Chăn nuôi được cho là lĩnh vực chịu nhiều "tổn thương" nhất trong quá trình hội nhập, kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007 đến nay. Và thực tế đã chứng minh nhận định này là đúng.
Chăn nuôi được cho là lĩnh vực chịu nhiều “tổn thương” nhất trong quá trình hội nhập, kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007 đến nay. Và thực tế đã chứng minh nhận định này là đúng.
Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi rất khó nhưng nhập khẩu lại quá dễ. Từ 2 năm nay, Hội đã có nhiều kiến nghị tăng cường kiểm dịch động vật, chống bán phá giá; nếu không sẽ rất nguy hiểm đến tương lai của ngành chăn nuôi.
Vừa qua, dịch bệnh từ bên ngoài vào Việt Nam rất nhiều, chúng ta phải siết chặt để đảm bảo ngành chăn nuôi trong nước, hạn chế tối đa những sơ hở để dịch bệnh xâm nhập. Ngoài ra, sản phẩm nhập khẩu tràn lan ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi trong nước với hơn chục triệu hộ chăn nuôi cần được bảo vệ để có điều kiện làm ăn có hiệu quả.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi cũng chia sẻ, một số loại dịch bệnh trên vật nuôi từ các nước đã xâm nhập vào vật nuôi trong nước qua các sản phẩm thịt nhập khẩu. Nếu việc kiểm dịch, hàng rào kiểm soát sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu của Việt Nam không chặt chẽ sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến ngành chăn nuôi nói riêng và đến tình hình kinh tế - xã hội nói chung. Đội ngũ làm công tác kiểm tra, kiểm dịch sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu cần có kinh nghiệm, nắm bắt được tình hình chăn nuôi trên thế giới, nhất là được cập nhật, nắm bắt tốt thông tin từ các tổ chức thú y thế giới để lường trước, có kế hoạch kiểm dịch.
Thực tế, thể chế, hành lang pháp lý trong lĩnh vực chăn nuôi hiện đã cơ bản hoàn thiện, đồng bộ đáp ứng yêu cầu phát triển chăn nuôi hiện đại, bền vững với Luật Chăn nuôi cùng với các nghị định, thông tư, nhất là Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 kèm theo kế hoạch hành động thực hiện quyết định này.
Thời gian tới, cần hỗ trợ, khuyến khích đầu tư phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị với mã định danh quốc gia cùng với truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng các tổ hợp chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao... Ngoài ra, xây dựng tập quán sản xuất theo chuỗi tuần hoàn, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh theo hướng hữu cơ truyền thống. Bên cạnh đó, xác định đúng thị trường, nhận diện được tiềm năng, hỗ trợ kịp thời và xác nhận cho các chuỗi giá trị cho sản phẩm thương hiệu quốc gia, vùng và sản phẩm đặc hữu.
Các doanh nghiệp được coi là nòng cốt trong các chuỗi, cần chủ động đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, trong đó xác định rõ nhu cầu của thị trường, đẩy mạnh liên kết với nông dân, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất, ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc, áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASEAN GAHP... để cung ứng các sản phẩm chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu của các thị trường, để không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước mà đáp ứng tốt thị trường xuất khẩu. Vì chỉ khi “nội lực” mạnh lên, ngành chăn nuôi và người chăn nuôi mới tự bảo vệ được mình giữa thị trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay.
Vi Lâm