Tối 3-1, tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (TP.HCM), Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 khu vực phía Nam đã được khai mạc. Liên hoan diễn ra đến hết ngày 17-1.
Tối 3-1, tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (TP.HCM), Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 khu vực phía Nam đã được khai mạc. Liên hoan diễn ra đến hết ngày 17-1.
Nghệ sĩ Quốc Thảo trong vở Nắng chiều sẽ tham gia Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 khu vực phía Nam. Ảnh: Trí Trọng |
* Mùa liên hoan đặc biệt
Trước đó, Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 đã diễn ra tại TP.Hải Phòng từ ngày 5 đến 17-11-2021 với 20 vở diễn từ 14 đơn vị kịch nói phía Bắc. Kết quả, Ban giám khảo đã trao 6 HCV cho các tác phẩm: Con đò của mẹ (Nhà hát Công an nhân dân), Điều còn lại, Thiên mệnh (Nhà hát Kịch Việt Nam), Làng song sinh (Nhà hát Kịch Hà Nội), Hố đen (Nhà hát Kịch nói Quân đội), Làm vua (Sân khấu Lệ Ngọc) và 3 HCB, 7 HCĐ cho các vở diễn khác.
Thời điểm đó, Ban tổ chức đã có kế hoạch cho các đơn vị phía Nam tham gia theo hình thức thi trực tuyến, nhưng TP.HCM chỉ mới nới lỏng giãn cách xã hội, khá cập rập nên các đơn vị không tự tin tham gia. Thêm nữa, hình thức thi trực tuyến không thể nào truyền tải hết cảm xúc của vở diễn.
Sau khi tổ chức họp lấy ý kiến nhiều đơn vị kịch nói TP.HCM, Sở Văn hóa và thể thao TP.HCM đã có kiến nghị và Cục Nghệ thuật biểu diễn đã chấp thuận tổ chức thêm đợt thi thứ 2 từ ngày 3 đến 17-1 dành riêng cho các đơn vị kịch nói phía Nam. Và đến trước giờ khai mạc, thật bất ngờ khi số lượng đơn vị và vở diễn tăng cao hơn so với những lần trước, 20 đơn vị với 26 tác phẩm. Trong đó, các sân khấu như: Hoàng Thái Thanh, Nhà hát 5B, Nhà hát Thế giới trẻ (thuộc Trường đại học Sân khấu - điện ảnh TP.HCM)… không dựng vở mới mà đem những vở đã diễn ở sân khấu để dự liên hoan. Nghệ sĩ Ái Như cho biết: “Từ lúc thành lập Sân khấu Hoàng Thái Thanh đến nay đã 11 năm, đây là lần đầu tiên chúng tôi dự liên hoan. Lần này, liên hoan được tổ chức ở TP.HCM khá tiện cho việc tham gia vì chúng tôi là đơn vị tư nhân, nếu đi xa rất khó khăn về kinh phí; thêm nữa, nhiều đồng nghiệp động viên nên chúng tôi quyết định tham gia”.
Với đợt thi thứ 2 này, có lẽ đây là kỳ liên hoan đặc biệt nhất từ trước tới nay, nhưng cũng có một nỗi buồn là anh em kịch nghệ Nam - Bắc không có cơ hội gặp gỡ, xem kịch lẫn nhau để trao đổi, học tập rút kinh nghiệm.
* Đa dạng đề tài
Liên hoan năm nay không chỉ đặc biệt vì tổ chức 2 đợt cho 2 miền mà còn đặc biệt vì có lẽ sẽ là nơi để một số sáng tạo nghệ thuật được ấp ủ, bị kìm nén trong mùa dịch bệnh kéo dài có dịp được… trỗi dậy!
Điểm qua 26 vở tham dự, có quá nửa trong số đó được đánh giá chất lượng khá. Số còn lại giữ kín nội dung đến ngày dự thi mới… bật mí!
Đề tài các vở diễn được đánh giá đa dạng. Trong đó, nhiều vở diễn lịch sử được đầu tư như: Thành Thăng Long thuở ấy (Nhà hát Thế giới trẻ), Khóc giữa trời xanh (Công ty Sử Việt), Cuộc hành trình tìm bức chân dung (Nhà hát Kịch TP.HCM), Câu hò đất mẹ (Công ty Phiêu Linh)… Thành Thăng Long thuở ấy là câu chuyện nhiều xúc cảm xoay quanh cuộc đối đầu giữa Trần Thủ Độ và Lý Chiêu Hoàng. Khóc giữa trời xanh cảm tác từ nỗi oan khuất của thái sư Lê Văn Thịnh. Hành trình tìm bức chân dung là hành trình tìm chân dung Bác của nhóm bạn nhỏ thời kháng chiến chống Mỹ. Còn Câu hò đất mẹ nói về nữ chiến sĩ cộng sản Nguyễn Thị Minh Khai.
Một số vở mang màu sắc dân gian như: Tấm và Hoàng hậu (Sân khấu Hồng Hạc), Chuyện làng (Hội Sân khấu TP.HCM)… Và khá nhiều vở mang màu sắc Nam bộ, là những câu chuyện dung dị về con người, cuộc đời như: Bạch Hải Đường và Sài Gòn có một ngã tư (Sân khấu Hoàng Thái Thanh), Mưa bóng mây (Hero Film), Tình lá diêu bông (Nhà hát 5B), Bao giờ mẹ lấy chồng, Ngược gió (Sân khấu Thế giới trẻ), Nắng chiều (Sân khấu kịch Quốc Thảo)…
Nhiều nghệ sĩ bày tỏ do không được diễn quá lâu nên liên hoan là dịp để họ được sống lại không khí làm nghệ thuật, được ròng rã trên sàn tập và được trình diễn cùng bạn nghề.
Với các ông bầu, bà bầu sân khấu, liên hoan là dịp để họ thăm dò xem khán giả đã muốn đến sân khấu xem kịch chưa. Bởi từ khi nới lỏng giãn cách xã hội đến nay, chưa sân khấu lớn nào ở TP.HCM dám hoạt động lại.
Ông Trần Đại, Giám đốc Sân khấu Thế giới trẻ tâm sự: “Sau đại dịch, kinh tế khó khăn nên ưu tiên hàng đầu của người dân vẫn là kiếm tiền để có thể tồn tại được. Khi nào bà con thực sự thoải mái mới nghĩ đến việc mua vé xem nghệ thuật”.
Rất nhiều sân khấu tham gia liên hoan đã tổ chức bán vé với số lượng hạn chế. Tín hiệu lạc quan là Sân khấu Hoàng Thái Thanh mở bán trong 10 phút đã hết sạch số lượng 100 vé vở Bạch Hải Đường. Đối với các sân khấu xã hội hóa TP.HCM thì yếu tố quan tâm hàng đầu của họ vẫn là khán giả. Bởi vậy, tham gia liên hoan ngoài việc góp mặt với bạn nghề, nhiều nghệ sĩ xem đây là cú hích, tạo đà “chạy” cho mùa kịch Tết 2022 hy vọng có thể diễn ra trong thời gian tới nếu dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát.
Trí Trọng