Báo Đồng Nai điện tử
En

Bấp bênh lao động thời vụ

08:05, 10/05/2016

Thị trường lao động thời gian gần đây luôn trong tình trạng thiếu hụt. Tuy nhiên vì những lý do khác nhau, không ít lao động vẫn không thể tìm cho mình một công việc chính thức mà phải đi làm công việc thời vụ bấp bênh.

Thị trường lao động thời gian gần đây luôn trong tình trạng thiếu hụt. Tuy nhiên vì những lý do khác nhau, không ít lao động vẫn không thể tìm cho mình một công việc chính thức mà phải đi làm công việc thời vụ bấp bênh.

Một nhóm lao động thời vụ làm việc tại Công ty TNHH Shing Mark Vina (huyện Trảng Bom).
Một nhóm lao động thời vụ làm việc tại Công ty TNHH Shing Mark Vina (huyện Trảng Bom).

Trước cổng Công ty TNHH Shing Mark Vina (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) ngày nào cũng có tốp thanh niên to khỏe ngồi chờ việc. Khi chủ hàng kêu thì họ vội vã chạy đi làm, không thì lại ngồi chơi dài chờ cơ hội.

* Hồi hộp chờ việc

Anh Nguyễn Văn Vọng (quê Bến Tre) cùng vợ sống gần Khu công nghiệp Bàu Xéo. Vợ anh đi làm công nhân may, còn anh làm lao động thời vụ bốc vác, đóng gói phế liệu công nghiệp. Hàng ngày, anh Vọng “trực”  trước cổng Công ty TNHH Shing Mark Vina, khi có chủ xe container nào gọi thì anh vào bốc vác hàng lên xe. Anh Vọng cho biết, vì là lao động thời vụ nên công việc “tùm lum” có việc gì thì làm việc ấy, có ngày chẳng có việc. Anh Vọng cho biết: “Các doanh nghiệp chủ yếu tuyển nữ nhiều hơn nam, hơn nữa những công việc tỉ mỉ và cố định một chỗ không phù hợp với tôi, vì thế tôi chọn làm việc theo thời vụ”.

Đường Bùi Văn Hòa nằm giữa 2 phường Long Bình và Long Bình Tân (TP.Biên Hòa) từ lâu được coi là một khu “chợ việc làm” với hàng loạt các công ty tư nhân có chức năng giới thiệu việc làm, tuyển dụng lao động làm các công việc thời vụ. Cầm trên tay bộ hồ sơ xin việc, chị Vũ Thị Hoa, công nhân cũ của Công ty TNHH Yupoong (Khu công nghiệp Biên Hòa 2), cho biết: “Cuối năm ngoái công ty cũ cho hàng loạt công nhân nghỉ việc, tới nay tôi vẫn chưa tìm được công việc mới cố định vì tuổi tác đã cao. Giờ muốn có việc làm tôi không còn cách nào khác là tới các công ty cần tuyển lao động thời vụ, có việc gì làm việc nấy, không có thì tính tiếp”.

Còn anh Trịnh Đức Hòa làm lao động thời vụ cho Công ty TNHH dịch vụ thương mại Nam Việt (phường Long Bình Tân) cho hay anh đi xin việc cố định ở nhiều doanh nghiệp mà không được vì trình độ văn hóa chưa hết lớp 9. Anh Hòa chấp nhận đi làm công việc thời vụ, ngày nào công ty có việc thì anh được xếp đi làm. Tuần may mắn có việc liên tục anh làm từ 6 giờ tới tận 19 giờ, nhưng cũng có khi 2-3 ngày liền nằm ở phòng trọ ăn không chờ việc. Do công việc thời vụ nay làm việc này, mai lại có thể làm việc khác nên anh không có điều kiện rèn luyện nâng cao tay nghề ở một công việc cố định.

* Thiệt thòi đủ thứ

Lao động thời vụ luôn phải chấp nhận thiệt thòi nhiều mặt, công việc bấp bênh, không có chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm thất nghiệp, thậm chí còn bị “quỵt” cả lương. Anh Phạm Văn Rong (ngụ phường An Bình, TP.Biên Hòa), bức xúc cho biết anh và nhóm thợ hơn 15 người làm thợ hồ cho một nhà thầu phụ xây dựng công trình tại phường Long Bình Tân. Tháng lương đầu tiên anh được nhận đầy đủ hơn 5 triệu đồng, nhưng đến kỳ lương tháng thứ 2 thì chủ thầu lao động biến mất. Khi hỏi chủ đầu tư thì anh Rong và các đồng nghiệp mới biết chủ đầu tư đã thanh toán hết tiền công cho nhà thầu lao động nên không còn trách nhiệm liên quan.

Cần kiên trì tìm việc làm ổn định

Ông Huỳnh Ngọc Long, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh, cho biết nhiều doanh nghiệp hiện vẫn cần lao động. Do đó, người lao động nên kiên trì tới Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh để tìm việc, vì không tốn phí môi giới. Những doanh nghiệp tuyển dụng tại trung tâm đều có uy tín tốt, đảm bảo quyền lợi đầy đủ cho người lao động theo quy định của pháp luật.

Qua tìm hiểu tại nhiều công ty dịch vụ việc làm, phần lớn lao động thời vụ chỉ được nhận lương dựa trên số ngày lao động thực tế. Lương được trả hàng tuần hoặc hàng tháng. Không có việc làm, người lao động không được trả lương. Người làm công việc thời vụ không được chủ sử dụng đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, hay bảo hiểm tai nạn lao động. Chính vì vậy khi xảy ra rủi ro, không có việc làm, ốm đau bệnh tật, thậm chí bị tai nạn lao động thì người lao động đều phải gánh chịu hậu quả. Nhiều lao động biết mình thiệt thòi nhưng vẫn chấp nhận đi làm vì miếng cơm manh áo hàng ngày.

Anh Lương Tấn Khải, lao động thời vụ của Công ty dịch vụ việc làm Dona (phường Long Bình), cho hay nếu xin được việc làm ở một doanh nghiệp và được ký hợp đồng lao động thì sẽ có các chế độ phúc lợi theo quy định của pháp luật, được tổ chức Công đoàn bảo vệ quyền lợi. Còn công việc thời vụ thì chỉ có lương dựa trên ngày công chứ không có một quyền lợi nào khác. Có khi đang làm, vì ốm đau bệnh tật mà “nghỉ ngang” còn không được trả đồng nào. Anh Khải cho hay: “Tôi không muốn làm công việc dạng thời vụ, nhưng hiện tại khó xin việc, hơn nữa công việc thời vụ làm tuần nào có tiền ngay tuần ấy cũng bớt khó khăn hơn”.

Công Nghĩa

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Tổng hợp tin đăng viec làm mới nhất