Trước những khó khăn đặt ra trong sản xuất nông nghiệp, nhiều địa phương tùy theo lợi thế, đặc thù riêng mà có sự định hướng riêng về phát triển bền vững.
Đồng Nai có sự đa dạng về các mô hình phát triển nông nghiệp như: nông nghiệp đô thị; nông nghiệp gắn với dịch vụ, du lịch; nông nghiệp thuần nông… Trước những khó khăn đặt ra, nhiều địa phương tùy theo lợi thế, đặc thù riêng mà có sự định hướng riêng về phát triển bền vững.
Nhiều địa phương đang thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản cho nông dân. Trong ảnh: Chế biến xoài tại một doanh nghiệp tại H.Định Quán. Ảnh: L.Quyên |
Tuy nhiên, các địa phương và doanh nghiệp (DN), nông dân mong được tháo gỡ về quy hoạch vùng, sản xuất, chính sách ưu tiên, hỗ trợ về nguồn vốn…
* Chính sách chưa đi vào thực tế
Trong giai đoạn mới, nhiều cơ chế, chính sách cũng như chương trình, đề án được triển khai nhằm thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn, nông dân tiếp tục phát triển.
Tuy nhiên, thực tế sản xuất nông nghiệp của nước ta còn manh mún, nhỏ lẻ, việc tích tụ ruộng đất cho sản xuất hàng hóa lớn chưa đạt yêu cầu; năng suất lao động nông nghiệp của Việt Nam thấp hơn nhiều so với mặt bằng lao động nông nghiệp các nước và với các lĩnh vực khác…
Trong đó, có nguyên nhân nhiều chính sách đã ban hành nhưng khó đi vào thực tế tại các địa phương như: chính sách tích tụ ruộng đất, chính sách hỗ trợ DN đầu tư vào nông nghiệp, hỗ trợ HTX, kinh tế tập thể cũng như chính sách tạo thông thoáng cho kinh tế trang trại phát triển còn khó khăn...
Tại hội nghị toàn quốc góp ý cho phát triển kinh tế tập thể trong giai đoạn mới diễn ra vào cuối tháng 1 vừa qua, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn kiến nghị, trong giai đoạn mới đòi hỏi phải tăng cường thêm nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Riêng về chính sách hỗ trợ cho kinh tế hộ, kinh tế tập thể, HTX phát triển, trước mắt nên tập trung phát triển DN. Vì với vai trò dẫn dắt kinh tế hộ, kinh tế tập thể và HTX cùng phát triển, các DN có nhiều điều kiện thuận lợi hơn về vốn, công nghệ, quản lý, thị trường…
* Cần sự đồng bộ trong triển khai
Định hướng để sản xuất nông nghiệp thoát khỏi “lời nguyền” manh mún, nhỏ lẻ để hướng đến sự phát triển bền vững, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan chỉ ra, cái bẫy khiến sản xuất nông nghiệp thiếu tính bền vững nằm ở 3 vấn đề: Nông dân tư duy mùa vụ, mùa nào tính mùa đó; DN tư duy thương vụ, thương vụ nào tính thương vụ đó; còn chính quyền tư duy nhiệm kỳ.
Theo Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan, các DN xuất khẩu nông sản phải năng động, tìm kiếm những thông tin thị trường để đáp ứng kịp thời những thay đổi trong tình hình mới; đồng thời, góp phần định hướng cho nông dân trong sản xuất. Các hiệp hội, ngành hàng cần giúp cho Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại ngành hàng, tổ chức lại thị trường nông sản. Ngành Nông nghiệp phải chấp nhận làm lại gần như từ đầu về một hệ sinh thái, một chuỗi ngành hàng nông sản. |
Ngoài ra, việc nghiên cứu, dự báo, cung cấp thông tin thị trường trong lĩnh vực nông nghiệp của nước ta còn nhiều hạn chế khiến người sản xuất thiếu thông tin hoặc không được cung cấp thông tin kịp thời. Không những vậy, phần nhiều nông dân không được các cơ quan chức năng hướng dẫn, tư vấn, khuyến cáo trong quá trình sản xuất.
Theo đó, thay vì tìm hiểu thông tin thị trường, địa chỉ tiêu thụ sản phẩm rồi mới đầu tư sản xuất thì nông dân thấy một loại nông sản nào đó được bán giá cao thì đổ xô cùng làm. Nông dân trồng theo phong trào và hoàn toàn thụ động chờ thương lái thu mua nên dễ rơi vào cảnh bị ép giá, buộc phải bán đổ bán tháo, thậm chí phải đổ bỏ.
Ở cấp độ địa phương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi đề nghị, trên cơ sở đánh giá các nguồn lực liên quan đến phát triển nông nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh; nguồn lực về điều kiện kinh tế - xã hội; thực trạng sản xuất nông nghiệp, điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội mà chương trình phát triển nông nghiệp bền vững của tỉnh đề ra các mục tiêu cụ thể. Trong đó, nền nông nghiệp được cơ cấu lại gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại; phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Trong đó, tỉnh sẽ triển khai đồng bộ các cơ chế chính sách hỗ trợ nông nghiệp phát triển bền vững; cơ chế thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ và nông nghiệp công nghệ cao; chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ, phát triển công nghiệp chế biến sâu và dịch vụ nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng…
Lê Quyên