Báo Đồng Nai điện tử
En

Rồng - Biểu tượng linh thiêng, cao quý, quyền lực

03:01, 23/01/2012

Trong mười hai con giáp thì rồng là con vật duy nhất do con người tưởng tượng ra. Tuy mang đầy tính siêu nhiên nhưng hình ảnh con Rồng lại rất phổ biến trong đời sống người dân Việt.

Trong mười hai con giáp thì rồng là con vật duy nhất do con người tưởng tượng ra. Tuy mang đầy tính siêu nhiên nhưng hình ảnh con Rồng lại rất phổ biến trong đời sống người dân Việt.

Múa rồng trong dịp khai mạc đại lễ 1000 năm Thăng Long. (Nguồn: Internet)
Múa rồng trong dịp khai mạc đại lễ 1000 năm Thăng Long. (Nguồn: Internet)

Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, vị thủy tổ của người Việt là Lạc Long Quân - vốn cốt Rồng và Âu Cơ - vốn cốt tiên, gặp nhau ở Động Đình Hồ, sau đó sinh ra một bọc trăm trứng, từ đó nở ra trăm người con. Rồng ở nước, Tiên ở núi nên khi chia ly, trăm người con được chia hai ngả: 50 người theo cha xuống biển, 50 người theo mẹ lên núi. Nói người Việt là con Rồng cháu Tiên chính vì lẽ đó.

Cuộc đời của rồng Việt cũng lâu dài và sức sống của nó cũng mãnh liệt như chính lịch sử tiến hoá của dân tộc. Con rồng hóa thân vào giấc mơ của vua Lý Công Uẩn với hình ảnh rồng vàng bay lên để từ đó, kinh đô nước ta có một cái tên mới đầy ý nghĩa: Thăng Long. Nơi phía Nam đất nước, có một đàn chín rồng uốn lượn trên vùng đồng bằng sông Cửu Long. Rồng cũng hóa thân thành một hình tượng của quyền lực tối cao trong thiên hạ: Nhà vua. Gặp mặt vua phải gọi là yết kiến “long nhan”. Áo của vua được gọi là “long bào”…

Hình ảnh con rồng đã được các triều đại quân chủ Việt Nam từ thời Lý đến thời Nguyễn dùng để trang trí trên các công trình kiến trúc cung đình. Khi thấy dân chúng bắt chước hình ảnh con rồng để tô vẽ, đắp nối, khắc chạm tại các công trình kiến trúc trong dân gian như nhà ở, đình chùa, miếu mạo, thì triều đình cấm không cho làm Rồng đầy đủ cả 5 móng và tô điểm đẹp đẽ như rồng của vua. Do luật khắt khe đó, dân làm rồng 4 móng trở xuống với hình thức đơn giản hơn, nhưng vẫn là rồng.

Con rồng phổ biến trong dân gian, tuy đơn giản, nhưng vô cùng linh hoạt và bay bướm. Nhiều vật thể đã được người nghệ sĩ tài hoa cách điệu hóa thành rồng để đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ và thỏa mãn ước vọng thăng hoa. Một đóa hoa, một nhành lớn, một cành mai, một thân trúc, một gốc tre đều có thể kiểu thức hóa thành rồng.

Nhưng con rồng không phải chỉ dùng để trang trí, nó còn có một ý nghĩa sâu xa trong sinh hoạt đời thường của người Việt: biểu tượng cầu mưa, ước mong phồn thực. Từ thuở xa xưa, nhân dân ta sống chuyên về nghề trồng lúa nước. Đã làm ruộng nước thì cần phải mưa thuận gió hòa. Đối với nông dân trong mấy ngàn năm qua, hiện tượng cơn lốc cuốn nước để lên trời làm mưa, tưới tắm ruộng đồng. Hơn 90% người Việt sống bằng nghề nông là “bản nghệ”. Cho nên, dù trang trí ở đâu (trong cung đình, ngoài dân gian) và bất cứ thời đại nào, hình ảnh con rồng vẫn luôn đi kèm với mây trời và sông nước. Rồng đã trở thành phúc thần của người làm ruộng và là bản mệnh của người làm vua.

Con rồng bước ra khỏi cung đình, đền chùa, ùa vào văn thơ dân gian rồi sống động, tưng bừng trong các lễ hội. Múa rồng có mặt từ rất lâu trong các lễ hội dân gian ở các vùng, miền phía Bắc. Ngày nay các lễ hội lớn trên mọi miền đất nước đều thấy múa rồng, trong đó có những lễ hội tầm cỡ quốc gia như giỗ tổ Hùng Vương, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, lễ hội Vua Lê ở Thanh Hóa… Nếu ngày xưa múa rồng chỉ để bày tỏ sự vui mừng chào đón các ngày đại lễ, để cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an thì ngày nay múa rồng còn bao hàm cả nội dung giáo dục tinh thần thượng võ, truyền thống uống nước nhớ nguồn, cầu mong phát đạt, thịnh vượng.

Con rồng chẳng những là biểu tượng của sự cao quý và quyền lực, mà còn là hình ảnh quen thuộc và gần gũi trong đời sống nhân dân. Trong văn hóa truyền thống của người Việt, có lẽ không có con vật nào mà chức năng đã được biến hoá một cách linh hoạt bằng con rồng../.

Người Á Đông coi rồng là biểu tượng của quyền lực. Vì thế, tính cách nổi trội của những người sinh tuổi Rồng là sự năng động và đầy tham vọng. Đối với họ, việc nào càng khó càng có hứng thú, say mê. Người ta nói rằng nếu có việc nào chưa hoàn thành, dự định ấp ủ nào chưa thực hiện được, ý tưởng nào còn đang phân vân thì hãy để cho rồng giải quyết. Họ sẽ làm như điên, thậm chí đào non lấp biển cũng chẳng từ, cốt để hoàn tất việc được giao.

Vietnam+




 

Tin xem nhiều