Báo Đồng Nai điện tử
En

Đoàn thể thao Việt Nam tại ASG5: Rằng vui thì thật là vui!

10:07, 03/07/2013

Đại hội thể thao (ĐHTT) học sinh Đông Nam Á lần thứ 5-2013 (ASG5) đã khép lại với vị trí dẫn đầu tuyệt đối của đoàn TT học sinh nước chủ nhà - Việt Nam.

Đại hội thể thao (ĐHTT) học sinh Đông Nam Á lần thứ 5-2013 (ASG5) đã khép lại với vị trí dẫn đầu tuyệt đối của đoàn TT học sinh nước chủ nhà - Việt Nam. Từ mục tiêu vươn lên vị trí thứ nhì toàn đoàn, nhưng các VĐV học sinh Việt Nam đã giành 50 HCV (chiếm đến 40% số HCV của ĐH), 27 HCB, 23 HCĐ; bỏ xa đoàn xếp thứ nhì là Malaysia (25V, 30B, 30Đ) và thứ 3 là Thái Lan (24 HCV). Đây là thành tích rất đáng tự hào từ sự phấn đấu nỗ lực và tài năng của các VĐV trẻ; là kết quả của sự đầu tư, chuẩn bị nghiêm túc, chu đáo của ngành TDTT và GD-ĐT cho lần đầu tiên Việt Nam đăng cai ĐH.

Vũ Thị Ly (phải) đã giành HCV ở cự ly 800m nữ.                                                        Ảnh: T.L
Vũ Thị Ly (phải) đã giành HCV ở cự ly 800m nữ. Ảnh: T.L

Tuy nhiên, giới chuyên môn và dư luận không “cảm” được sự phấn khởi, lạc quan như những nhà quản lý. Đúng là chúng ta không hề vi phạm điều lệ, quy chế của ĐH cũng như Hội đồng thể thao học sinh Đông Nam Á, cũng đúng là các đoàn (trừ Singapore) cũng đều đưa đến những VĐV trong hệ thống đào tạo năng khiếu; nhưng có cần phải “lấy dao giết trâu đi mổ gà” như chúng ta? Một ĐH TT mà mục đích là tạo sân chơi để các học sinh trong khu vực giao lưu, học hỏi và giáo dục, nuôi dưỡng niềm đam mê TT, có cần phải cử những nhà á quân thế giới TDDC Lê Thanh Tùng (7 HCV), á quân châu Á bơi lội từng dự Olympic London 2012 Nguyễn Thị Ánh Viên (giành 8/9 HCV của môn bơi lội), tuyển thủ quốc gia điền kinh Nguyễn Thị Oanh (4 HCV), hay gần như cả đội tuyển trẻ pencak silat (năm nay lại không giới hạn số nội dung thi đấu của mỗi đoàn, nhờ đó chủ nhà thâu tóm tới 16 HCV ở môn mà Việt Nam đã làm “trùm” khu vực này)… Khi những Thanh Tùng, Ánh Viên thay vì tập trung cho cuộc tranh tài đỉnh cao tại ĐH TT trong nhà châu Á (đang diễn ra tại Incheon, Hàn Quốc) lại nán lại thi đấu với các đối thủ học sinh, cũng đồng nghĩa đã chiếm suất, tước mất cơ hội xứng đáng của các VĐV tiềm năng khác.

Càng khó vui khi khoảng cách giữa thành tích thống trị tại AGS5 và mặt bằng TT học đường - cái nền, gốc của TT đỉnh cao chuyên nghiệp, của TT Việt Nam là cả một nghịch lý. Dù đề án tổng thể phát triển tầm vóc, thể lực người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 đã được vạch ra nhưng có bao nhiêu trường học (cả đại học) trong cả nước hiện tại có hệ thống cơ sở vật chất dành cho việc tập luyện TT như mục tiêu giáo dục toàn diện “Đức - Trí - Thể - Mỹ” mà chúng ta đề ra? Trong khi đó, Singapore là đất nước có TT học đường phát triển nhất khu vực nhưng tại AGS5 vẫn hài lòng, hạnh phúc với 8 HCV khiêm tốn (chỉ xếp thứ 5), bởi theo ông Trưởng đoàn Tan Chor Pang, “giao lưu, học hỏi, vượt qua chính mình là chính”, chứ ăn thua thành tích gì ở sân chơi này. Nhưng với TT Việt Nam, điều đó dường như đã ăn vào máu mất rồi!

Trần Đỗ

 

Tin xem nhiều