Các dự án đã bị tỉnh thu hồi phần lớn là mới đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chưa có DN đầu tư. Còn những dự án đã cấp giấy đầu tư thì không dễ thu hồi,...
Các dự án đã bị tỉnh thu hồi phần lớn là mới đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chưa có doanh nghiệp (DN) đầu tư. Còn những dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư không dễ thu hồi, bởi không ít DN tìm cách lách luật để cố tình kéo dài dự án, đợi thời cơ.
Một khu dân cư ở xã Phú Hội ( H.Nhơn Trạch) sau hơn 10 năm còn ngổn ngang. Ảnh: Khánh Minh |
Từ nhiều năm trước, Đồng Nai là vùng đất “vàng” được nhiều DN trong và ngoài nước chú ý. Cả ngàn DN đã đến tỉnh để tìm cơ hội đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Tỉnh đã giới thiệu địa điểm, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho hàng trăm DN để thực hiện các dự án.
* Nhiều dự án “chờ thời”
Người dân ở những địa phương trong tỉnh có dự án “treo” 10-15 năm cho rằng chủ đầu tư sau khi được UBND tỉnh giới thiệu địa điểm, cấp giấy chứng nhận đầu tư thì để đó chờ thời. Trong đó, có DN làm xong một số hồ sơ thủ tục của dự án rồi để đó, tìm DN khác có nhu cầu để bán lại với giá cao hơn thông qua hình thức góp vốn, bán cổ phần công ty, chuyển nhượng dự án kiếm một khoản lời lớn.
Các DN mua lại dự án nhiều khi cũng không có ý định thực hiện dự án mà tiếp tục tìm nhà đầu tư khác bán lại toàn bộ hoặc một phần dự án để thu lợi nhuận. Cứ như vậy, dự án qua tay nhiều DN nhưng vẫn giậm chân tại chỗ và các hộ dân có đất nằm trong dự án là những người chịu ảnh hưởng lớn nhất. Vì đất vướng vào quy hoạch không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không được cấp phép xây dựng, muốn chia tách cho con hoặc sang nhượng cũng khó khăn. Do bị quy hoạch dự án, người dân không thể chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mục đích sử dụng đất để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Bà Nguyễn Thị Bích (xã Phú Hội, H.Nhơn Trạch) chia sẻ: “Gia đình tôi có gần 1ha đất bị quy hoạch làm khu dân cư nhưng hơn 10 năm rồi chưa thực hiện khiến kinh tế gia đình rất khó khăn. Tôi định cắt một phần đất để bán lấy tiền làm ăn, song xã, huyện đều nói đất đang quy hoạch dự án không thể tách thửa. Do đó, nhiều năm nay gia đình tôi rất khó khăn, các con lớn lên muốn chia đất cho chúng làm nhà an cư cũng không được”.
Trường hợp như của gia đình bà Bích trên địa bàn tỉnh có đến cả ngàn hộ dân đang gặp phải. Mong muốn duy nhất của họ là khi dự án chậm triển khai thì Nhà nước thu hồi dự án.
Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà cho biết: “UBND tỉnh đã giao cho Sở KH-ĐT rà soát lại tất cả dự án chậm triển khai tại các huyện, thành phố xem nguyên nhân từ đâu. Sau đó, Sở báo cáo UBND tỉnh để có giải pháp giải quyết vì dự án kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân và phát triển kinh tế của tỉnh. Hiện Sở KH-ĐT đã thành lập đoàn kiểm tra có cả các sở, ngành, địa phương cùng tham gia để xem lại tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh”.
* Thu hồi dự án chậm triển khai không dễ
Các dự án có chủ đầu tư chậm triển khai nhưng việc thu hồi không dễ; các sở, ngành phải căn cứ vào các quy định của Luật: Đất đai, Đầu tư, Xây dựng, Quy hoạch, Doanh nghiệp... để rà soát từng điều khoản để từ đó có thể đề xuất UBND tỉnh thu hồi dự án kéo dài nhiều năm cho phù hợp. Việc thu hồi các dự án “treo” nếu không đúng quy định, nhà đầu tư có thể kiện ngược lại. Thời gian qua, tại Đồng Nai xảy ra không ít vụ việc DN kiện chính quyền vì ban hành một số quy định về đất đai, đầu tư, xây dựng chưa phù hợp.
Chánh Thanh tra Sở KH-ĐT Nguyễn Hùng Hải cho hay: “Qua rà soát ban đầu, Sở KH-ĐT đã lên danh sách sẽ giám sát hơn 100 dự án ở ngoài khu công nghiệp thuộc các huyện, TP.Biên Hòa và TP.Long Khánh. Nội dung giám sát yêu cầu về điều kiện đầu tư, ưu đãi, thực hiện các cam kết của nhà đầu tư, bảo vệ môi trường, sử dụng đất đai, khó khăn vướng mắc, tình hình chuyển nhượng dự án (nếu có), ký quỹ thực hiện dự án... Các dự án giám sát đợt này có cả DN trong nước lẫn DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài”.
Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, dự án sau 24 tháng được giao đất sạch không triển khai có thể xem xét gia hạn thêm 24 tháng, nếu tiếp tục không thực hiện sẽ bị thu hồi. Tuy nhiên, DN muốn lách luật có thể gần hết thời gian quy định sẽ tiến hành san lấp mặt bằng, làm hàng rào rồi báo cáo đang triển khai dự án để tiếp tục kéo dài thời gian. Bên cạnh đó, cũng có những DN kéo dài thời gian phối hợp với địa phương để thực hiện công tác bồi thường và lấy lý do vướng việc bồi thường, giải phóng mặt bằng không thể thi công dự án đúng tiến độ...
Vì thế, theo một số chuyên gia kinh tế, Đồng Nai muốn thực hiện các dự án đúng tiến độ, đảm bảo cho đời sống người dân, phát triển kinh tế - xã hội thì ngay từ khâu lựa chọn nhà đầu tư phải thật kỹ. Như vậy sẽ chọn được các DN có năng lực về tài chính, kinh nghiệm để triển khai dự án. Khi tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư phải có ràng buộc rõ ràng, cam kết của nhà đầu tư về tiến độ dự án. Có một giai đoạn do quy định chưa chặt chẽ, các DN dù không đủ năng lực về tài chính, kinh nghiệm cũng ồ ạt xin cấp phép đầu tư dự án. Vì vậy, dẫn đến việc nhiều dự án trên địa bàn tỉnh chậm tiến độ.
Trong các cuộc họp về kinh tế - xã hội hằng tháng, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã lưu ý các sở, ngành, địa phương phối hợp rà soát các dự án trên địa bàn. Với những dự án chậm tiến độ, nhà đầu tư không đủ năng lực thì thu hồi giao cho các DN có thủ khả năng để triển khai nhanh.
Khánh Minh