Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát huy hiệu quả công tác quản lý, tổ chức lễ hội

07:11, 05/11/2022

Mỗi năm, Đồng Nai có hơn 300 lễ hội truyền thống, ngành nghề, văn hóa… được tổ chức.

Mỗi năm, Đồng Nai có hơn 300 lễ hội truyền thống, ngành nghề, văn hóa… được tổ chức.

Công tác quản lý và tổ chức lễ hội thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đảm chặt chẽ mà vẫn hấp dẫn và phát huy được vai trò chủ thể, năng lực sáng tạo các giá trị văn hóa.

Múa lân trong lễ hội đình Tân Lân (P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa) diễn ra vào ngày 23 và 24-10 âm lịch hằng năm, thu hút người dân và du khách. Ảnh: M.Ny
Múa lân trong lễ hội đình Tân Lân (P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa) diễn ra vào ngày 23 và 24-10 âm lịch hằng năm, thu hút người dân và du khách. Ảnh: M.Ny

* Nhiều kết quả tích cực

Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Hồng Ân cho biết, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh thời gian qua cơ bản đã thực hiện nghiêm các quy định. Các lễ hội truyền thống, văn hóa, ngành nghề từ cấp tỉnh đến huyện, xã được tổ chức trên tinh thần tiết kiệm, không phô trương, lãng phí; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và thực hiện nếp sống văn minh tại các di tích, lễ hội. Chỉ tính riêng trong 3 năm (2019, 2020, 2022), Sở đã tổ chức 3 đợt tập huấn công tác quản lý nhà nước về lễ hội cho cán bộ, công chức văn hóa cơ sở, ban chủ nhiệm các ấp, khu phố.

“Các lễ hội trên địa bàn tỉnh được tổ chức đều thực hiện xin phép, thông báo theo phân cấp quản lý. Hằng năm, Sở phối hợp với các đơn vị và địa phương tiến hành công tác kiểm tra hoạt động lễ hội tại một số địa phương, di tích, danh thắng và một số khu du lịch trọng điểm như: núi Chứa Chan, chùa Đại Giác, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, Khu du lịch Bửu Long, Khu du lịch Bò Cạp Vàng… Các lễ hội đã góp phần giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong cộng đồng, tôn vinh truyền thống văn hóa Đồng Nai” - ông Ân chia sẻ.

Ngày 3-11, Cục Văn hóa cơ sở đã có buổi làm việc với Sở VH-TTDL về công tác quản lý nhà nước dịch vụ lễ hội và karaoke trên địa bàn Đồng Nai. Sở VH-TTDL đã kiến nghị Cục Văn hóa cơ sở tiếp tục ban hành các văn bản hướng dẫn chỉ đạo và tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý lễ hội ở các địa phương.

Phát huy vai trò chủ thể của người dân nên nhiều lễ hội ở Đồng Nai tiếp tục được xã hội hóa rộng rãi, huy động nguồn lực lớn từ nhân dân. Trong đó phải kể đến các lễ hội được tổ chức quy mô như: chùa Ông; vía ông Đá mộ Cự thạch Hàng Gòn; Kỳ Yên đình Tân Lân; làm chay chùa bà Thiên Hậu… Chỉ riêng một số cộng đồng các dân tộc thiểu số như: Chơro, Mạ, Mường… đồng bào còn gặp nhiều khó khăn nên việc tổ chức các lễ hội truyền thống đang được địa phương hỗ trợ để bà con khôi phục và duy trì hằng năm.

Hầu hết các lễ hội trên địa bàn tỉnh không thực hiện bán vé, thu tiền tham dự lễ hội. Ban tổ chức các lễ hội hướng dẫn người dân và du khách đặt tiền lễ đúng nơi quy định, quản lý và sử dụng nguồn thu từ hoạt động lễ hội hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng mục đích.

Theo Trưởng ban Quý tế đình Tân Lân (P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa) Lâm Văn Lang, trước khi lễ hội diễn ra, Ban quý tế đã thực hiện nghiêm các thủ tục tổ chức, thông báo lễ hội theo đúng nội dung, đúng quy định. Hơn 2 năm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, lễ hội Kỳ Yên đình Tân Lân được tổ chức gọn gàng phần lễ, đảm bảo công tác phòng, chống dịch an toàn. Năm nay, lễ hội sẽ được tổ chức vào ngày 23, 24-10 âm lịch (nhằm ngày 16, 17-11), Ban quý tế sẽ tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, giới thiệu mục đích, giá trị và ý nghĩa của lễ hội trước, trong và sau lễ.

* Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Bên cạnh những thuận lợi, hoạt động tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh còn gặp một số hạn chế. Trong đó, một số lễ hội ở các cơ sở tín ngưỡng dân gian vẫn còn hiện tượng xin xăm, bán hàng rong, xin ăn, làm giảm đi tính tôn nghiêm và những nét đẹp văn hóa. Việc thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh của một số người dân tham gia lễ hội còn yếu, vẫn còn tình trạng xả rác bừa bãi, trang phục phản cảm, chen lấn tại một số lễ hội.

Lý giải nguyên nhân, Sở VH-TTDL cho rằng, do một số điểm tổ chức lễ hội cơ sở vật chất, hệ thống hạ tầng còn hạn chế, không đáp ứng đủ không gian cho người tham gia dẫn đến chen lấn, mất kiểm soát ở một vài thời điểm nhất định.

Tại buổi kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở Đồng Nai ngày 3-11, Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TTDL) Vi Thanh Hoài đánh giá cao những kết quả Đồng Nai đạt được thời gian qua. Việc chỉ đạo thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội từ tỉnh đến cơ sở rất đồng bộ, hiệu quả, không để phát sinh những hoạt động gây mất trật tự hay phản cảm. Việc cấp phép, thông báo thực hiện theo đúng quy định.

“Để tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, Đồng Nai cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo, cơ quan quản lý và xã hội về tính chất, đặc điểm, vai trò và vị trí của lễ hội một cách toàn diện. Tăng cường thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo; tổ chức kiểm kê và phân loại lễ hội trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý các hiện tượng tiêu cực để lễ hội phát triển lành mạnh, đúng hướng, đặc biệt là tăng cường hơn nữa công tác hậu kiểm” - bà Hoài nhấn mạnh.

My Ny

Tin xem nhiều