Trồng cây xanh gắn với Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới nhằm huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện nhiệm vụ trồng cây.
Trồng cây xanh gắn với Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) nhằm huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện nhiệm vụ trồng cây.
Tuyến đường xanh tại xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu. Ảnh: L.QUYÊN |
Để xây dựng được thảm xanh cho các vùng nông thôn cần giải pháp đồng bộ, đặc biệt quan trọng là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân vì nhân dân chính là lực lượng quan trọng để thực hiện, chăm sóc, bảo vệ cây xanh, giữ gìn vệ sinh môi trường.
* Tính toán đường dài
Từ thực tế triển khai tại các địa phương, những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện trồng cây xanh có nhiều nguyên nhân như: công tác chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng ở một số nơi còn chưa thực sự được quan tâm. Tình trạng chặt phá cây rừng để phát triển cây nông nghiệp còn xảy ra ở một số đơn vị. Đối với trồng cây phân tán, một số địa phương chưa thực sự quan tâm sâu sát đến việc trồng cây; việc rà soát diện tích trồng cây để xây dựng kế hoạch chưa được thực hiện một cách triệt để; chưa gắn trách nhiệm đơn vị quản lý, chăm sóc, bảo vệ sau khi trồng nên vẫn còn xảy ra tình trạng tỷ lệ cây sống sau khi trồng thấp.
TS Nguyễn Văn Quý, Trưởng khoa Lâm học của Trường đại học Lâm nghiệp phân hiệu tại tỉnh Đồng Nai (H.Trảng Bom) góp ý, tỉnh phải có quy hoạch ngay từ đầu với sự phối hợp giữa các ban, ngành liên quan trong xây dựng kiến trúc không gian xanh và có thêm nghiên cứu, định hướng phát triển mảng xanh ở từng hộ gia đình. Trước mắt ưu tiên trồng các cây ngắn ngày để tạo các mảng xanh và xây dựng lộ trình phát triển các loại cây trồng khác nhau và cần thời gian dài phát triển cây gỗ lớn. Với các vùng đất ô nhiễm, thoái hóa cần linh động trồng các loại cây cải thiện môi trường cũng như quan tâm xây dựng các vành đai xanh ở các khu dân cư; xây dựng được những băng xanh trong trồng rừng để góp phần cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Đưa ra góc nhìn về kinh tế trong phát triển rừng trồng, ông Võ Quang Hà, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai góp ý, chương trình phát triển rừng, mảng xanh nên gắn với hiệu quả kinh tế mới có sự bền vững vì từ phong trào thành sự tự giác. Cụ thể, phát triển mảng xanh nên gắn với việc phát triển diện tích rừng trồng, ưu tiên cho các cây trồng như: tràm, cao su… đang là nguyên liệu chính sản xuất gỗ xuất khẩu. “Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai sẵn sàng làm cầu nối cho tỉnh tiếp cận được các nguồn quỹ tài trợ từ nước ngoài trong phát triển rừng, mảng xanh. Hiệp hội rất mong phối hợp với Sở NN-PTNT và các sở, ngành liên quan để phát triển rừng trồng bền vững với mục tiêu tăng nguồn nguyên liệu gỗ sản xuất tại chỗ cho chế biến” - ông Hà nói.
* Phát huy vai trò người dân
Để phát triển tốt các mảng xanh cho cả vùng nông thôn và thành thị cần cả hệ thống chính trị vào cuộc; đặc biệt là phát huy vai trò của người dân vì đây chính là lực lượng quan trọng để thực hiện, chăm sóc, bảo vệ cây xanh, giữ gìn vệ sinh môi trường.
Xã Phú Thanh (H.Tân Phú) là địa phương thực hiện tốt nội dung “xanh” trong nhóm tiêu chí sáng - xanh - sạch - đẹp trong xây dựng NTM. Ông Cao Văn Đại, Chủ tịch UBND xã Phú Thanh chia sẻ, chăm sóc cây xanh không quá tốn kém về kinh phí nhưng đây là tiêu chí “mềm” rất khó thực hiện. Giải pháp là xã đã chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể cho từng đối tượng; tập trung rà soát lại các vùng đất hoang hóa, huy động mọi tầng lớp nhân dân, các đơn vị, địa phương tham gia trồng cây. Công tác trồng phải gắn liền với chăm sóc, bảo vệ, quản lý thì mới đạt kết quả. Đặc biệt quan trọng là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của cây xanh, của rừng vì nhân dân chính là lực lượng quan trọng trong chăm sóc, bảo vệ cây xanh. “Trong quá trình triển khai phải có phân loại, đánh giá, kiểm tra… về kết quả thực hiện. Cần biểu dương, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân thực hiện việc trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh” - ông Đại nói thêm.
Cùng quan điểm, một cán bộ Phòng NN-PTNT H.Cẩm Mỹ cho rằng, tại địa phương, diện tích đất nông nghiệp lớn nhưng diện tích đất rừng ít, rừng đầu nguồn chỉ còn khoảng 37ha. Theo đó, việc trồng rừng phân tán được thực hiện thường xuyên và cần quan tâm đến công tác chăm sóc để có tỷ lệ cây sống cao. Ở đây, vai trò của người dân là chủ yếu. Trong Bộ tiêu chí NTM 2021-2025, nội dung đánh giá tiêu chí cây xanh cần thực hiện hằng năm để đảm bảo tính hiệu quả.
Lê Quyên