Báo Đồng Nai điện tử
En

Khởi nghiệp từ nhu cầu thực tiễn

Hạnh Dung
07:25, 28/08/2024

Để giải quyết các vấn đề đặt ra trong cuộc sống cũng như tạo thêm nguồn thu nhập chính đáng, nhiều cá nhân đã quyết định khởi nghiệp bằng những dự án có tính mới, sáng tạo.

Học sinh tham quan du lịch sinh thái và trải nghiệm hoạt động nuôi ong lấy mật tại xã Hàng Gòn, thành phố Long Khánh.
Học sinh tham quan du lịch sinh thái và trải nghiệm hoạt động nuôi ong lấy mật tại xã Hàng Gòn, thành phố Long Khánh. Ảnh:M.Đ

Các dự án đều có khả năng áp dụng vào thực tế, đem lại nhiều lợi ích cho không chỉ bản thân tác giả dự án, mà còn với cả cộng đồng.

Thiết kế dụng cụ bắt muỗi

Ông Nguyễn Văn Khỏe (ngụ phường Tân Biên, thành phố Biên Hòa) cho biết, cách đây 5-6 năm, tại Đồng Nai nói riêng và khu vực phía Nam nói chung, bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) khiến nhiều người mắc và tử vong. Nguyên nhân gây bệnh SXH là do muỗi vằn mang virus đốt và truyền từ người bệnh sang người lành.

Để phòng bệnh SXH, ngành y tế đã tăng cường tuyên truyền để người dân thực hiện các biện pháp diệt muỗi như: diệt muỗi bằng vợt điện, bằng nhang, đổ các vật dụng chứa nước không cần thiết để muỗi không thể sinh sôi, đẻ trứng, phát triển… Từ đó, ông Khỏe nung nấu ý tưởng thiết kế một loại thiết bị bắt muỗi đơn giản, tiện dụng mà ai cũng có thể sử dụng được. Từ đó, góp phần tiêu diệt muỗi, phòng bệnh SXH hiệu quả hơn.

Bà Nguyễn Thị Đào chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn nhận được sự hỗ trợ của các nhà đầu tư để dự án phát triển hơn nữa, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người nông dân. Từ đó, sẽ có thêm một khoản lợi nhuận dành cho công tác cải thiện an sinh xã hội tại địa phương”.

Ông Khỏe bắt đầu tìm tòi, thử nghiệm và cuối cùng chế tạo thành công thiết bị bắt muỗi Mosla. Đến nay, giải pháp này đã đăng ký thành công và được cấp bằng sở hữu trí tuệ.

Theo ông Khỏe, không có lăng quăng sẽ không có muỗi và không có SXH. Vì thế, cần xử lý tận gốc vấn đề muỗi đẻ trứng, diệt lăng quăng. Thiết bị Mosla được thiết kế bằng nhựa, hình hộp, bên trong chứa nước - môi trường lý tưởng để muỗi đẻ trứng và lăng quăng phát triển. Thiết bị này có nhiệm vụ dụ muỗi bay vào bên trong để đẻ trứng. Phía trên chiếc hộp sẽ được thiết kế, tạo khe hở vừa phải để muỗi có thể chui vào bên trong hộp nhưng không thể bay ra ngoài. Đến khi đủ tuổi theo vòng đời, lăng quăng phát triển thành muỗi trưởng thành sẽ không thể bay ra ngoài và chết luôn trong hộp.

Với kỳ vọng thiết bị được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng, ông Khỏe đã không ngần ngại chi gần 500 triệu đồng để phục vụ quá trình nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm, chỉnh sửa kích thước hộp, đăng ký bản quyền.

Hiện tại, thiết bị bắt muỗi Mosla được ông Khỏe sản xuất và đặt ở các khu vực nhà vườn, nhà xưởng, những nơi có nhiều muỗi để thử nghiệm. Kết quả cho thấy, khu vực nào đặt thiết bị này sẽ hạn chế được khá nhiều muỗi. Mong muốn của tác giả là thời gian tới sẽ phối hợp với hệ thống y tế cơ sở để đặt thử nghiệm sản phẩm tại các khu vực có nhiều muỗi sinh sôi, phát triển. Khi có kết quả thử nghiệm chính xác sẽ tiến hành mở rộng sản xuất và thương mại hóa sản phẩm ở quy mô lớn hơn, để sản phẩm đến tay người tiêu dùng với giá thành rẻ.

Kết nối du lịch sinh thái với sản phẩm địa phương

Xã Hàng Gòn (thành phố Long Khánh) có nhiều điểm tham quan du lịch như: Di tích quốc gia đặc biệt Mộ cự thạch Hàng Gòn, hồ nước ngọt sinh thái Cầu Dầu, hồ Bàu Môn. Ngoài ra, còn có các vườn cây ăn trái, các trại nuôi ong lấy mật.

Với những lợi thế trên, chủ Cơ sở Mật ong Minh Đào, cố vấn kinh tế phát triển thị trường của Hợp tác xã Nông nghiệp nuôi ong - thương mại dịch vụ Hàng Gòn Nguyễn Thị Đào đã phối hợp cùng các thành viên khác trong hợp tác xã xây dựng tuyến du lịch sinh thái để du khách có thể vừa tham quan các di tích, các trang trại, vừa có thể cắm trại nghỉ dưỡng, trải nghiệm thu hoạch mật ong tại chỗ, trải nghiệm bắt cá, bắt ốc, thưởng thức trái cây tại vườn, các đặc sản tại địa phương...

Mô hình là sự kết hợp giữa chủ đầu tư, nhà vườn, đơn vị tổ chức tour du lịch và các đoàn khách đến từ nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Tại các nhà vườn, trang trại, khu vực hồ nước, chủ đầu tư, nhà vườn tiến hành cải tạo, lắp đặt wifi để khách vừa tham quan, vừa có thể check-in, chụp ảnh, live stream nhằm quảng bá ngày càng sâu rộng tới công chúng.

Các sản phẩm trái cây, mật ong... mà du khách thưởng thức đều là sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của địa phương, chất lượng cao. Ngoài ra, còn có nhiều món ngon đặc sản vùng miền như: cơm lam, thịt nướng, canh bồi của đồng bào dân tộc Chơro; các món ăn từ trái cây như: sầu riêng nướng, gỏi trái cây, thức uống pha chế với mật ong…

Bà Đào cho hay, dự án được triển khai từ năm 2023. Doanh thu của năm 2023 hơn 1,5 tỷ đồng, trừ các khoản chi phí, thuế, còn lại lợi nhuận hơn 320 triệu đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu hơn 1 tỷ đồng, trừ các khoản chi phí, còn lại lợi nhuận hơn 450 triệu đồng. Dự kiến sau 5 năm triển khai, mức lợi nhuận thu về của dự án khoảng 4 tỷ đồng.

Dự án khi được triển khai bài bản sẽ mang lại nhiều lợi ích. Về mặt kinh tế, sẽ tạo chuỗi giá trị kinh tế khép kín, bền vững, tạo việc làm cho người dân địa phương. Đồng thời, đảm bảo đầu ra cho trái cây, nông sản, lợi nhuận cho các thành viên.

Về mặt xã hội, sẽ góp phần cải thiện sức khỏe cộng đồng, nâng cao kiến thức bảo vệ môi trường cho người dân, quảng bá văn hóa, sản phẩm và du lịch địa phương, góp phần duy trì, bảo vệ và mở rộng nguồn tài nguyên khép kín.

Để dự án phát triển sâu, rộng hơn nữa, theo đại diện nhóm tác giả dự án, cần phải đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, đổi mới cải tiến sản xuất, hiện đại hóa và ứng dụng công nghệ vào toàn chuỗi. Đồng thời, đào tạo nhân lực chuyên sâu về du lịch để thu hút khách du lịch, làm hài lòng du khách khi tham quan toàn hệ thống.

Trong tương lai, dự án sẽ gia tăng quy mô và cải thiện sản lượng đàn ong, đa dạng hóa sản phẩm và mô hình liên kết, gia tăng sức chứa khách và mật độ tour trong năm, đặc biệt vào các dịp hè, lễ, Tết.               

Hạnh Dung

Từ khóa:

Khởi nghiệp

Tin xem nhiều