Thời gian gần đây, tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai, liên tục xảy ra nhiều vụ cháy các ngôi nhà vừa để ở, vừa kết hợp sản xuất, kinh doanh làm thiệt hại về người và tài sản, gây mất an toàn phòng cháy, chữa cháy trong khu dân cư.
Thời gian gần đây, tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai, liên tục xảy ra nhiều vụ cháy các ngôi nhà vừa để ở, vừa kết hợp sản xuất, kinh doanh làm thiệt hại về người và tài sản, gây mất an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trong khu dân cư.
Công an TP.Biên Hòa hướng dẫn các hộ dân có nhà vừa để ở, vừa kết hợp sản xuất, kinh doanh tại P.An Bình xử lý sự cố rò rỉ khí gas, không để phát sinh cháy. Ảnh: Đ.Tùng |
Điểm chung của những ngôi nhà bị cháy ban đầu đều được thiết kế để ở, sau đó mới cải tạo rồi dùng kinh doanh, buôn bán nên tồn tại nhiều yếu tố mất an toàn PCCC.
* Nỗi lo cháy vẫn còn đó
Trong tháng 5-2023, liên tục xảy ra nhiều vụ cháy nhà chết người. Đa phần cháy lớn xảy ra tại các ngôi nhà vừa ở, vừa kinh doanh. Mới nhất, rạng sáng 31-5, một cửa hàng kinh doanh văn phòng phẩm tại TP.Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) bốc cháy làm 2 vợ chồng thiệt mạng. Trước đó, chiều 12-5, một quán bar tại Q.Ngô Quyền (TP.Hải Phòng) cháy dữ dội làm 3 người tử vong.
Tương tự, tại một số đô thị ở Đồng Nai, từ đầu năm 2023 đến nay, không ít sự cố cháy đã xảy ra với loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh đã dấy lên nỗi lo ngại về nguy cơ cháy lan từ những cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu dân cư.
Cụ thể, rạng sáng 22-4, cửa hàng mỹ phẩm M.T. nằm đường Lê Duẩn (thuộc xã An Phước, H.Long Thành) bất ngờ bốc cháy nghi do chập điện (gia đình chủ nhà ngủ trên lầu đã kịp thoát thân). Hay trưa 16-3, lầu 1 của cửa hàng kinh doanh băng đĩa N.H. nằm trên đường Phan Đình Phùng (P.Thanh Bình, TP.Biên Hòa) bốc cháy dữ dội khiến hàng chục người đang ăn giỗ ở tầng trệt phải bỏ chạy thoát thân, nhiều gia đình kế bên cũng hốt hoảng.
Công an tỉnh đặt ra chỉ tiêu đến cuối năm 2023, mỗi hộ gia đình trong toàn tỉnh có ít nhất 1 người được tuyên truyền, huấn luyện về PCCC và trang bị tối thiểu 1 bình chữa cháy (toàn tỉnh có hơn 726 ngàn hộ). Tính đến ngày 14-5, đã có hơn 53% số hộ được tập huấn kỹ năng chữa cháy; hơn 63% số hộ đã trang bị bình chữa cháy. |
Anh N.T.H., người dân sống trên đường Phan Đình Phùng, cho biết cửa hàng kinh doanh băng đĩa N.H. được xây từ lâu; xung quanh có nhiều nhà khác xây dựng san sát nhau, ít được cải tạo, nâng cấp theo thời gian. Do đó, nếu xảy ra cháy lớn hoặc cháy vào ban đêm sẽ dễ có nguy cơ cháy lan, hậu quả rất nặng nề.
Theo đánh giá của Công an tỉnh, phần lớn nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh thường chưa bảo đảm các điều kiện về PCCC. Đặc biệt là không đảm bảo điều kiện về hệ thống điện, giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan do hầu hết các nhà ở kết hợp kinh doanh được người dân tự cải tạo từ nhà ở.
Cụ thể, với hệ thống điện được thiết kế, sử dụng lâu đời chỉ phù hợp với các thiết bị điện gia dụng, công suất nhỏ. Nhưng khi dùng cho một số máy móc có công suất lớn dễ bị dẫn tới quá tải, chập cháy. Hoặc các gia đình chứa nhiều loại hàng hóa, nguyên vật liệu dễ cháy (bao bì giấy, mút xốp…) trong không gian nhỏ hẹp, sẽ dễ bị các nguồn lửa trong nhà (bếp gas, nhang, đèn cầy…) bén vào gây cháy.
Do đó, chập điện cũng là nguy cơ thường trực của hơn 52,2 ngàn nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên toàn tỉnh (trong đó UBND cấp xã quản lý gần 36 ngàn nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh).
Lý giải về nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nói trên, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, thượng tá Nguyễn Văn Hải cho biết: “Hiện chưa có quy chuẩn kỹ thuật quy định cụ thể về an toàn PCCC đối với nhà ở riêng lẻ, nhà để ở kết hợp kinh doanh nên gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về PCCC. Các nhà ở kết hợp kinh doanh đã được xây dựng từ lâu, trong quá trình sinh sống người dân tự tổ chức cải tạo một phần phía trước nhà để kinh doanh, buôn bán nên không đảm bảo an toàn PCCC”.
* Tăng cường kiểm tra, tuyên truyền PCCC
Từ tháng 9-2022 đến nay, để đảm bảo an toàn PCCC cho các nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên toàn tỉnh, công an các địa phương đã triển khai 2 mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC và Điểm chữa cháy công cộng. Đây là những mô hình được Bộ Công an triển khai trên toàn quốc, nhằm tăng cường khả năng xử lý các đám cháy ngay từ lúc vừa phát sinh tại khu dân cư.
Ngoài ra, công an các địa phương tăng cường kiểm tra, nhắc nhở các nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên toàn tỉnh. Qua đó vừa tuyên truyền, vừa xử phạt các trường hợp vi phạm quy định an toàn PCCC.
Cụ thể, từ ngày 1-6-2022 đến ngày 14-5-2023, công an các địa phương đã kiểm tra định kỳ, đột xuất 66,5 ngàn lượt (trên tổng số 52,2 ngàn nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh), qua đó phát hiện gần 4 ngàn lỗi vi phạm, xử phạt hơn 1,5 ngàn trường hợp với số tiền hơn 7,68 tỷ đồng. Chủ yếu là các hành vi: bố trí, sắp xếp vật tư, hàng hóa, phương tiện giao thông và các vật dụng khác cản trở lối thoát nạn; không kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống, phương tiện PCCC định kỳ…
Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Ngọc Liên kiến nghị, hiện TP.Biên Hòa có rất nhiều ngõ hẻm nhỏ, sâu hàng trăm mét, rất khó để xe chữa cháy tiếp cận sát hiện trường cháy. Vì vậy, các ngành chức năng có thể nghiên cứu, cho phép lưu thông với một số xe ba gác, xe máy được hoán cải có trang bị các phương tiện chữa cháy như: thang, máy bơm… Có như vậy mới phát huy được tính cơ động của lực lượng chữa cháy tại chỗ cũng như Tổ liên gia an toàn PCCC khi tiếp cận đám cháy từ lúc mới phát sinh.
Trước thực tế trên, để chủ động phòng ngừa nguy cơ cháy với những nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, những năm gần đây, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện phong trào: phát động tháo dỡ chuồng cọp, mở lối thoát nạn thứ 2, trang bị phương tiện PCCC.... Đến nay, 100% hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên toàn tỉnh đã mở lối ra khẩn cấp thoát nạn thứ 2 (ngoài lối ra vào chính).
Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ TẤN ĐỨC: Cần có hướng dẫn an toàn PCCC đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh
UBND tỉnh đề nghị Bộ Công an sớm ban hành Thông tư quy định, hướng dẫn an toàn PCCC đối với nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh cho các địa phương thực hiện. Vì thực tế hiện nay, số lượng nhà ở được cải tạo để sản xuất, kinh doanh tương đối nhiều nhưng chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể đối với loại hình này, dễ dẫn đến nguy cơ cháy nổ khi người dân tự ý cải tạo, không theo quy định cụ thể.
Không chỉ vậy, hiện toàn tỉnh có không ít công trình tồn tại từ lâu đời, đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC có hiệu lực vào năm 2001. Do đó, UBND tỉnh đề nghị Bộ Công an tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát các công trình trên. Qua đó có giải pháp tăng cường, bổ sung trong thực hiện đảm bảo an toàn PCCC.
Phó cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an, đại tá BÙI QUANG VIỆT: Tiếp tục tuyên truyền phòng cháy tại các cơ sở có nguy cơ cháy cao
Hướng tới mục tiêu kéo giảm số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, tôi đề nghị lực lượng Cảnh sát PCCC Đồng Nai tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền an toàn phòng cháy. Tập trung vào các loại hình cơ sở có nguy cơ cháy cao, các khu dân cư lâu đời, các hẻm nhỏ.
Trong quá trình xây dựng các mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC, Điểm chữa cháy công cộng cần đảm bảo sát thực tế, phù hợp với điều kiện, địa hình, đặc thù của mỗi khu dân cư. Qua đó, nâng cao tinh thần cảnh giác của người dân với các nguy cơ cháy, nổ; chủ động xử lý hiệu quả khi đám cháy vừa phát sinh, không để cháy lan, cháy lớn.
Minh Thành (ghi)
Đăng Tùng