Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai:
Để văn hóa, giáo dục đi trước, mở đường

Nguyễn Sơn Hùng
07:53, 12/03/2024

Đảng bộ tỉnh Đồng Nai đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12-12-2023 về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển toàn diện và bền vững. Đây là tiền đề rất quan trọng để xây dựng, bồi đắp văn hóa, con người Đồng Nai trong thời gian tới.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (thứ 2 bên phải qua) và Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng (thứ 2 bên trái qua) trao đổi với các chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo khoa học Thực hiện Đề cương văn hóa Việt Nam trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Đồng Nai đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Ảnh: Tư liệu
* Văn hóa soi đường cho quốc dân đi

Văn hóa là một lĩnh vực có rất nhiều định nghĩa khác nhau. Tuy nhiên, một trong những định nghĩa về văn hóa hiện được chấp nhận rộng rãi là định nghĩa của UNESCO năm 2001: “Văn hóa là tập hợp các đặc trưng tiêu biểu về tinh thần, vật chất, tri thức và xúc cảm của xã hội hoặc một nhóm người trong xã hội; văn hóa không chỉ bao gồm văn học và nghệ thuật, mà còn cả phong cách sống, phương thức chung sống, các hệ giá trị, truyền thống và niềm tin”.

Một sự trùng hợp thật thú vị là ngay từ năm 1943, khi bị giam cầm trong nhà tù chế độ Tưởng Giới Thạch, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã đưa ra định nghĩa về văn hóa khá trùng khớp với định nghĩa về văn hóa của UNESCO: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về ăn, mặc, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.3, tr.458).

Sau này, trong rất nhiều bài viết, bài nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều đánh giá cao vai trò của văn hóa. Đặc biệt, phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”, “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Thực hiện tư tưởng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn xem văn hóa là một mặt trận và xây dựng văn hóa gắn với xây dựng con người để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, trong đó định hướng thứ 4 là phát triển con người và xây dựng nền văn hóa: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”.

* Văn hóa trong chính trị, kinh tế

Trung thành và triển khai những quan điểm của Đảng về xây dựng văn hóa, con người, Nghị quyết số 12 của Đảng bộ tỉnh Đồng Nai xác định: “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa trong chính trị, văn hóa trong kinh tế, văn hóa môi trường, văn hóa công vụ, văn hóa giáo dục”.

Đối với xây dựng và phát huy giá trị văn hóa trong chính trị, trong kinh tế, nghị quyết khẳng định “mỗi chi bộ đạo đức, văn minh…; mỗi đảng viên đều tự giác, tiên phong, gương mẫu”. Để làm được điều đó, nghị quyết xác định phải có “đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, gắn bó mật thiết với Nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Mục tiêu của văn hóa giáo dục là thực hiện đầy đủ những chức năng của văn hóa thông qua việc dạy và học. Theo đó, dạy và học luôn nhằm mở mang dân trí, nâng cao kiến thức, bồi dưỡng tư tưởng đúng đắn và tình cảm cao đẹp, những phẩm chất trong sáng và phong cách sống lành mạnh cho con người, đào tạo con người có ích cho xã hội”.

Có thể thấy, bản chất của văn hóa trong thực thi công vụ là thể hiện những chuẩn mực của con người trong các mối quan hệ liên quan đến hoạt động công vụ. Mục tiêu của hoạt động công vụ là phục vụ Nhân dân. Công chức, viên chức là nguồn lực cơ bản của nền hành chính nhà nước, của bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị, cũng là lực lượng chủ yếu thực hiện hoạt động công vụ của Nhà nước ta.

Đối với văn hóa trong kinh tế, nghị quyết xác định: “Trước hết là ở các doanh nghiệp, trong đó đội ngũ doanh nhân, công nhân, người lao động thực sự là chủ thể được phát triển toàn diện và có điều kiện để phát huy sáng kiến, sáng tạo. Điểm nhấn ở đây: Xác định doanh nhân, công nhân, người lao động là chủ thể và phải tạo điều kiện và để cho họ phát triển toàn diện. Vấn đề là “tạo điều kiện” ra sao? và phát triển thế nào là toàn diện? Điều này đặt ra yêu cầu “xây dựng văn hóa chính trị, văn hóa công vụ, văn hóa giáo dục đi trước một bước”.

* Để văn hóa giáo dục đi trước một bước

Ngay từ khi còn là dự thảo, Nghị quyết về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển toàn diện và bền vững đã nhận được nhiều sự quan tâm của giới nghiên cứu khoa học, các nhà văn hóa và các tầng lớp nhân dân. Một trong những vấn đề được đặt ra và bàn luận nhiều, đó là việc xác định bản sắc văn hóa của Đồng Nai, xác định những hệ giá trị tiêu biểu của văn hóa - con người Đồng Nai để hệ giá trị này thực sự trở thành nguồn lực, động lực cho phát triển.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục cho các giáo viên có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Ảnh chụp tháng 11-2023. Ảnh: Hải Yến
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục cho các giáo viên có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Ảnh chụp tháng 11-2023. Ảnh: Hải Yến

Liên quan đến vấn đề này, Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12-12-2023 xác định mục tiêu đầu tiên là: “Xây dựng văn hóa, con người Đồng Nai phát triển toàn diện với các phẩm chất: nhân cách, đạo đức, trí tuệ, khát vọng năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật, đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân, dám chịu trách nhiệm; trong 5 mối quan hệ: với bản thân mình, với gia đình, với cộng đồng - xã hội, với đất nước, với truyền thống và bản sắc của Đồng Nai”.

Đồng thời, Nghị quyết cũng đặt mục tiêu: “…Tiếp tục giữ vững, phát huy hào khí Đồng Nai và không ngừng lan tỏa tinh thần hào khí Đồng Nai trong mọi phương diện của đời sống”.

Để văn hóa phát triển, “soi đường cho quốc dân đi”, công tác giáo dục - đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho phát triển văn hóa cần được chú trọng. Có như vậy thì văn hóa mới thấm sâu, tỏa sáng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Trong đó, cần nhận thức nguồn nhân lực văn hóa không chỉ là đội ngũ gồm những người đang hoạt động trong ngành văn hóa mà bao gồm cả cán bộ lãnh đạo, quản lý (cả quản lý nhà nước và quản lý của cộng đồng), giám định, thẩm định và nghệ nhân. Do đó, nên đưa nội dung văn hóa cơ sở vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp phù hợp đối tượng.

Ở bậc học phổ thông, trường học phải xây dựng để thực sự trở thành môi trường văn hóa lành mạnh, giúp thế hệ trẻ phát triển năng lực, phẩm chất một cách toàn diện. Trong đó, nhà trường phải chú trọng giáo dục học sinh đạo đức, nhân cách, tư duy sáng tạo và các giá trị cốt lõi; coi trọng bồi đắp con người giàu lòng nhân ái, khoan dung, chân thành, tín nghĩa, trọng đạo lý, cần cù, chăm chỉ, tiết kiệm, sáng tạo, hiện đại, có nhân cách tốt, lối sống đẹp.

Đồng Nai là vùng đất có bề dày và chiều sâu văn hóa, việc ban hành và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 12 sẽ góp phần xây dựng, bồi đắp văn hóa, con người Đồng Nai trong công cuộc xây dựng và phát triển nhanh, bền vững mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân đang nỗ lực thực hiện.

Nguyễn Sơn Hùng

Tin xem nhiều