Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiệu quả từ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ

08:01, 13/01/2022

Không chỉ góp phần cải thiện chất lượng làm việc của các hệ thống truyền động điện tự động, thành công của đề tài Xây dựng hệ thống truyền động điện tự động nhiều động cơ chủ động được liên kết với nhau bởi các phần tử đàn hồi còn được ứng dụng trong dạy học. Mô hình có thể giảng dạy trong nhiều module của ngành Công nghệ kỹ thuật - điện, điện tử.

Không chỉ góp phần cải thiện chất lượng làm việc của các hệ thống truyền động điện tự động, thành công của đề tài Xây dựng hệ thống truyền động điện tự động nhiều động cơ chủ động được liên kết với nhau bởi các phần tử đàn hồi còn được ứng dụng trong dạy học. Mô hình có thể giảng dạy trong nhiều module của ngành Công nghệ kỹ thuật - điện, điện tử.

Các thành viên Hội đồng Khoa học và công nghệ cấp tỉnh tổ chức đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài. Ảnh: Hải Yến
Các thành viên Hội đồng Khoa học và công nghệ cấp tỉnh tổ chức đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài. Ảnh: Hải Yến

Việc thực hiện thành công đề tài này cũng đồng thời tạo đà cho các đề tài nghiên cứu chuyên ngành kỹ thuật, tự động hóa của Trường đại học Đồng Nai trong thời gian tới.

* Góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất

Xây dựng hệ thống truyền động điện tự động nhiều động cơ chủ động được liên kết với nhau bởi các phần tử đàn hồi là một trong những nhiệm vụ khoa học - công nghệ (KH-CN) cấp tỉnh. Đề tài do Trường đại học Đồng Nai chủ trì, Học viện Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng) phối hợp, ThS Đào Sỹ Luật (Trường đại học Đồng Nai) làm chủ nhiệm, PGS-TS Phạm Tuấn Thành (Học viện Kỹ thuật quân sự) làm đồng chủ nhiệm đề tài. Sau 12 tháng nghiên cứu, tháng 12-2021, đề tài đã được nghiệm thu và bàn giao cho đơn vị thụ hưởng.

Sau khi nghiệm thu đề tài, Sở KH-CN đã tổ chức bàn giao kết quả nghiên cứu cho 2 đơn vị là Trường đại học Đồng Nai và Xí nghiệp Liên hợp Z751 (thuộc Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng). Việc ứng dụng đề tài góp phần nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng dạy tại Trường đại học Đồng Nai và áp dụng vào thực tế sản xuất tại Xí nghiệp Liên hợp Z751. ThS Đào Sỹ Luật, Chủ nhiệm đề tài cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu để phát triển đề tài trong thời gian tới.

ThS Đào Sỹ Luật, Chủ nhiệm đề tài cho biết, vấn đề tự động hóa trong công nghệ và sản xuất đang được quan tâm đặc biệt và đã đạt được những thành tựu nổi bật, góp phần tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Các hệ thống truyền động điện tự động nhiều động cơ chủ động là thành phần cơ bản trong hầu hết các dây chuyền sản xuất, robot công nghiệp, thiết bị gia công cơ khí. Điển hình như được sử dụng trong hệ thống máy cán thép liên tục, dây chuyền sản xuất giấy, dây chuyền bọc cáp, dây chuyền đóng hộp, các robot tự động trong các dây chuyền sản xuất lắp ráp ô tô, sản xuất linh kiện điện tử... Chất lượng điều khiển và giám sát các hệ thống này sẽ quyết định độ chính xác và chất lượng làm việc của toàn bộ dây chuyền.

Đề tài nghiên cứu này đã cải tiến các hệ thống kỹ thuật trong dây chuyền sản xuất nhiều động cơ liên kết với nhau bằng phần tử đàn hồi. Từ đó, làm giảm chi phí sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

ThS Đào Sỹ Luật giải thích: “Điểm mới của đề tài này là chúng tôi đã thiết kế, lập trình để duy trì vận tốc ổn định của băng tải (chạy tự động) ngay cả khi khối lượng sản phẩm chạy trên băng tải bị thay đổi. Nhờ đó, có thể cải thiện chất lượng làm việc của các hệ thống truyền động điện tự động trong thực tiễn”.

Trên thực tế, khi sử dụng băng tải đàn hồi, khi khối lượng sản phẩm trên băng tải thay đổi thì tốc độ băng tải cũng bị thay đổi. Điều này sẽ ảnh hưởng đến động cơ, sản xuất không được liên tục, không đảm bảo thời gian… Các dây chuyền khác, bộ phận sản xuất khác có thể bị gián đoạn và ảnh hưởng theo.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng đã tích hợp để người sử dụng có thể điều khiển, giám sát từ xa thông qua ứng dụng được cài đặt trên điện thoại.

* Phục vụ quá trình đào tạo

Để hoàn thành đề tài này cần kết hợp kiến thức, kinh nghiệm của nhiều lĩnh vực như: kỹ thuật, điện, lập trình điều khiển, giám sát. Trong đó, vai trò của mảng lập trình rất quan trọng và giữ vai trò chủ đạo. Kết quả đề tài nghiên cứu này có thể dùng để giảng dạy trong ngành Công nghệ kỹ thuật - điện, điện tử (thuộc khoa kỹ thuật hệ cao đẳng).

Quá trình thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã thực hiện mô phỏng và thiết kế thực nghiệm. Theo đó, mô hình thực nghiệm được sử dụng tại Trường đại học Đồng Nai. Đây sẽ là thiết bị được sử dụng trong giảng dạy trong ngành Công nghệ kỹ thuật - điện, điện tử (hệ cao đẳng).

Theo định hướng phát triển của Trường đại học Đồng Nai, trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục mở các mã ngành đào tạo thuộc các ngành kỹ thuật, tự động hóa. Mô hình nêu trên có thể được sử dụng để giảng dạy trong nhiều module, đặc biệt là các module trong chương trình đào tạo dành cho sinh viên năm thứ 3 và năm cuối.

“Chúng tôi có thể dùng để dạy trong nhiều module như: PLC, biến tần, trang bị điện, khí nén, lắp đặt điện… Trong đó, tập trung nhất cho sinh viên năm cuối. Đặc biệt là định hướng các em trong việc làm chủ khoa học, sáng tạo trong một dây chuyền sản xuất” - ThS Đào Sỹ Luật cho hay.

Được biết, trong năm 2022, Trường đại học Đồng Nai sẽ mở mã ngành mới và bắt đầu tuyển sinh ngành Công nghệ kỹ thuật hệ đại học. Mô hình này sẽ có nhiều cơ hội để sử dụng.

Được biết, các tác giả đề tài hoàn thành đề tài nghiên cứu vào tháng 7-2021. Từ đó đến nay, sinh viên của Trường đại học Đồng Nai vẫn phải học online tại nhà nên sinh viên chưa được tiếp cận, thực hành trực tiếp với mô hình này.

TS Lê Anh Đức, Hiệu trưởng Trường đại học Đồng Nai cho biết: “Đề tài nghiên cứu này có thể được xem là bước đầu đặt nền tảng cho những đề tài tiếp theo trong thời gian tới. Sau khi thực hiện đề tài, nhà trường đã khuyến khích giảng viên thực hiện một số đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực công nghệ tự động và công nghệ số, đề xuất với Sở KH-CN đồng thời tham gia tuyển chọn để thực hiện đề tài, nhiệm vụ KH-CN cấp tỉnh”.

Kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ sở để xây dựng các hệ thống điều khiển, giám sát các hệ truyền động điện nhiều động cơ trong các dây chuyền sản xuất công nghiệp. Đây có thể là tiền đề để giảng viên, sinh viên Trường đại học Đồng Nai tiếp tục nghiên cứu, phát triển các đề tài KH-CN mới.

PGS-TS PHẠM TUẤN THÀNH (Học viện Kỹ thuật quân sự, đồng chủ nhiệm đề tài) chia sẻ: “Việc thực hiện đề tài Xây dựng hệ thống truyền động điện tự động nhiều động cơ chủ động được liên kết với nhau bởi các phần tử đàn hồi sẽ phát triển phương pháp, mô hình, giải thuật và công cụ nhằm nâng cao độ chính xác điều khiển các hệ truyền động nhiều động cơ có chứa băng tải. Kết quả nghiên cứu có ý nghĩa khoa học quan trọng, góp phần cải tiến chất lượng làm việc của các hệ thống truyền động điện tự động trong thực tiễn”.

Hải Yến

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích