thủ Điều 625, Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì hợp pháp và bà N.Y. được hưởng phần di sản của ông để lại theo đúng nội dung trong di chúc khi ông mất.

Cụ thể, Điều 625 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản (kể từ thời điểm mở thừa kế). Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm (kể từ thời điểm mở thừa kế). Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 3 năm (kể từ thời điểm mở thừa kế).

Ngoài ra, Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện: người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép; nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp nếu có đủ các điều kiện về di chúc hợp pháp.

Đồng quan điểm, luật gia Nguyễn Xuân Thanh (Hội Luật gia tỉnh) bày tỏ, việc có nhân tình, duy trì mối quan hệ với nhân tình trong thời kỳ hôn nhân, dù nhân tình đó là vợ/chồng của mình trước đây cũng là vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình. Hành vi này, tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi mà người vi phạm có thể bị chế tài hành chính theo Khoản 1, Điều 59 Nghị định 82; hoặc bị chế tài theo Điều 182 (tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng) của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Từ những phân tích trên, luật gia Nguyễn Xuân Thanh giải đáp cho trường hợp của chị M.N., việc chồng chị ghé nơi ở của vợ cũ thăm con, chơi với con là đúng với quy định pháp luật về quyền thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng con sau ly hôn. Tuy nhiên, nếu chị có đủ bằng chứng chứng minh việc chồng chị lợi dụng việc thăm nom con mà vi phạm chế độ hôn nhân và gia đình thì có quyền yêu cầu pháp luật can thiệp.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều