Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi trang đời là những bài thơ

08:09, 27/09/2022

TS. Quản Minh Cường - Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh nhận nhiệm vụ tại Đồng Nai đã hơn hai năm. Giữa bộn bề công việc, ông tự viết nên trang đời mình bằng những bài thơ đầy cảm xúc…

TS. Quản Minh Cường - Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh nhận nhiệm vụ tại Đồng Nai đã hơn hai năm. Giữa bộn bề công việc, ông tự viết nên trang đời mình bằng những bài thơ đầy cảm xúc…

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường tại buổi nói chuyện với văn nghệ sĩ Đồng Nai về công tác bảo vệ chính trị nội bộ và nền tảng tư tưởng của Đảng đối với hoạt động văn học nghệ thuật (VHNT) và báo chí
Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường tại buổi nói chuyện với văn nghệ sĩ Đồng Nai về công tác bảo vệ chính trị nội bộ và nền tảng tư tưởng của Đảng đối với hoạt động văn học nghệ thuật và báo chí

* Đồng Nai nghĩa tình

Đó là một tác phẩm “trường thiên” gồm 66 cặp lục bát được tác giả Quản Minh Cường viết trong dịp 19-5-2021, ghi lại biên niên sử của Đồng Nai từ ngày mở đất đến nay. Bài thơ đã được đưa lên YouTube theo làn điệu ví dặm Nghệ Tĩnh rất khí khái, hào hùng. Qua phần mở đầu của bài thơ, người đọc cảm nhận được tác giả đến với nơi này bằng tâm thế “Yêu từ nơi ấy”, không chỉ coi Đồng Nai là nơi sống và làm việc, mà còn là sự tự hào, niềm cảm mến đối với mảnh đất địa linh nhân kiệt:

Đồng Nai mảnh đất miền Đông

Yêu từ nơi ấy, ngóng trông dạt dào

Ba trăm năm trước tự hào

Bậc tiền nhân đã tạc vào núi sông

Tác giả đã khắc họa các giai đoạn lịch sử của Đồng Nai đầy đủ, sắc nét, và cũng giàu chất thơ: “Khúc sông, ngọn lửa, núi rừng - Đã thành tên những chiến công lẫy lừng”. Nói về Đồng Nai hôm nay, tác giả Quản Minh Cường khái quát bằng những câu thơ dân dã đầy tình cảm: “Các khu công nghiệp dựng xây - Muôn nơi trù phú, đủ đầy tình thân”. Giọng thơ ông thể hiện tinh thần hào sảng, đổi mới rất Nam bộ cho dù thời gian ông ở Đồng Nai chưa lâu:

Đồng Nai đẹp lắm ai ơi!

Đồng lòng, dốc sức, muôn đời phồn vinh

Dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần, ông viết bài thơ “Tư duy - phát triển” thể hiện sự tin tưởng trước một Đồng Nai đẹp giàu, đang chuyển mình trong tư duy vững vàng, đổi mới và phát triển. Song bài thơ đặc biệt ở chỗ ghép các từ đầu câu của bài thơ sẽ thành: “Biên Hòa, Vĩnh Cửu, Long Thành, Long Khánh, Nhơn Trạch, Xuân Lộc, Thống Nhất, Trảng Bom, Tân Phú, Định Quán, Cẩm Mỹ - Đồng Nai đoàn kết, tư duy, phát triển!” Không chỉ yêu mến, ông còn rất am tường và hiểu sâu về mảnh đất, con người Đồng Nai như một quê hương thân thương, ruột thịt.

Vốn được đào tạo và làm việc nhiều năm trong ngành cảnh sát hình sự, tác giả Quản Minh Cường cho rằng mình không phải nhà thơ. Ông đến với thơ bằng niềm say mê chân thành, song cũng rất khiêm tốn, cầu thị. Chia sẻ với bạn đọc, bạn thơ Đồng Nai, ông cho biết: “Để viết được những bài thơ này, tôi đã đọc rất nhiều sách sử của Đồng Nai. Vừa đặt chân đến đây, bên cạnh việc tiếp cận đời sống và người dân Đồng Nai, tôi tìm đến thư viện để đọc mọi thứ, trong đó có cả sách văn học”. Không được sống trọn vẹn với thơ ca như một nhà thơ, ông tranh thủ viết bằng điện thoại trong đôi phút rảnh rỗi. Rất nhiều bài thơ ra đời trong những chuyến công tác, bằng cảm xúc mà công việc, trách nhiệm chính là chất xúc tác. Đơn cử như bài thơ “Không thể và có thể” ông viết về người lính cụ Hồ hy sinh ở chiến trường Xuân Lộc:

Có thể ta vẫn biết

Bậu cửa Mẹ chờ mong

Nửa thế kỷ cắt lòng

Gọi thầm anh trong dạ

 

Anh chưa về Mẹ ạ

Nhưng Mẹ ơi đừng buồn

Hồn cốt máu anh con

Đã hóa thành Đất nước…

Ở một góc riêng trong lòng, ông nhờ thơ nói giúp những yêu thương, trăn trở về món “nợ” nhân sinh, về gia đình... Bài thơ “Nợ” tuy ngắn, nhưng thấm sâu triết lý làm người: “Trả sao hết nợ trần gian? Chân tình, nhân nghĩa gắng cam vơi đầy - Sinh ra vốn nợ đã dày, Không vay cũng trả tình này mênh mang!” Ông phát hiện ra những “lời nói dối của mẹ” đều là những yêu thương vô bờ bến. Qua bao năm nén lòng trong thương nhớ, tác giả vỡ òa câu thơ khóc mẹ:

Chiều nay qua gió vấn vương

Con xin tạ tội đoạn trường MẸ ơi!

Báo Người đại biểu Nhân dân viết về bài thơ “Vợ hiền” như sau: “Hình ảnh người vợ trong bài thơ "Vợ hiền" mà chúng tôi tình cờ đọc được của nhà chính khách, nhà thơ Quản Minh Cường được khắc họa rất chân thực, mộc mạc, giản dị mà biết bao sâu lắng. Họ - những người vợ ấy - là hình ảnh đại diện cho những người phụ nữ, những người vợ Việt Nam hiện đại, bao dung, thầm lặng hy sinh vì chồng, vì con”:

Nhiều khi giông bão quanh mình

Vợ lo gánh chịu, để chồng vươn cao

Lúc sung sướng, lúc đau buồn

Vui thì tất cả, buồn mình vợ mang...

Viết cho con, ông dành những dòng thơ trải lòng đầy xúc cảm:

Nhìn con cha thấy chân trời

Niềm vui sẽ đến đong đầy sớm hôm…

Mai sau con lớn cha cười

Ngày xưa, cha dặn nỗi đời mênh mang!

                                                                                    (Hỏi?)

Bài thơ “Cuộc đời của cha” (đã được phổ nhạc), cùng nhiều bài thơ khác ghi dấu tuổi thơ, giếng làng, những ước mơ nho nhỏ đầy tình người… cho thấy tác giả luôn đau đáu những nỗi niềm riêng, song luôn cố gắng sắp xếp mọi thứ để làm nhiệm vụ được Đảng và Nhân dân giao phó. Tình riêng nén lại, tác giả Quản Minh Cường, với tình cảm của một nhà thơ, chọn viết để tự cảm nhận về cuộc đời mình hoặc chia sẻ cho bạn bè, đồng nghiệp, người thân.

* Mối duyên với văn nghệ sĩ

Đến dự những hoạt động của Hội VHNT Đồng Nai, TS. Quản Minh Cường hòa nhịp ngay với không khí thơ ca bằng việc đọc thơ, trao đổi kinh nghiệm học tập, sáng tác... Ông viết khá nhiều bài thơ dành tặng cho văn nghệ sĩ Đồng Nai để khích lệ, động viên những người làm nghệ thuật của tỉnh nhà. Bằng trách nhiệm của một người cán bộ, và cũng bằng tâm hồn một người nghệ sĩ, ông cho rằng mỗi văn nghệ sĩ đều có trong trái tim và khối óc thứ tài sản vô giá, đó là vốn quý văn hóa, là tài năng… Và những điều đó cần được làm thành tác phẩm, cần được tỏa sáng và mang đến niềm vui cho con người, góp phần hữu ích vào sự phát triển lớn mạnh của quê hương, đất nước. Ông đến với văn nghệ sĩ Đồng Nai một cách tự nhiên, đồng điệu, cách nói của ông trọn vẹn, tinh tế: “văn nhân tình nghĩa nối liền Đồng Nai!”

Nhà thơ Tố Hữu từng nói: “Thơ chỉ bật ra trong tim khi cuộc sống đã thật tràn đầy”; nhà thơ Chế Lan Viên cũng khẳng định thi ca có khả năng gắn kết đặc biệt: “Trái đất rộng thêm một phần vì bởi các trang thơ và diện tích tâm hồn các nhà thi sĩ”. Tác giả Quản Minh Cường đã không ngại học tập từ các nhà thơ, mọi sự sẻ chia ông đều trân trọng, chắt lọc cho mình, để viết và mở rộng những vòng sóng của thơ ca, của tâm hồn. Cũng từ những người bạn thơ, ông tiếp cận với các thể thơ mới, có những phương thức biểu đạt mới độc đáo, thú vị. Ông từng “thử nghiệm’ những bài thơ có hàng chục cách đọc khác nhau nhờ thêm - bớt từ ngữ, đọc xuôi - đọc ngược…Làm quen với thể loại thơ haikư, thể thơ truyền thống độc đáo của Nhật Bản, ông có ngay những chùm thơ haikư mới lạ, trong đó có những tác phẩm viết về thiên nhiên Hà Nội thể hiện cái nhìn rất riêng:

Mưa rào trái mùa tới

sóng hồ Tây nhảy lên như biển

anh kia bắt cá hai tay

hoặc:

Sông Tô Lịch sau mưa

cần câu cá chen lấn với người

họa sĩ tô lên tranh!

Quan sát, lắng nghe, cảm nhận bằng tất cả trái tim, và gửi vào trang thơ những lời tâm sự... Vì vậy, ông còn gửi món quà tinh thần của mình cho Học viện Quốc phòng, cho những thiên thần áo trắng (y, bác sĩ), những nhà báo... Đó là những vần thơ cảm tác, đôi chỗ còn đơn sơ, thô ráp nhưng tràn đầy niềm tin tưởng, tôn trọng.

Tuy được tiếp thu nền học vấn hiện đại, ưu tú, và không ngừng tự học, tự bồi đắp cho mình những kiến thức mới để phục vụ cho công việc; ông vẫn luôn giữ cho mình khuôn mẫu một người trai đất Việt, dành tất cả bản thân mình cho đất nước, cho bổn phận, gia đình… Có đôi lúc tự trào, ông dành riêng những vần thơ viết cho mình: “Làm trai xứng đáng trí hôm nay!” Trước thời khắc mùa xuân mới, ông đã gửi vào thơ nỗi niềm ưu tư, cảm khái:

Cần phải luôn tắm mát

Trí tuệ và tâm hồn

Ngoài đời có dập dồn

Ta phải luôn tĩnh lặng...

                                                            (Vô đề)

Nỗi niềm ấy, theo ông thì không thể đưa lên trang báo, nên có thể chờ ông tự tỏ bày trong sự đồng cảm riêng với bạn bè, người thân… Như một câu ca thân thuộc, lâu đời, ông đã “bén rễ, xanh cây” với đất và người Đồng Nai qua tình yêu thơ ca và qua chính những sáng tác của ông.

Trần Thu Hằng

Tin xem nhiều