(ĐN)- Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tính đến hết tháng 4, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1.348 ca bệnh tay chân miệng, giảm 31,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, số ca mắc từ giữa tháng tư đến nay tăng nhanh,..
(ĐN)- Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tính đến hết tháng 4, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1.348 ca bệnh tay chân miệng, giảm 31,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, số ca mắc từ giữa tháng tư đến nay tăng nhanh, với trên 100 ca/tuần. Riêng tuần thứ 15, 16 lên đến hơn 130 ca.
Một ca nghi mắc bệnh tay chân miệng được khám tại bệnh viện nhi đồng Đồng Nai |
Trong những ngày gần đây, dù nghỉ lễ, nhưng Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cũng đã tiếp nhận khoảng 30-40 trường hợp điều trị nội trú/ngày. Số ca mắc bệnh tập trung nhiều tại TP.Biên Hòa và các huyện: Trảng Bom, Long Thành. Hiện bệnh tay chân miệng đang đi vào đỉnh dịch đợt I vào tháng 5, tháng 6 và đỉnh dịch đợt II sẽ vào tháng 11, tháng 12.
Các bệnh khác như: sốt xuất huyết cũng đang giảm so với cùng kỳ (từ đầu năm đến nay có 625 ca); bệnh thủy đậu theo thống kê có 60 ca và bệnh sốt rét từ đầu năm đến nay có 30 ca, giảm 58,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo khuyến cáo của Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Cao Trọng Ngưỡng, khi bắt đầu vào mùa mưa, sẽ là cao điểm của các bệnh: sởi, bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết. Do vậy, người dân cần tăng cường thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: vệ sinh nơi ở, vệ sinh cá nhân, nhất là rửa tay thường xuyên với xà phòng; hạn chế đến nơi đông người.
Phương Liễu