Với mong muốn giúp khán giả hiểu hơn về lịch sử, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai đã dàn dựng và ra mắt vở diễn Thánh Chân công chúa - một trong những nữ tướng xuất sắc thời Hai Bà Trưng.
Với mong muốn giúp khán giả hiểu hơn về lịch sử, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai đã dàn dựng và ra mắt vở diễn Thánh Chân công chúa - một trong những nữ tướng xuất sắc thời Hai Bà Trưng.
Một cảnh trong vở cải lương Thánh Chân công chúa, tác giả NSND Lê Tiến Thọ, đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu. Ảnh: M.Ny |
Ra mắt trong thời điểm Lịch sử được đưa ra thảo luận là môn học bắt buộc hay tự chọn, vở cải lương Thánh Chân công chúa với đề tài về nhân vật lịch sử đã được kể theo cách mới, hiện đại, hấp dẫn khán giả…
* Tái hiện cuộc đời của Lê Chân
Vở cải lương tái hiện cuộc đời của Lê Chân - nữ tướng tài sắc vẹn toàn dưới thời Hai Bà Trưng. Thái thú Tô Định nghe danh, quyết lấy Lê Chân về làm thiếp nhưng đã bị khước từ. Thái thú Tô Định tức giận, đã hãm hại Lê Đạo (cha của Lê Chân).
Nợ nước, thù nhà, quyết chí phục thù, Lê Chân đã cùng thân quyến đến vùng An Dương, cửa sông Cấm để khai hoang, lập ấp mới, mở mang nghề trồng dâu, nuôi tằm, đánh bắt thủy hải sản, tạo lập nên một vùng đất trù phú, đặt tên là An Biên trang (TP.Hải Phòng ngày nay).
Tối 12-6, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai đã diễn báo cáo Hội đồng Nghệ thuật Sở VH-TTDL vở cải lương Thánh Chân công chúa (tác giả NSND Lê Tiến Thọ, đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu). Hội đồng Nghệ thuật đã đánh giá cao về nội dung và hình thức của vở diễn đề tài lịch sử. Thánh Chân công chúa có bố cục chặt chẽ, có tính giáo dục cao, phù hợp với nhiều đối tượng khán giả, nhất là học sinh, sinh viên. |
Cùng với phát triển sản xuất, Lê Chân còn luyện binh sẵn chờ thời cơ “rửa hận nước, trả thù nhà”. Mùa xuân năm Canh Tý (năm 40 sau Công nguyên), được tin Hai Bà Trưng dấy binh ở Mê Linh để đánh đuổi quân xâm lược, Lê Chân đã nhanh chóng cùng đội nghĩa binh của mình gia nhập đội quân khởi nghĩa đánh đuổi quân xâm lăng. Bà được Trưng Vương phong là Thánh Chân công chúa, giữ chức Chưởng quản binh quyền nội bộ, đứng ra tổ chức, luyện tập quân sĩ, tăng gia sản xuất…
Vở diễn Thánh Chân công chúa với 7 cảnh, có thời lượng gần 90 phút, bố cục chặt chẽ, hài hòa, đảm bảo “hơi thở” của nghệ thuật cải lương xuyên suốt cả vở diễn. Ngoài kịch bản được thêm nhiều chi tiết thú vị, gần gũi với đời sống, vở diễn đã sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật sáng tạo và hiện đại. Vở diễn quy tụ dàn diễn viên trẻ, tài năng của nhà hát như: Phương Thảo (vai Lê Chân); Thành Vinh (vai Lê Đạo); Sang Sang (vai nàng Út); Trường Khải (vai quan phủ); Băng Châu (vai Thục Nương); Hồng Gấm (vai Trưng Trắc)…
NSƯT Quế Anh, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai cho biết, những năm gần đây, nhà hát chú trọng xây dựng và biểu diễn các vở cải lương đề tài xã hội. Song song đó, nhà hát thường xuyên tìm kiếm những kịch bản mới, sáng tạo đề tài lịch sử để hấp dẫn khán giả trên sân khấu cải lương. Trong đó, vở diễn Thánh Chân công chúa được NSND Lê Tiến Thọ chấp bút, NSND Trần Ngọc Giàu làm đạo diễn.
“Nữ tướng Lê Chân được tái hiện với những công lao và đóng góp lớn trong bảo vệ chủ quyền, cùng nhân dân đánh tan quân xâm lược, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Đây là câu chuyện lịch sử nhưng mang tính thời sự bởi những giá trị nhân văn sâu sắc. Tuyến nhân vật rõ ràng, cách kể chuyện cô đọng với nhiều chi tiết thắt, mở nút đưa đẩy cảm xúc, phù hợp khi được chuyển tải trên sân khấu truyền thống, tạo được nhiều “đất diễn” cho diễn viên” - NSƯT Quế Anh chia sẻ.
* Giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ
NSND Trần Ngọc Giàu cho hay, khi nhận lời mời của Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai làm đạo diễn cho vở cải lương Thánh Chân công chúa, ông rất trăn trở, bởi đây là vở diễn đề tài về nhân vật lịch sử, làm sao để tìm cách khai phá, tìm ra góc nhìn mới, lý giải câu chuyện một cách chân thực, sống động và cuốn hút. Đặc biệt, việc xử lý tình tiết sao cho diễn viên có thể theo kịp tiết tấu màn hình led, diễn biến tâm lý theo kịp âm thanh, ánh sáng, âm nhạc… mà vẫn đảm bảo được yếu tố truyền thống của cải lương.
NSƯT QUẾ ANH, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai, cho biết: “Sau đêm diễn báo cáo Hội đồng Nghệ thuật, nhà hát sẽ tiếp tục tập luyện, hoàn thiện vở diễn để công diễn (trực tuyến và trực tiếp) phục vụ khán giả trong thời gian tới”. |
“Lợi thế của Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai là có đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên trẻ, yêu nghề. Từ khi hợp nhất các đơn vị nghệ thuật, nhà hát có lực lượng múa rất hùng hậu. Nhà hát đã có sự kết hợp giữa cải lương và múa (ở một số vở diễn). Trong vở Thánh Chân công chúa, hàm lượng múa được tính toán kỹ lưỡng. Vở diễn lựa chọn những lát cắt lịch sử cô đọng nhất, dàn dựng theo tiêu chí vừa đạt chất lượng nghệ thuật, vừa thỏa mãn thị hiếu cho khán giả, góp phần giáo dục lịch sử” - NSND Trần Ngọc Giàu nói.
Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Thị Ngọc Loan đánh giá cao sự nỗ lực của đạo diễn, tập thể nghệ sĩ, diễn viên của nhà hát trong việc dàn dựng, biểu diễn đã tạo nên tác phẩm sân khấu đẹp, chất lượng, phục vụ các tầng lớp nhân dân trong năm 2022. Vở diễn mang chủ đề tư tưởng tốt, có tính giáo dục rất cao. Không chỉ khắc họa hình tượng nữ tướng Lê Chân, vở diễn còn giúp người xem hiểu hơn về lịch sử của dân tộc.
“Thánh Chân công chúa được dàn dựng và biểu diễn trong thời điểm bộ môn lịch sử được đưa ra bàn luận là môn học bắt buộc hay tự chọn. Điều này cho thấy nghệ thuật cải lương của Đồng Nai đã bắt kịp tính thời sự, điều mà công chúng đang quan tâm. Việc chuyển tải đề tài về lịch sử trên sân khấu cải lương là một hình thức giáo dục truyền thống, giáo dục lịch sử, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay” - bà Lê Thị Ngọc Loan nhấn mạnh.
My Ny