Sau trận chung kết SEA Games 2003 trên SVĐ QG Mỹ Đình vừa khánh thành mà Phạm Văn Quyến có bàn gỡ hòa 1-1 tuyệt đẹp ở phút 90+1, nhưng ĐT U.23 Việt Nam (VN) lại thua Thái Lan ở hiệp phụ (phút 96), cựu danh thủ Văn Sỹ Hùng hào hứng nói như hét vào tai tôi: "Tuyệt quá anh ạ, hãy tin đi từ giờ, với lứa cầu thủ này mình sẽ vượt qua Thái Lan!".
Sau trận chung kết SEA Games 2003 trên SVĐ QG Mỹ Đình vừa khánh thành mà Phạm Văn Quyến có bàn gỡ hòa 1-1 tuyệt đẹp ở phút 90+1, nhưng ĐT U.23 Việt Nam (VN) lại thua Thái Lan ở hiệp phụ (phút 96), cựu danh thủ Văn Sỹ Hùng hào hứng nói như hét vào tai tôi: “Tuyệt quá anh ạ, hãy tin đi từ giờ, với lứa cầu thủ này mình sẽ vượt qua Thái Lan!”.
Đúng một con giáp đã trôi qua kể từ sau trận chung kết đầy cảm xúc trong cái rét căm căm của mùa đông Hà Nội ấy, câu hỏi bao giờ bắt kịp người Thái vẫn là món nợ treo đó của BĐVN.
Bao giờ hết ngán Thái?
Trong vòng 2 thập kỷ qua, tính từ trận chung kết SEA Games 1995 - thời điểm BĐVN có chiếc huy chương đầu tiên sau khi hội nhập trở lại đấu trường khu vực - thua nặng nề 0-4 tại Chieng Mai, trong khuôn khổ các giải đấu chính thức ĐTQG cũng như U.23 VN và Thái Lan đã gặp nhau tổng cộng 20 lần, nhưng VN chỉ thắng đúng 2 lần (14 thua, 4 hòa). Đó là trận thắng 3-0 ở bán kết Tiger Cup 1998 (mà Văn Sỹ Hùng chính là người ấn định tỷ số) trên sân Hàng Đẫy khi vì nhiều lý do, hồi ấy ĐT Thái không mang sang VN lực lượng mạnh nhất, và đúng 10 năm sau ở AFF Cup 2008 là chiến thắng 2-1 trận bán kết lượt đi tại Rajamangala.
Đã 7 năm trôi qua VN, vẫn đi tìm kiếm chiến thắng thứ 3. Với riêng cá nhân HLV Toshya Miura, dù mới hơn 1 năm dẫn dắt ĐTVN cũng đã kịp nếm đủ trải nghiệm “xương máu” về mối thâm cừu trước đối thủ này khi chỉ trong vòng 3 tháng đã nhận 3 thất bại liên tiếp trước Thái Lan ở cả 2 cấp độ ĐT (giao hữu chuẩn bị vòng loại U.23 châu Á, U.22 VN thua 1-3; SEA Games 28, U.23 VN cũng thua 1-3 và lượt đi vòng loại World Cup 2018 ĐTQG thua 0-1).
Không thể phủ nhận khoảng cách về trình độ giữa 2 nền BĐ 10 năm trở lại đây đã thu ngắn đáng kể. Từ chỗ luôn thua dễ 3, 4 bàn, cứ hễ gặp Thái Lan là tim đập chân run, chưa đá đã hàng; cầu thủ VN đã tự tin (và vì cả... tự ái) dám chơi và chơi sòng phẳng, khiến kình địch phải kiêng dè, e ngại. Tuy nhiên, sự khác biệt về đẳng cấp xuất phát từ định hướng, cách làm của 2 nền BĐ vẫn là rõ rệt. Sau khi thống trị tuyệt đối Đông Nam Á với 8 chức vô địch SEA Games và 3 chức vô địch AFF Cup liên tiếp, không còn gì để chứng tỏ ở đấu trường khu vực, người Thái đã có khoảng thời gian dừng lại trong 5 năm (từ 2008-2012) để ngẫm nghĩ xem làm gì tiếp theo. Và mục tiêu mới họ vạch ra là tấn công vào tốp đầu châu lục.
Trong khi đó, BĐVN vẫn quay quắt với thành tích ở 2 giải đấu “ao làng” vì không thể thoát ra tư tưởng nhiệm kỳ của VFF. Nếu Bộ Kế hoạch - đầu tư đưa ra cái đích đến năm... 2069 kinh tế VN có thể bắt kịp Thái Lan thì trong lĩnh vực BĐ vẫn chưa có câu trả lời: bao giờ và làm gì để VN vượt qua Thái?
Nhưng có thể thắng trong 1 trận đấu
Sức hấp dẫn và thú vị của BĐ chính là không phải bao giờ đội mạnh hơn, đẳng cấp cao hơn cũng đương nhiên giành chiến thắng. BĐVN từng làm nên “những trận đấu không thể” như: cơn địa chấn tại Oman trước Hàn Quốc ở vòng loại Asian Cup 2014, thắng trước UAE, hòa Qatar tại VCK Asian Cup 2007... và cách đây 5 ngày thôi là trận suýt thắng Iraq. Với sự chênh lệch không quá lớn về trình độ cầu thủ, trong một trận đấu cụ thể, một hoàn cảnh, thời điểm cụ thể ĐTVN hoàn toàn có thể đánh bại Thái Lan nếu huy động được toàn thể sức mạnh cùng có cách chơi hợp lý.
Yếu tố rất quan trọng, có thể là quyết định kết quả cuộc thư hùng tối nay, là chủ nhà và ĐTVN cần phải thắng (nếu không sẽ coi như chấm dứt chiến dịch vòng loại World Cup, chỉ còn cơ hội ở Asian Cup), nhưng HLV Miura sẽ chọn cách tiếp cận trận đấu như thế nào cho các cầu thủ. Lao lên đánh phủ đầu, chấp nhận đấu tốc độ, công đối công với sở trường của đối phương; hay phòng ngự chặt chẽ rồi bung lên tổ chức phản công nhanh theo triết lý “nắm đấm xòe ra” mà HLV Calisto từng giúp VN đánh bại Thái Lan. Cũng như trước Iraq vừa qua, thực tế cứ chấp nhận cửa dưới ĐTVN lại dễ đá và thường chơi tốt so với phải chơi áp đặt trước các đối thủ yếu hơn. Tuy không thật nhanh nhạy, linh hoạt trong khả năng “đọc” và điều chỉnh chiến thuật trong trận đấu, nhưng HLV Miura cho thấy rất giỏi trong việc chuẩn bị, bày binh bố trận đầy bất ngờ. Trong một phát biểu, đại ý 3 trận toàn thua đã giúp ông rất “thấm” và hiểu về Kiatisuk cũng như ĐT Thái Lan, nhà cầm quân người Nhật tiết lộ đã có cách để không “quá tam ba bận”. Chưa ai biết đó là cách gì vì nó được chuẩn bị trong 2 buổi hoàn toàn tập kín, nhưng có cơ sở để hy vọng vì 3 thất bại trước của Miura và các học trò đều diễn ra bên ngoài lãnh thổ VN (trong đó có đến 2 trận ở Bangkok và một trên đất Singapore), đây mới là lần đầu tiên ĐTVN dưới triều đại HLV Miura nghênh đón Thái Lan trên sân nhà.
Minh Chung