Để đào tạo được một bác sĩ, điều dưỡng lành nghề phải tốn rất nhiều thời gian, công sức, chi phí. Do vậy, khi những người này "dứt áo ra đi" sẽ để lại khoảng trống lớn đối với các bệnh viện.
>>> Bài 2: Bệnh viện, bệnh nhân thiệt đơn, thiệt kép
Để đào tạo được một bác sĩ, điều dưỡng lành nghề phải tốn rất nhiều thời gian, công sức, chi phí. Do vậy, khi những người này “dứt áo ra đi” sẽ để lại khoảng trống lớn đối với các bệnh viện.
Nhân viên y tế lấy máu xét nghiệm cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế H.Vĩnh Cửu. Ảnh: H.Dung |
[links()]Số lượng nhân lực không đủ, chất lượng chưa đảm bảo, trong khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao khiến cả bệnh viện lẫn bệnh nhân đều phải chịu thiệt thòi.
* Vòng xoáy luẩn quẩn
BS Nguyễn Đức Phước, Giám đốc Trung tâm Y tế H.Trảng Bom cho hay, 2 năm vừa qua, trung tâm có hơn 10 bác sĩ nghỉ việc. Do thiếu bác sĩ nên một số khoa, phòng phải hoạt động cầm chừng. Chẳng hạn như, Đơn nguyên thận nhân tạo, trước đây có 4 bác sĩ để xoay tua nhưng nay chỉ còn 2 bác sĩ, rất khó để đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính tại địa phương phải chuyển lên các bệnh viện tuyến trên ở TP.Biên Hòa để chạy thận 3 ngày/tuần, thay vì được chạy thận tại Trung tâm Y tế huyện. Việc phải di chuyển lên tuyến trên khiến bệnh nhân mất nhiều thời gian, công sức hơn.
BS Phước nói thêm, việc thiếu hụt bác sĩ đã ảnh hưởng trực tiếp đến định hướng phát triển chuyên môn của trung tâm. Cụ thể như, trung tâm muốn cử bác sĩ A. đi học chuyên khoa I để sau này về triển khai những kỹ thuật mới, kỹ thuật cao phục vụ người bệnh, nhưng nếu bác sĩ A. đi học thì sẽ không có đủ bác sĩ để đảm bảo công tác khám, chữa bệnh tại trung tâm. Do đó, trung tâm không thể cử bác sĩ A. đi học. Điều này khiến bệnh nhân tại địa phương phải thiệt thòi, vì không được tiếp cận các kỹ thuật cao.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng nhấn mạnh: “Trước “làn sóng” bác sĩ, điều dưỡng nghỉ việc tại các bệnh viện công lập, công tác đào tạo nhân lực y tế tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh rất quan trọng. Bởi, nếu nhà trường đào tạo được số lượng lớn sinh viên ngành Điều dưỡng sẽ kịp thời bổ sung số lượng điều dưỡng đã nghỉ việc tại các bệnh viện công lập và ngược lại. Do đó, Sở Y tế, các cơ sở y tế trong tỉnh cần tăng cường cơ chế “đặt hàng” đào tạo nhân lực y tế với các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Chỉ khi “đầu vào” dồi dào, ổn định mới có thể chủ động về vấn đề nhân lực để đưa ra kế hoạch phát triển chuyên môn của bệnh viện”. |
Còn tại Trung tâm Y tế H.Vĩnh Cửu, tình trạng thiếu bác sĩ đã diễn ra từ nhiều năm nay mà chưa tìm được giải pháp căn cơ nào để tháo gỡ.
BS Hồ Văn Hoài, Giám đốc Trung tâm Y tế H.Vĩnh Cửu cho biết, toàn huyện hiện chỉ có 54 bác sĩ, trong đó có 5 bác sĩ đã nghỉ hưu được hợp đồng lại để triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. 2 năm qua, trung tâm có 11 bác sĩ, 6 điều dưỡng và một số nhân viên y tế khác nghỉ việc. Sắp tới đây, sẽ có thêm 3 bác sĩ có kinh nghiệm, có chứng chỉ hành nghề nghỉ hưu.
Vĩnh Cửu hiện là địa phương có tỷ lệ bác sĩ/vạn dân thấp nhất tỉnh với 4 bác sĩ/vạn dân (tỷ lệ chung của tỉnh là 9,1 bác sĩ/vạn dân). Việc tuyển dụng bác sĩ về địa phương thời gian qua rất khó. Bác sĩ tuyển về được một thời gian lại xin nghỉ việc, có những người chấp nhận đền bù khoản tiền đào tạo theo địa chỉ mà tỉnh đã hỗ trợ trong quá trình học tập để được nghỉ việc, ra ngoài làm tại các phòng khám tư nhân hoặc bệnh viện tư nhân.
Bởi vậy mà đến nay, H.Vĩnh Cửu mới chỉ có 4/12 trạm y tế có bác sĩ có thể triển khai khám, chữa bệnh BHYT. Những trạm còn lại không có bác sĩ cơ hữu hoặc bác sĩ dự phòng, bác sĩ chưa có chứng chỉ hành nghề, không được phép khám, chữa bệnh BHYT.
* Gánh nặng đặt lên vai những người ở lại
BS CKII Lê Thị Phương Trâm, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, để bổ sung số lượng bác sĩ thiếu hụt, bệnh viện phải liên tục tuyển dụng bác sĩ. Mặc dù số lượng bác sĩ được tuyển mới tương đương hoặc nhiều hơn số lượng bác sĩ đã nghỉ việc nhưng phần lớn là những người mới ra trường, chưa có chứng chỉ hành nghề. Vì thế, bệnh viện lại phải tiếp tục đào tạo lại, cử những bác sĩ này đi đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
“Hiện tại, bệnh viện có 2 nhóm đối tượng bác sĩ chủ yếu gồm những người đã lớn tuổi, sắp về hưu và những người mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm. Điều chúng tôi lo lắng là khi những bác sĩ trẻ đã cứng tay nghề, có chứng chỉ hành nghề lại sẽ ra đi” - BS Trâm bộc bạch.
Nói thêm về nghịch lý của việc bác sĩ nghỉ việc tại bệnh viện công lập, TS-BS Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho hay, các bệnh viện tư nhân, phòng khám đa khoa tư nhân trên địa bàn tỉnh được xếp hạng bệnh viện hạng 3. Thời gian qua, những cơ sở này đã thu hút nhiều nhân lực chất lượng cao của 2 bệnh viện công lập hạng 1 tuyến tỉnh. Nhưng nếu tiếp nhận những bệnh nhân mắc bệnh nặng, nguy kịch, các bệnh viện tư nhân thường chuyển bệnh nhân đến các bệnh viện hạng 1 là Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất mà ít khi giữ lại để điều trị. Điều này gây áp lực cho các bác sĩ của bệnh viện công lập cũng như thiệt thòi cho bệnh nhân.
Trong khi đó, do không có đủ điều dưỡng để đáp ứng yêu cầu công việc nên thời gian qua, tua trực của các điều dưỡng còn ở lại tại các bệnh viện công lập dày hơn trước, vất vả hơn trước rất nhiều.
BS Phạm Thị Kiều Trang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho hay, thời điểm dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát dữ dội, 1 điều dưỡng được phân công theo dõi 5 bệnh nhi bị sốc sốt xuất huyết. Mỗi giờ, điều dưỡng phải đếm mạch, đo huyết áp, đo nhịp thở, tính lượng nước tiểu của bệnh nhân. Cứ 3 tiếng, điều dưỡng phải đo nhiệt độ cho bệnh nhân để nắm bắt tình hình bệnh và báo cáo bác sĩ để thực hiện các xét nghiệm nếu cần thiết.
BS Kiều Trang chia sẻ: “Có những hôm có ca bệnh nặng phải cấp cứu thở máy, lọc máu liên tục, điều dưỡng phải làm việc gấp đôi công suất, đến tận chiều mới được ăn cơm trưa. Vì thiếu nhân lực nên điều dưỡng của khoa nói riêng và toàn bệnh viện nói chung phải trực tua 3 (ngày đầu tiên trực 1 ngày 1 đêm, ngày thứ 2 được nghỉ, ngày thứ 3 đi làm giờ hành chính, ngày thứ 4 tiếp tục trực 1 ngày 1 đêm) rất vất vả”.
* Đẩy mạnh “đặt hàng” nhân lực y tế
Theo TS Nguyễn Hồng Quang, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai, để đáp ứng nhu cầu nhân lực điều dưỡng của các cơ sở y tế trong tỉnh, nhà trường thường xuyên chiêu sinh, triển khai nhiều giải pháp để thu hút học sinh đăng ký xét tuyển, học chuyên ngành Điều dưỡng tại trường.
Năm 2018, ngành Điều dưỡng của Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai đã được Bộ LĐ-TBXH phê duyệt là ngành nghề trọng điểm cấp khu vực ASEAN. Mới đây, ngành Điều dưỡng tiếp tục được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp và chương trình đào tạo. Đây là những yếu tố thuận lợi để nhà trường nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo chuyên ngành Điều dưỡng và thu hút học sinh theo học chuyên ngành này.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng hợp tác chặt chẽ với các cơ sở y tế trong tỉnh, tạo điều kiện để sinh viên của trường đi thực tập tại các bệnh viện. Qua đó, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, rèn luyện tác phong, ý thức, nâng cao trách nhiệm, thái độ phục vụ người bệnh cho các điều dưỡng tương lai.
Cô Trịnh Thị Trinh, phụ trách bộ môn Điều dưỡng Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai cho biết, để các điều dưỡng tương lai an tâm gắn bó với nghề, các giáo viên bộ môn thường xuyên giáo dục sinh viên lòng yêu nghề, truyền đạt, hướng dẫn những kỹ năng cần thiết để chăm sóc, hỗ trợ bệnh nhân; cách ứng xử, xử lý các tình huống thường gặp trong quá trình chăm sóc bệnh nhân, giao tiếp với người nhà bệnh nhân.
Cô Trinh thừa nhận, hiện nay có nhiều sinh viên sau khi ra trường thường thích làm việc tại các cơ sở y tế tư nhân, các cơ sở làm đẹp hơn là các bệnh viện công lập. Do vậy, trong quá trình giảng dạy, các giáo viên thường lồng ghép những nội dung nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người điều dưỡng. Qua đó, giúp sinh viên hiểu rõ hơn về công việc mình sẽ làm trong tương lai, có những lựa chọn phù hợp nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân.
Hạnh Dung
Bài 3: “Xốc” lại tinh thần cho nhân viên y tế