Theo thống kê của Ban Quản lý di tích, danh thắng Đồng Nai, toàn tỉnh hiện có 400 căn nhà cổ. Riêng xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) có 23 căn, tập trung chủ yếu tại ấp Phú Mỹ 2. Những ngôi nhà cổ này đều có giá trị lịch sử, gắn liền với sự hình thành và phát triển của cộng đồng người Việt tại xã Phú Hội cách đây hơn 200 năm.
Theo thống kê của Ban Quản lý di tích, danh thắng Đồng Nai, toàn tỉnh hiện có 400 căn nhà cổ. Riêng xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) có 23 căn, tập trung chủ yếu tại ấp Phú Mỹ 2. Những ngôi nhà cổ này đều có giá trị lịch sử, gắn liền với sự hình thành và phát triển của cộng đồng người Việt tại xã Phú Hội cách đây hơn 200 năm.
Tuy nhiên, theo thời gian, những căn nhà cổ này đang có nguy cơ dần biến mất nếu các cơ quan chức năng không sớm có những biện pháp bảo tồn.
* Xuống cấp và hư hỏng
Đến thăm ngôi nhà cổ của hộ ông Trần Văn Đủ (ấp Phú Mỹ 2, xã Phú Hội), nhiều người không khỏi xót xa khi chứng kiến ngôi nhà gần trăm năm tuổi đang ngày càng dột nát và hư hỏng. Bà Nguyễn Thị Phương (61 tuổi, vợ ông Trần Văn Đủ) cho biết, ngôi nhà được xây từ thời cha mẹ chồng còn sống. Lúc đó, từ cái khánh, bao lơn, sập gụ, đôi liễn đều có đủ cả. Vậy mà giờ đây, ngôi nhà không còn giữ được những nét cổ kính như xưa. Thay vào đó là những cột trụ, đòn tay, vách ngăn bị mối ăn nham nhở, những vật dụng trưng bày thì gần như không còn. “Nhìn ngôi nhà của cha mẹ để lại bị hư hỏng, gia đình cũng xót xa lắm, nhưng muốn sửa chữa lại không có tiền” - bà Phương nói.
Căn nhà cổ của gia đình bà Hồ Thị Lùn giờ chỉ dùng để làm “kho” cất giữ những vật dụng cũ kỹ, hư hỏng. |
Có hoàn cảnh tương tự như vậy là ngôi nhà cổ của gia đình bà Hồ Thị Lùn (87 tuổi, ấp Phú Mỹ 2). Lớp ngói trên mái ngôi nhà cổ không còn được nguyên vẹn như xưa, mà thay vào đó là những mảnh tôn màu bạc. Vách gỗ bao quanh nhà phần nhiều đã bị mọt ăn gần hết. Ngồi trong nhà vào những lúc mưa to, nắng chói cứ tưởng như đang ở ngoài trời. Hiện tại, gia đình bà Lùn đã không dám ở trong ngồi nhà này mà chuyển sang một căn nhà cấp 4 có chung phần vách với căn nhà cũ. Ngôi nhà cổ chỉ còn được dùng để làm “kho” của gia đình.
Còn với gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Kim, do nhu cầu bức thiết về nhà ở cho các con, bà đành phải phá bỏ một phần ngôi nhà gỗ của tổ tiên để lại để lấy đất xây nhà. “Đây là một thực trạng đáng buồn đã và đang xảy ra đối với các căn nhà cổ tại ấp Phú Mỹ 2 hiện nay” - ông Vũ Anh, Phó chủ tịch UBND xã Phú Hội tiếc nuối.
* Hướng đi nào cho nhà cổ ở Phú Hội?
Ông Lê Trí Dũng, Giám đốc Ban quản lý di tích, danh thắng tỉnh cho biết: “Với chủ trương tiến tới công nhận Phú Hội trở thành làng cổ đầu tiên của khu vực phía Nam, thời gian qua đã có nhiều đoàn chuyên gia trong và ngoài nước thực hiện nhiều đợt khảo sát, đánh giá hiện trạng để có cơ sở hỗ trợ người dân trong việc khôi phục các giá trị lịch sử truyền thống. Tuy nhiên, công tác này còn quá chậm so với tốc độ xuống cấp, hư hại của các ngôi nhà cổ hiện nay. Nhiều gia chủ mặc dù rất tâm huyết với việc giữ gìn những di sản do tổ tiên để lại song do gặp phải nhiều khó khăn nên có muốn giữ lại nhà cũng khó”.
Ngôi nhà cổ của hộ ông Đào Mỹ Ngọc còn tương đối nguyên vẹn. |
Ông Nguyễn Văn Vân cũng có nhà cổ tại ấp Phú Mỹ 2 thì chia sẻ, mỗi thành viên trong gia đình đều rất có ý thức gìn giữ di sản của tổ tiên để lại. Tuy nhiên, do việc tìm kiếm và mua sắm ngói, gỗ rồi phải tìm thợ lành nghề để sửa chữa quá mất thời gian, tốn nhiều chi phí nên dù biết là không phù hợp, gia đình vẫn đành phải mua vài tấm tôn về che chắn tạm những nơi mưa dột, gió lùa và xây hàng cột trụ bằng xi măng thay thế cho các trụ gỗ bị hỏng. “Điều này làm cho ngôi nhà trở nên xấu xí, nhưng đó là cách duy nhất mà gia đình có thể làm trong lúc này” - ông Vân cho biết thêm.
Theo ông Lê Trí Dũng, Giám đốc Ban quản lý di tích, danh thắng tỉnh, năm 2003, được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, thay mặt Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản, Cục Tài sản văn hóa Nhật Bản và Cục Di sản văn hóa đã ký kết bản thảo luận về hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực bảo quản, tu bổ và quản lý các công trình xây dựng và làng cổ truyền. Căn cứ vào nội dung văn bản đã ký kết tháng 9-2010, các chuyên gia phía Nhật phối hợp cùng các cơ quan, ban, ngành Việt Nam tổ chức nhiều cuộc điều tra lấy tư liệu về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tại xã Phú Hội. Hiện các cơ quan liên quan đã hoàn thành hồ sơ, trong năm nay sẽ trình Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch xem xét và tiến hành công nhận ấp Phú Mỹ 2 là di tích văn hóa cấp quốc gia. Đây là cơ sở để Nhà nước và các tổ chức đứng ra hỗ trợ kinh phí giúp tu bổ và giữ gìn những giá trị văn hóa này. |
Là ngôi nhà cổ lâu đời nhất trên 100 năm ở ấp Phú Mỹ 2, hiện còn giữ được nguyên vẹn lối kiến trúc cùng các vật dụng từ khi mới xây dựng, nhà cổ của hộ ông Đào Mỹ Ngọc là địa điểm thường xuyên được các đoàn làm phim trong cả nước tìm đến thuê địa điểm để thực hiện các cảnh quay. “Ngôi nhà đã mang lại cho gia đình một nguồn thu không nhỏ từ tiền cho thuê địa điểm để quay phim. Đó thật sự là động lực để gia đình tiếp tục giữ gìn, gắn bó và sửa chữa những nơi xuống cấp trong căn nhà. Tuy nhiên, quá trình sửa chữa, tìm nguyên vật liệu sao cho đồng bộ với kết cấu của ngôi nhà luôn là điều làm chúng tôi đau đầu. Bởi có khi phải mất mấy năm mới có thể tìm được một cấu kiện phù hợp với giá thành không nhỏ để thay thế. Lúc vừa thay mới chỗ này, thì ở vị trí khác lại tiếp tục bị hư hỏng” - anh Đào Mỹ Trí Nhân, con trai của chủ nhân ngôi nhà cổ Đào Mỹ Ngọc cho biết.
Còn bà Hồ Thị Lùn cho hay, mấy năm nay đã có nhiều đoàn khảo sát đến tìm hiểu, đánh giá và động viên gia đình bà cùng các hộ có nhà cổ trong ấp cố gắng giữ nguyên hiện trạng của ngôi nhà để chờ họ hỗ trợ sửa chữa bảo tồn, nhưng đến nay, chờ mãi mà vẫn không thấy gì. Vì thế, nhiều hộ đã dỡ bỏ ngôi nhà cổ để xây dựng những ngôi nhà mái tôn, tường gạch hiện đại phục vụ nhu cầu ở của gia đình.
Sông Thao