Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng kịch bản cho phát triển ngành Giày dép

10:07, 20/07/2020

Dự báo của các chuyên gia kinh tế, nếu đại dịch Covid-19 trên thế giới giảm lây nhiễm trong tháng 7-2020, tổng kim ngạch xuất khẩu của giày dép Việt Nam năm nay ước đạt hơn 13,4 tỷ USD. Trường hợp đại dịch trên toàn cầu đến tháng 9-2020 mới giảm thì xuất khẩu giày dép sẽ đạt khoảng 11,3 tỷ USD.

Dự báo của các chuyên gia kinh tế, nếu đại dịch Covid-19 trên thế giới giảm lây nhiễm trong tháng 7-2020, tổng kim ngạch xuất khẩu của giày dép Việt Nam năm nay ước đạt hơn 13,4 tỷ USD. Trường hợp đại dịch trên toàn cầu đến tháng 9-2020 mới giảm thì xuất khẩu giày dép sẽ đạt khoảng 11,3 tỷ USD.

Doanh nghiệp giới thiệu giày dép tại hội nghị kết nối cung cầu tăng tiêu thụ nội địa. Ảnh: Khánh Minh
Doanh nghiệp giới thiệu giày dép tại hội nghị kết nối cung cầu tăng tiêu thụ nội địa. Ảnh: Khánh Minh

Hiện giá trị xuất khẩu của giày dép Việt Nam chiếm khoảng 15% giá trị xuất khẩu của giày dép toàn cầu. Việt Nam đang xếp thứ ba thế giới về sản xuất, xuất khẩu giày dép (chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ). Đồng thời, hơn 97% sản lượng giày dép sản xuất tại Việt Nam được xuất khẩu.

* Xác định lợi thế cho ngành

Việt Nam có rất nhiều lợi thế để phát triển ngành Giày dép trong tương lai, bởi nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết có độ bao phủ hơn 61% thương mại toàn cầu như: FTA Việt Nam - EU, CPTPP, Cộng đồng Kinh tế ASEAN... Hiện Hoa Kỳ và châu Âu là hai thị trường xuất khẩu giày dép lớn nhất của nước ta. Trong đó, thị trường Hoa Kỳ chiếm 36% sản lượng và giá trị của xuất khẩu giày dép vào thị trường châu Âu chiếm 27%.

Các doanh nghiệp giày dép liên tục mở rộng thị trường tiêu thụ và đã có hơn 100 nước mua giày dép từ Việt Nam. Đa số những thương hiệu giày lớn trên thế giới đã được sản xuất ở Việt Nam như: Nike, Adidas, Reebok, Puma, New Balance, Prada...

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày và túi xách Việt Nam cho biết: “Năng lực sản xuất giày dép của Việt Nam khá tốt, có thể sản xuất được các loại giày cao cấp nhất thế giới. Doanh nghiệp (DN) ngành Giày dép Việt Nam cũng rất chú trọng đầu tư công nghệ để hoàn thành những đơn hàng khó và nhanh chóng trong thời gian ngắn nên khách hàng rất vừa ý. Khả năng trong thời gian tới, sẽ có nhiều đơn hàng giày dép lớn được dịch chuyển về Việt Nam”.

Hiệp hội Da giày và túi xách Việt Nam cũng lên kịch bản cho việc tiếp nhận và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng giày dép toàn cầu. Mục tiêu hướng đến là chọn chuỗi cung ứng có giá trị gia tăng cao, phù hợp chiến lược phát triển quốc gia.

Ông Sibojyoty Chatterjee, Giám đốc Công ty TNHH Bata Việt Nam (TP.HCM) cho hay: “Việt Nam là điểm đến an toàn cho các thương hiệu giày dép quốc tế. Nhiều thương hiệu giày nổi tiếng thế giới đã lên kế hoạch tái cấu trúc chuỗi cung ứng và Việt Nam sẽ có các lợi thế để phát triển chuỗi cung ứng và công nghiệp hỗ trợ cho ngành này. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam có thể đạt 31 tỷ USD vào năm 2025”.

* Ngành Giày dép Đồng Nai phục hồi nhanh

Sản xuất và xuất khẩu giày dép của Việt Nam cũng như Đồng Nai trong thời gian tới, còn tùy thuộc rất lớn vào tình hình dịch bệnh Covid-19. Nếu thế giới khống chế dịch tốt không để bùng phát trở lại, kinh tế sẽ hồi phục nhanh hơn (trong đó có giày dép). Tại Đồng Nai sản xuất giày dép phục hồi nhanh hơn so với bình quân cả nước. Cụ thể trong 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam chỉ đạt 8,1 tỷ USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước, song tại Đồng Nai đạt hơn 2,14 tỷ USD, tăng hơn 6%.

Ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Taekwang Vina Industrial ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa) cho biết: “Sản xuất giày dép của công ty phục hồi khá tốt, đến nay hơn 30 ngàn công nhân đã trở lại làm việc bình thường”.

Các công ty sản xuất giày dép khác việc phục hồi tùy thuộc vào đơn hàng và thị trường, có nơi nhanh, nơi chậm. Hiện hai thị trường xuất khẩu lớn của Đồng Nai là châu Âu và Hoa Kỳ vẫn tương đối khó khăn vì thương mại tại các nước trên chưa trở lại bình thường. Tuy nhiên, giày dép của Đồng Nai đã xuất vào hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ nên những thị trường phục hồi nhanh, DN đẩy mạnh xuất khẩu.

Theo ông Lê Văn Lộc, Phó giám đốc Sở Công thương, giày dép là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Đồng Nai và có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất. Trong khi kim ngạch xuất khẩu giày dép cả nước tăng trưởng âm, nhưng Đồng Nai vẫn giữ được mức tăng trưởng dương là nỗ lực rất lớn của các DN. Các DN giày dép của Đồng Nai đa số gia công cho các thương hiệu giày lớn trên thế giới.

Theo Hiệp hội Da giày và túi xách Việt Nam thì muốn vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất nhanh, các DN phải có giải pháp, kế hoạch cụ thể, tái cơ cấu để đủ năng lực đón đầu, tiếp nhận dịch chuyển chuỗi cung ứng. Đồng thời, DN cũng phải làm chủ được khâu phát triển sản phẩm, kiểm soát được chuỗi cung ứng nguyên vật liệu. Ngoài ra, DN nâng cao năng lực quản trị qua ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ và cách mạng công nghiệp 4.0, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được các vị trí và chuẩn bị nguồn tài chính để chuẩn bị đầu tư cho giai đoạn mới.

Khánh Minh

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích