Vụ việc một trường quốc tế ở Thành phố Hồ Chí Minh trong dịp nghỉ lễ vừa qua tặng sách có nội dung nhạy cảm cho học sinh lớp 11 đang là chủ đề bàn tán trên các diễn đàn mạng.
Cuốn sách được nhà trường tặng học sinh có tựa đề tiếng Việt là Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian của tác giả Ocean Vuong, một nhà thơ, tác giả tiểu thuyết người Mỹ gốc Việt từng đoạt nhiều giải thưởng về văn chương ở Mỹ. Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian được phát hành từ năm 2019 và nhận được nhiều lời khen ngợi của những nhà phê bình văn học uy tín trên thế giới. Khi xuất hiện ở Việt Nam vào năm 2021, cuốn sách được bạn đọc đón nhận như một làn gió mới.
Dịch giả Nguyễn Bích Lan trong bài viết Sách nhạy cảm với học sinh: Cấm hay không cấm, đọc hay không đọc? đăng trên Báo TuổiTrẻ đã dành những lời có cánh cho tác phẩm này. Dịch giả viết: “Là người đã đọc và dịch nhiều tác phẩm văn chương của phương Tây sang tiếng Việt, tôi khẳng định đây là một tác phẩm văn học có chất lượng, có cách viết khá độc đáo, truyền tải cái nhìn sâu sắc về các chủ đề như hậu quả chiến tranh, đặc biệt là sang chấn tâm lý do chiến tranh, sự trăn trở về cội nguồn, thế giới tinh thần của người trẻ và chủ đề đồng tính”.
Nhiều ý kiến khác cũng có cùng quan điểm này. Tuy nhiên, không ít phụ huynh khi thấy con được tặng sách và đọc tác phẩm “tá hỏa” vì những gì miêu tả trong sách khá trần trụi, đặc tả chi tiết cảnh giường chiếu phản cảm chưa phù hợp với lứa tuổi học sinh trung học phổ thông và thuần phong mỹ tục người Việt. Điều này khiến phụ huynh lo ngại sẽ “vẽ đường cho hươu chạy”, nhất là khi mối quan hệ đồng tính vốn còn nhạy cảm tại Việt Nam. Phụ huynh yêu cầu phải có biện pháp chấn chỉnh đối với những tác phẩm tương tự trong môi trường học đường.
Từ bức xúc của phụ huynh buộc nhà trường phải thu hồi sách, kiểm điểm giáo viên phát sách cho học sinh. Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ Thông tin và truyền thông) mới đây cũng đã vào cuộc yêu cầu nhà xuất bản rà soát lại nội dung tác phẩm, đồng thời nhờ chuyên gia có ý kiến về cuốn sách.
Việc Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian có phải là một cuốn sách khiêu dâm hay không vẫn còn chờ các đơn vị có chức năng quyết định. Tuy nhiên, từ thực tế này cho thấy, công tác quản lý sách trong các cơ sở trường học hiện vẫn còn nhiều kẽ hở. Danh mục sách như thế nào là phù hợp với lứa tuổi học sinh vẫn chưa thực sự được phân loại rõ ràng. Sách đến “ngưỡng” nào thì học sinh đọc được và “ngưỡng” nào không? Việc cấm đoán học sinh đọc những tác phẩm có yếu tố sex trong thời đại bùng nổ thông tin, đa chiều cách tiếp cận như hiện nay liệu có còn phù hợp?
Cuộc tranh cãi về nội dung cuốn sách cũng như việc có cho học sinh lớp 11 tiếp cận hiện vẫn chưa ngã ngũ trên mạng xã hội những ngày qua. Do đó, rất cần một “trọng tài” phân xử để cuốn sách được trở về đúng vị trí của nó, phù hợp với từng đối tượng bạn đọc.
Minh Ngọc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin