Năm 2025 là năm đầu tiên học sinh khối 12 sẽ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) theo Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, đồng thời quy chế thi và xét tốt nghiệp sẽ có nhiều thay đổi so với các kỳ thi trước đây.
Trường trung học phổ thông Lâm Nghiệp (huyện Trảng Bom) đã triển khai sớm nhiều nội dung liên quan đến thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học năm 2025 cho học sinh khối 12. Ảnh:C.Nghĩa |
Phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo (GDĐT) Võ Ngọc Thạch chia sẻ: “Với nhiều thay đổi trong thi tốt nghiệp, các trường cần phải đặt học sinh ở tâm thế chủ động bằng cách học nắm chắc kiến thức, quy chế mới về thi, xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học để không bị động”.
Đơn giản nhưng chưa hết áp lực
Điểm mới dễ nhận thấy ở Kỳ thi THPT năm 2025 là số buổi thi giảm từ 4 xuống còn 3 so với trước đây. Số môn thi bắt buộc cũng được giảm từ 3 môn xuống còn 2 môn, còn số môn thi tự chọn cũng giảm từ 3 xuống 2 trong số các môn còn lại được học ở lớp 12. Số môn thi bắt buộc và tự chọn đều giảm, giúp thí sinh giảm áp lực và có thời gian “đào sâu” kiến thức phục vụ cho kỳ thi và xét tuyển đại học.
Một thay đổi trong quy chế xét tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là sẽ cân bằng tỷ lệ sử dụng kết quả học bạ 3 năm học phổ thông và tỷ lệ kết quả thi tốt nghiệp THPT lên ngang nhau (tỷ lệ 50:50). Những năm trước đây, tỷ lệ sử dụng kết quả học bạ phổ thông trong xét tốt nghiệp là 30%, còn tỷ lệ kết quả thi tốt nghiệp chiếm tới 70%. Việc tăng tỷ lệ sử dụng kết quả học tập 3 năm phổ thông trong xét tốt nghiệp nhằm mục đích đánh giá toàn diện năng lực của học sinh.
Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo TRƯƠNG THỊ KIM HUỆ:
Chủ động cung cấp thông tin đến học sinh lớp 12
Những quy định mới áp dụng của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 rất quan trọng với học sinh nên các nhà trường, giáo viên chủ nhiệm phải thường xuyên nắm bắt và cập nhật kịp thời cho học sinh. Cần phải thay đổi phương pháp dạy và học, đánh giá học sinh theo hướng thực chất để các em chủ động cho kỳ thi quan trọng sắp tới.
Thay đổi trong xét tốt nghiệp khiến nhiều học sinh vui mừng. Em Lê Thanh Thảo, học sinh lớp 12 Trường THPT Nam Hà (thành phố Biên Hòa), cho rằng: “Học bạ với điểm số cao sẽ gia tăng cơ hội đậu tốt nghiệp, thay vì phải phụ thuộc quá nhiều vào kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT. Điều đó đồng nghĩa với áp lực thi tốt nghiệp có thể giảm đi phần nào”.
Điểm thay đổi đáng lưu ý nữa là từ Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ đáp ứng theo quy định sẽ được miễn thi môn này (nếu thí sinh có nhu cầu). Tuy nhiên, thí sinh sẽ không còn được quy thành 10 điểm khi xét tốt nghiệp như trước đây. Bên cạnh đó, thí sinh cũng cần quan tâm đến những môn thi mới lần đầu xuất hiện trong kỳ thi tốt nghiệp THPT như: Tin học, Công nghệ, Giáo dục kinh tế và pháp luật. Những môn thi mới này dự báo sẽ kéo theo những tổ hợp xét tuyển đại học mới ra đời, bởi đây là những môn học có tính hướng nghiệp cho học sinh khá cao.
Trước một kỳ thi tốt nghiệp THPT có nhiều điểm mới, giáo viên và học sinh luôn dành sự quan tâm xem quy chế thi và xét tốt nghiệp sẽ thay đổi ra sao, cấu trúc đề thi sẽ thay đổi như thế nào. Những quan tâm và lo lắng này đã được Bộ GDĐT “giải tỏa” khi các quy chế đã cơ bản hoàn thiện, còn đề thi minh họa của tất cả các môn thi bắt buộc và tự chọn cũng đã được công bố.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng của Bộ GDĐT Huỳnh Văn Chương: “Bộ sẽ bổ sung một số dạng thức câu hỏi thi mới đối với các môn thi trắc nghiệm, đồng thời tăng cường tính phân hóa của đề thi ở tất cả các môn để đạt được các mục tiêu của kỳ thi”.
Thay đổi lớn trong xét tuyển đại học
Cùng với thay đổi trong phương thức thi, xét tốt nghiệp THPT, hiện nhiều trường đại học, đặc biệt là những trường đại học tốp đầu tại Thành phố Hồ Chí Minh, sẽ có những thay đổi lớn trong phương thức xét tuyển đại học. Những thay đổi này đang hy vọng mang lại công bằng hơn giữa các thí sinh, nhưng cũng sẽ là thách thức với những thí sinh có học lực trung bình, hoặc học bạ có điểm số đẹp nhưng có thể không thực chất. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, học sinh khối 12 phải thay đổi phương pháp học và không nên quá tự tin vào phương pháp xét tuyển bằng học bạ như trước đây.
Từ mùa tuyển sinh năm 2025 trở đi, nhiều trường đại học sẽ tăng các phương thức xét tuyển riêng, đồng thời sẽ giảm mạnh, hoặc bỏ hẳn việc xét tuyển bằng học bạ. Đơn cử, từ năm tới, các trường trong hệ thống Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh sẽ “nói không” với xét tuyển bằng học bạ, thay vào đó chỉ còn 3 phương thức xét tuyển gồm: tuyển thẳng, tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực và kết quả thi THPT.
Hay như Trường đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, từ năm tới cũng chỉ còn 3 phương thức xét tuyển gồm: điểm thi tốt nghiệp THPT; điểm thi đánh giá năng lực chuyên biệt và xét tuyển thẳng.
Tại Hội nghị Tổng kết kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2023-2024 và chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, có ý kiến cho rằng, việc xét tuyển đại học bằng học bạ không đảm bảo được chất lượng tuyển sinh đầu vào. Bên cạnh đó, một số trường đại học ưu tiên xét tuyển sớm bằng phương thức xét điểm học bạ đã dẫn tới thiệt thòi cho thí sinh xét tuyển sau bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Một dẫn chứng khá thuyết phục được một số trường đại học thống kê, đó là năm 2023, thí sinh trúng tuyển đại học bằng phương thức xét học bạ THTP có kết quả thi tốt nghiệp THPT thấp hơn nhiều so với các thí sinh trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Việc chấm dứt xét tuyển bằng học bạ THPT sẽ chấm dứt được tình trạng “làm đẹp học bạ” để xét tuyển đại học.
Công Nghĩa
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin