Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần giải pháp đồng bộ

08:03, 28/03/2022

Lạm phát khiến nhiều mặt hàng tăng chóng mặt nhưng đa số các loại nông sản lại đi ngược với xu thế chung là giá đang giảm mạnh. Cụ thể, từ giá thịt heo đến trái cây xuất khẩu như: xoài, thanh long, chuối… đều đang bán dưới giá thành sản xuất.

Lạm phát khiến nhiều mặt hàng tăng chóng mặt nhưng đa số các loại nông sản lại đi ngược với xu thế chung là giá đang giảm mạnh. Cụ thể, từ giá thịt heo đến trái cây xuất khẩu như: xoài, thanh long, chuối… đều đang bán dưới giá thành sản xuất. Trong khi đó, chi phí sản xuất nhiều mặt hàng đang đội lên gần gấp đôi so với trước, khiến nông dân đang thua lỗ nặng.

Tự cứu mình, nông dân đang nỗ lực thay đổi quy trình sản xuất theo hướng tiết kiệm nguyên liệu, vật tư như: giảm lượng giống, phân bón nhằm giảm chi phí hoặc tận dụng phế phẩm nông nghiệp, rác hữu cơ tự làm phân bón, vừa hạn chế ô nhiễm môi trường. Lợi thế của sự chuyển hướng này không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất mà còn làm ra nông sản sản xuất sạch góp phần nâng cao chất lượng và giá trị nông sản. Sự chuyển hướng này thể hiện qua con số thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2022, lượng phân bón nhập khẩu của cả nước đạt trên 594,5 ngàn tấn, giảm 3,2% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước tình hình giá phân bón thế giới và trong nước tăng cao, Bộ NN-PTNT đã có Chỉ thị số 653 về sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả. Chỉ thị nêu rõ tình trạng lạm dụng phân bón vô cơ, sử dụng phân bón lãng phí vẫn còn xảy ra ở hầu hết các địa phương làm tăng chi phí sản xuất, giảm sức cạnh tranh của hàng nông sản, ô nhiễm môi trường và gây mất cân bằng hệ sinh thái nông nghiệp. Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở NN-PTNT tổ chức tập huấn, truyền thông, hướng dẫn người dân sử dụng phân bón cân đối và hiệu quả như đẩy nhanh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như: 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, hệ thống thâm canh lúa cải tiến, gieo sạ né rầy, ứng dụng công nghệ sinh thái, mô hình quản lý dịch hại tổng hợp, mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, mô hình liên kết sản xuất. Tăng cường sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ, thay thế phân bón vô cơ bằng phân bón hữu cơ theo tỷ lệ phù hợp với điều kiện sản xuất trồng trọt của địa phương. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn và các đơn vị liên quan tập huấn, hướng dẫn nông dân áp dụng và nhân rộng tiến bộ kỹ thuật, giải pháp, mô hình sử dụng phân bón hiệu quả, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

Các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường phân bón, các cơ sở buôn bán tại địa phương; đặc biệt, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, phân bón chưa được công nhận lưu hành, các hành vi gian lận trong ghi nhãn, trục lợi đẩy giá phân bón lên cao. Tiếp tục rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm hỗ trợ, khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất phân bón, ưu tiên công nghệ thân thiện môi trường, tái sử dụng phụ phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, rác thải sinh hoạt và đẩy mạnh sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ.

Ngoài ra, Chính phủ đã có chính sách giảm thuế nhập khẩu của nhiều mặt hàng nhằm giảm giá thành đầu vào cho sản xuất trong nước, trong đó có một số nguyên liệu trong lĩnh vực nông nghiệp. Bộ Công thương phối hợp với Bộ NN-PTNT trong việc tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu nông sản đi Trung Quốc cũng như quan tâm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, đơn giản hóa quy trình thủ tục, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa... nhằm đẩy mạnh xuất khẩu nông sản đi thị trường các nước. 

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều