Báo Đồng Nai điện tử
En

Dự án nhiều năm chưa thực hiện xong: Cần loại ra khỏi quy hoạch

03:05, 25/05/2021

Tỉnh Đồng Nai hiện có những dự án kéo dài 8-20 năm chưa thực hiện xong, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong vùng dự án; các địa phương có dự án "treo" cũng khó phát triển KT-XH.

Trên địa bàn Đồng Nai hiện có những dự án kéo dài 8-20 năm chưa thực hiện xong gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong vùng dự án; các địa phương có dự án “treo” cũng khó phát triển kinh tế - xã hội. Hầu hết người dân cũng như chính quyền địa phương đều mong muốn tỉnh sẽ thu hồi những dự án kéo dài nhiều năm.

TP.Biên Hòa là nơi còn nhiều dự án kéo dài nhiều năm chưa triển khai. Ảnh: H.GIANG
TP.Biên Hòa là nơi còn nhiều dự án kéo dài nhiều năm chưa triển khai. Ảnh: H.GIANG

Tại TP.Biên Hòa, các huyện Long Thành, Trảng Bom, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu... có không ít dự án trên các lĩnh vực đã giới thiệu địa điểm, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp (DN) nhiều năm nhưng vẫn còn ngổn ngang. Tuy những năm qua, các huyện, thành phố đã đề xuất UBND tỉnh thu hồi nhiều dự án chậm triển khai nhưng vẫn còn “lọt” nhiều dự án.

* Dự án “treo” hơn một thập niên

Theo quy định của Luật Đất đai và Luật Đầu tư, dự án quá thời gian quy định nếu không triển khai sẽ bị thu hồi. Hằng năm, các huyện, TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh đều tiến hành rà soát các công trình, dự án trên địa bàn để đề xuất UBND tỉnh thu hồi những dự án kéo dài. Thế nhưng, tại các địa phương vẫn có những dự án hơn 10 năm chưa làm xong, gây bức xúc cho nhiều người dân nằm trong khu vực dự án.

Đơn cử như ở TP.Biên Hòa có dự án khu dân cư KP.1, KP.2, KP.3, phát triển hạ tầng và cây xanh KP.3 thuộc P.Long Bình Tân. Cả 4 dự án trên kéo dài từ 15-26 năm làm ảnh hưởng đến nhiều quyền lợi trên thửa đất của gần 3,9 ngàn hộ dân suốt nhiều năm qua.

Trong kế hoạch sử dụng đất năm 2021 đã được UBND tỉnh phê duyệt cho các huyện, TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh thì Đồng Nai có 1,9 ngàn dự án với diện tích khoảng 26 ngàn ha. Trong đó, riêng lĩnh vực giao thông có khoảng 230 dự án.

Ông Mai Thế Đài (KP.1, P.Long Bình Tân) bày tỏ: “Dự án Khu dân cư KP.1 gần 30 năm nay chưa làm xong, khiến thửa đất của gia đình tôi vướng vào quy hoạch không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hiện nay, căn nhà trên khu đất đã xuống cấp nhưng không được cấp phép làm lại. Tôi và cả trăm hộ dân ở đây đã nhiều lần kiến nghị thành phố, tỉnh nếu không thực hiện tiếp dự án thì thu hồi trả lại quyền lợi cho dân. Thế nhưng đến nay, dự án vẫn “treo” khiến các hộ dân rất bức xúc”.

Các phường, xã khác của TP.Biên Hòa cũng còn khá nhiều dự án hơn 10 năm chưa thực hiện, mỗi lần tiếp xúc cử tri, người dân đều phản ánh với các đại biểu và yêu cầu thành phố, tỉnh sớm có biện pháp giải quyết để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong các dự án, công trình chậm triển khai gồm có dự án đầu tư công và của các doanh nghiệp tư nhân. Ngoài TP.Biên Hòa, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom cũng là nơi có nhiều dự án chậm tiến độ. Mới đây, UBND H.Nhơn Trạch đã đề xuất tỉnh thu hồi 12 dự án kéo dài 11-18 năm chưa triển khai.

Ông Nguyễn Thế Phong, Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch cho hay: “Huyện thường xuyên tiến hành rà soát các dự án trên địa bàn để nhắc nhở chủ đầu tư tiến hành theo đúng lộ trình được cấp phép. Với những dự án, doanh nghiệp cố tình kéo dài để đợi thời cơ, quá thời gian quy định sẽ đề xuất tỉnh thu hồi để mời gọi các nhà đầu tư có năng lực về tài chính, kinh nghiệm triển khai nhanh, hoặc xóa quy hoạch dự án đảm bảo quyền lợi cho người dân”.

Trên địa bàn H.Nhơn Trạch, hàng loạt dự án hơn 10 năm chưa thực hiện như: khu dân cư thương mại đô thị mới tại 2 xã Long Tân, Phú Hội của Công ty TNHH địa ốc Chợ Lớn được UBND tỉnh giới thiệu địa điểm từ năm 2003; khu dân cư xã Phú Hội do Công ty TNHH La Mã làm chủ đầu tư được UBND tỉnh thỏa thuận địa điểm vào năm 2009; khu dân cư ở 2 xã Long Tân và Phú Hội của Công ty CP Tập đoàn Đại Viễn Dương được thỏa thuận địa điểm lần đầu vào năm 2010; dự án Khu chợ và dân cư Dân Xuân tại TT.Hiệp Phước được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2010 cho Công ty CP Bất động sản Dân Xuân làm chủ đầu tư...

KP.2, P.Long Bình Tân (TP.Biên Hòa) vướng vào dự án treo hơn 10 năm
KP.2, P.Long Bình Tân (TP.Biên Hòa) vướng vào dự án treo hơn 10 năm

H.Long Thành cũng có nhiều dự án kéo dài nhiều năm chưa thực hiện xong như: khu dân cư biệt thự Long An ở xã Long An; khu liên hiệp xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và chất thải nguy hại tại xã Bàu Cạn; khu đô thị Bình Sơn...

* Liên tục rà soát, đề nghị thu hồi

Những năm qua, trên địa bàn Đồng Nai đã thu hồi hàng trăm dự án chậm triển khai hoặc nhà đầu tư không đủ khả năng nên  đề xuất dừng thực hiện dự án. Tuy nhiên, vẫn còn hàng chục dự án kéo dài nhiều năm vẫn “lọt” khiến nhiều người dân trong tỉnh thắc mắc, vì theo Luật Đất đai, Luật Đầu tư, dự án không triển khai trong 4 năm (bao gồm cả thời gian gia hạn) sẽ bị thu hồi.

Vào năm 2016-2017, TP.Biên Hòa đã đề xuất UBND tỉnh thu hồi 46 dự án chậm triển khai, nhưng sau đó chỉ có một số dự án bị thu hồi, còn lại vẫn tiếp tục giữ lại. Ngoài ra, trong kế hoạch sử dụng đất của các huyện, thành phố mỗi năm đều xóa quy hoạch khá nhiều dự án. Cụ thể như năm 2021, các địa phương trong tỉnh đã hủy 170 dự án với diện tích gần 870ha. Địa phương có nhiều dự án bị hủy kế hoạch sử dụng đất là: TP.Biên Hòa với 35 dự án, H.Long Thành 21 dự án, H.Xuân Lộc 19 dự án, H.Định Quán 17 dự án, H.Vĩnh Cửu 17 dự án, TP.Long Khánh 11 dự án...

Ông Lê Văn Tiếp, Quyền Chủ tịch UBND H.Long Thành cho biết: “Huyện đang cho rà soát lại các dự án chậm triển khai, nếu quá thời gian quy định mà DN không thực hiện sẽ đề xuất tỉnh xem xét lại năng lực của nhà đầu tư. Những trường hợp không đủ khả năng đầu tư dự án sẽ đề nghị UBND tỉnh rút giấy chứng nhận đầu tư để không ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của huyện”.

Đồng Nai được coi là trung tâm giao thông của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thu hút rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước trên các lĩnh vực. Các DN đến tỉnh được giới thiệu địa điểm, cấp giấy chứng nhận đầu tư trong và ngoài khu công nghiệp rất nhiều. Lĩnh vực các DN đầu tư nhiều là công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ, bất động sản. Ngoài khu công nghiệp, các DN chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng, thương mại dịch vụ. Bên cạnh đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước chủ yếu đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật.

Đón trước tiềm năng phát triển của Đồng Nai, từ 15-25 năm trước, đã có nhiều DN đến Đồng Nai đề xuất triển khai các dự án. Vào thời điểm đó, việc cấp phép đầu tư dự án còn dễ dàng, không ít DN không có đủ khả năng về tài chính, kinh nghiệm cũng đề xuất cấp phép đầu tư dự án. Tuy nhiên, khi được tỉnh cấp phép dự án lại không triển khai, kéo dài nhiều năm, đợi thời cơ sang nhượng lại dự án, bán cổ phần công ty hoặc tìm DN khác góp vốn đầu tư... Đây là một trong những lý do khiến cho nhiều dự án trên địa bàn tỉnh không thể triển khai, kéo dài nhiều năm.

Theo Sở TN-MT, trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030 sắp được phê duyệt, trên địa bàn tỉnh sẽ có thêm hơn 250 dự án bị loại ra khỏi quy hoạch vì kéo dài nhiều năm không làm. Những dự án trên thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau nằm ở tất cả các huyện, thành phố.

Trong các cuộc họp về đất đai gần đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi đã yêu cầu Sở TN-MT và các địa phương rà soát lại quy hoạch sử dụng đất, các dự án trên địa bàn tỉnh nếu có vướng mắc, khó khăn thì đề xuất tháo gỡ kịp thời để việc sử dụng đất hiệu quả, các dự án sớm hoàn thành đưa vào khai thác.

Hương Giang

Tin xem nhiều