Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần nguồn vốn lớn để hoàn thành các tuyến đường tỉnh

07:06, 06/06/2023

Đồng Nai đang rất cần nguồn vốn lớn để đầu tư các dự án đường tỉnh nhằm kết nối các địa phương, tạo thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch giao thông đã có sẵn nhưng việc triển khai dự án không dễ dàng

Đồng Nai đang rất cần nguồn vốn lớn để đầu tư các dự án đường tỉnh nhằm kết nối các địa phương, tạo thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch giao thông đã có sẵn nhưng việc triển khai dự án không dễ dàng. Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh quy hoạch đầu tư, nâng cấp, kéo dài 26 tuyến đường tỉnh, nhưng đến hết năm 2022, mới có tuyến đường tỉnh 763 hoàn thành và đưa vào khai thác. Thời gian còn lại là 2,5 năm, Đồng Nai sẽ khó có thể hoàn thành được 25 tuyến đường tỉnh còn lại.

Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến đa số các dự án đường tỉnh chậm tiến độ là thiếu vốn, bồi thường giải phóng mặt bằng. Mỗi tuyến đường tỉnh muốn nâng cấp, kéo dài sẽ cần nguồn vốn từ vài trăm đến hàng ngàn tỷ đồng. Trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, tỉnh rất khó mời gọi doanh nghiệp (DN) tham gia đầu tư dự án hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư. Do đó, UBND tỉnh đã tìm thêm nguồn vốn khác để đầu tư các tuyến đường tỉnh là khai thác các quỹ đất lợi thế. Theo đó, nhiều khu đất dọc các tuyến đường sắp được nâng cấp, kéo dài đã được quy hoạch sử dụng đất thành các khu dân cư, khu thương mại dịch vụ để đưa ra đấu giá.

Thế nhưng, 2 năm trở lại đây, thị trường bất động sản lao dốc, các ngân hàng siết chặt tín dụng, nhiều DN trên lĩnh vực này rơi vào tình trạng thiếu vốn. Nhiều dự án khu dân cư, khu đô thị đang đầu tư cũng phải tạm ngưng vì DN cạn vốn. Điều này khiến cho việc đấu giá các khu đất có lợi thế cũng bị ế ẩm, vì DN không còn tiền để mua. Từ năm 2020 đến nay, nhiều khu đất “vàng” của Đồng Nai đưa ra đấu giá nhưng không tìm được DN mua. Không có nguồn vốn từ đấu giá đất bổ sung, đa số các dự án đường tỉnh “khát” vốn. Tuy tỉnh có ưu tiên vốn ngân sách để thực hiện các tỉnh lộ theo quy hoạch, nhưng nguồn vốn đầu tư công ít, chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu.

Với tình hình kinh tế chậm phục hồi, tín dụng cho bất động sản vẫn bị hạn chế thì việc đấu giá đất không dễ. Tình trạng này có thể kéo dài đến cuối năm 2024. Thiếu vốn đầu tư các tuyến tỉnh lộ quan trọng đồng nghĩa với việc dự án chậm tiến độ, không thể đưa vào khai thác đúng lộ trình. Như vậy, Đồng Nai khó tạo ra đột phá trong phát triển kinh tế nhờ vào hạ tầng giao thông kết nối.

Hương Giang

 

Tin xem nhiều