Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn vay

08:04, 04/04/2023

So với giai đoạn đỉnh điểm, gần đây lãi suất điều hành từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng như lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại đã có dấu hiệu hạ nhiệt.

So với giai đoạn đỉnh điểm, gần đây lãi suất điều hành từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng như lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại đã có dấu hiệu hạ nhiệt.

Sản xuất tại một doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ ở Biên Hòa. Ảnh: V.Gia
Sản xuất tại một doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ ở Biên Hòa. Ảnh: V.Gia

Tuy vậy, khảo sát trên thực tế, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Đồng Nai cho hay, việc tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng không dễ vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

* Lãi suất hạ nhiệt vẫn khó tiếp cận vốn

Sau những lần tăng lãi suất trong năm 2022, từ ngày 15-3-2023, NHNN đã quyết định hạ lãi suất trong hệ thống ngân hàng. Từ sự điều chỉnh của NHNN, nhiều ngân hàng thương mại cũng đã giảm lãi suất cho vay. Có 4 ngân hàng thương mại nhà nước lớn đang triển khai gói tín dụng quy mô lớn với lãi suất ưu đãi.

Cụ thể, VietinBank có gói tín dụng với quy mô 100 ngàn tỷ đồng, lãi suất từ 7,1%/năm, triển khai đến hết ngày 30-6-2023, thời gian vay tối đa 12 tháng. Agribank tung ra gói tín dụng ưu đãi cho DN với quy mô 100 ngàn tỷ đồng và 500 triệu USD, mức lãi suất thấp hơn tới 1,5 %/năm với khoản vay giải ngân bằng Việt Nam đồng và 1%/năm với khoản vay bằng USD so với mức lãi suất hiện hành, tùy theo từng kỳ hạn cho vay, hồ sơ cụ thể của DN. BIDV có gói 170 ngàn tỷ đồng cho khách hàng cá nhân, đáp ứng nhu cầu vay vốn tiêu dùng và phục vụ sản xuất - kinh doanh. Vietcombank cũng đang triển khai gói tín dụng 100 ngàn tỷ đồng cho vay bổ sung vốn lưu động với lãi suất 7,5%-8,6%/năm đối với các khoản vay dưới 12 tháng.

Các chuyên gia cho rằng, cần nghiên cứu cơ chế đặc thù và tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại được chủ động xem xét cho DN được cơ cấu nợ, gia hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ... Việc này sẽ giúp DN duy trì dòng vốn bảo đảm hoạt động và không làm tăng thêm nợ xấu của ngân hàng.

Các ngân hàng lớn hạ lãi suất kéo theo hầu hết các ngân hàng, tổ tín dụng khác có động thái tương tự nhằm thu hút khách hàng. Mặc dù vậy, theo phản ánh của các DN, việc vay được vốn không dễ.

Các DN khó tiếp cận vốn ngân hàng vì phải có tài sản thế chấp, trong khi DN vừa và nhỏ hoạt động phải đi thuê nhà xưởng thì không thể có tài sản thế chấp, chỉ có hình thức tín chấp mới có thể giải quyết được nguồn vốn cho họ. Tuy nhiên, để vay được tín chấp là một vấn đề nan giải, rất nhiều thủ tục, vì thế DN thường không đáp ứng được.

Giám đốc Công ty TNHH Thiết kế mỹ thuật Thiên Nam (TP.Biên Hòa) Nguyễn Thiên Nam cho hay, công ty vừa mở thêm một xưởng sản xuất mới để phục vụ khách hàng. Trong nhiều năm hoạt động, việc vay vốn từ ngân hàng đối với các DN nhỏ như Thiên Nam là rất khó khăn. Trong đó, DN thường thiếu tài sản thế chấp có giá trị để vay vốn lớn đầu tư cho sản xuất - kinh doanh. Do đó, vốn DN vay được từ ngân hàng chỉ đáp ứng nhu cầu nhỏ, phần còn lại DN phải tự thân vận động bằng nhiều cách khác nhau.

* Thiếu vốn lưu động, DN gặp khó

Bên cạnh vấn đề vốn, các DN nhỏ và vừa đang gặp rất nhiều khó khăn, nhiều DN chấp nhận co hẹp sản xuất vì thiếu đơn hàng. Để có thể duy trì hoạt động, DN phải chạy đôn chạy đáo, nỗ lực trong tiếp thị, dựa vào các hoạt động xúc tiến thương mại của Nhà nước, các tổ chức hiệp hội DN để tìm thêm khách hàng.

Các doanh nghiệp nhỏ của Đồng Nai rất mong tiếp cận vốn vay ưu đãi để mở rộng sản xuất kinh doanh. Trong ảnh: Doanh nghiệp tham gia một chương trình xúc tiến thương mại do Sở Công thương tổ chức
Các doanh nghiệp nhỏ của Đồng Nai rất mong tiếp cận vốn vay ưu đãi để mở rộng sản xuất kinh doanh. Trong ảnh: Doanh nghiệp tham gia một chương trình xúc tiến thương mại do Sở Công thương tổ chức

“Chúng tôi hoạt động vận tải hàng hóa bằng xe container tuyến Bắc - Nam. Hơn 2 năm nay, ngành vận tải tụt dốc, lợi nhuận, khách hàng, thị trường, công ăn việc làm của người lao động bị ảnh hướng lớn. Chạy hàng đường dài nhưng càng chạy nhiều càng lỗ, nay chúng tôi phải chuyển hướng một phần, nỗ lực kết nối, tìm kiếm khách hàng ở cự ly ngắn hơn nhưng vẫn rất khó khăn” - Giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Vũ Hoàng (TP.Biên Hòa) Vũ Thị Vân Anh chia sẻ.

Thiếu dòng tiền lưu động là bài toán hóc búa mà nhiều DN phải tìm cách giải được trong thời điểm hiện nay. Theo TS Nguyễn Tấn Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học lãnh đạo và quản trị DN (Hiệp hội DN TP.HCM), trong bối cảnh có nhiều tác động bất lợi, DN cần phải tỉnh táo để có giải pháp tốt. Nếu tình hình kinh doanh khá hơn thì nguồn thu vào ổn định, nhưng gặp trục trặc thì dòng tiền luân chuyển vào không bao nhiêu. Do vậy, DN cần tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo trường vốn đến lúc có lời.

Văn Gia

Tin xem nhiều