Một lần nữa người ta thấy những người làm BĐ Việt Nam lại chạy theo đuôi thiên hạ. Từ chuyện “sốt ruột” trước thành tích của ĐT Singapore và Philippines nhờ làn sóng ngoại binh nhập tịch, đến “nóng mặt” trước việc Malaysia thống trị ở cả đấu trường SEA Games lẫn AFF Cup chỉ nhờ HLV nội, và bây giờ lại là “học tập” từ… Singapore, Malaysia thành lập một ĐT trẻ quốc gia tham gia thi đấu giải chuyên nghiệp trong nước.
Một lần nữa người ta thấy những người làm BĐ Việt Nam lại chạy theo đuôi thiên hạ. Từ chuyện “sốt ruột” trước thành tích của ĐT Singapore và Philippines nhờ làn sóng ngoại binh nhập tịch, đến “nóng mặt” trước việc Malaysia thống trị ở cả đấu trường SEA Games lẫn AFF Cup chỉ nhờ HLV nội, và bây giờ lại là “học tập” từ… Singapore, Malaysia thành lập một ĐT trẻ quốc gia tham gia thi đấu giải chuyên nghiệp trong nước. 2 bài học trước đã nhanh chóng chết yểu, ĐT Việt Nam “mở cửa” cho cầu thủ nhập tịch được đúng 2 trận đấu rồi “đóng” luôn mà không hề có một ý kiến chính thức, còn chủ trương dùng HLV nội coi như khai tử chỉ sau thất bại ở một giải đấu. Còn sáng kiến mới nhất này thì sao?
Nếu Tổng cục Thể dục thể thao và VFF không bao cấp kinh phí cho U.22 Việt Nam để dự V-League 2013, thì VPF có dám đứng ra lo toàn bộ? Ảnh: T.L |
Khoan nói đến những khó khăn, vướng mắc mà các đội cũng như dư luận đặt ra xung quanh tính khả thi của việc ĐT U.22 tham dự V-League, như: kinh phí nuôi đội bóng, ai chi, ai quản lý và hoạt động theo mô hình nào (theo quy định một đội bóng muốn chơi ở V-League phải chứng minh nguồn tài chính tối thiểu 35 tỷ đồng, mà một ĐTQG dù VFF quản lý nhưng do Tổng cục TDTT thành lập và kinh phí là từ ngân sách Nhà nước)? Các đội có chịu nhả quân khi các cầu thủ U.22 do CLB đào tạo, ký hợp đồng, trả lương và nay đến ngày hái quả thì lại không được sử dụng (như trường hợp thủ môn Thanh Diệp chỉ là dự bị ở tuyển U.22, nhưng là không người thay thế ở Đồng Nai), chưa kể còn là đối thủ?...
Không phủ nhận ý tốt của ý tưởng này khi nhắm đến lợi ích quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh BĐ Việt Nam trắng tay ở 2 kỳ SEA Games, AFF Cup liên tiếp và nguy cơ ĐT U.23 lại thất bại ở SEA Games 2013 là rất lớn. Tuy nhiên, những người đề xuất học tập theo cách làm của Singapore và Malaysia chỉ biết bắt chước mà quên sự khác biệt rất cơ bản giữa mô hình Young Lions và Harimau Muda của người Sing và Mã với ĐT U.22 Việt Nam được thành lập để thi đấu ở V-League 2013. Đó là Young Lions hay Harimau Muda là lứa cầu thủ do Liên đoàn BĐ quốc gia đào tạo, ăn tập, trưởng thành cùng nhau từ tấm bé; do liên đoàn trực tiếp quản lý nhưng được tổ chức theo mô hình một CLB chuyên nghiệp và tham gia giải đấu trong nước thường xuyên hàng năm. Còn ĐT U.22 Việt Nam (là U.23 vào năm sau) là tập hợp những cầu thủ trẻ tốt nhất do các CLB đóng góp và chỉ chơi một mùa giải V-League 2013 duy nhất nhằm “đối phó” với SEA Games vào cuối năm, cũng như “chữa cháy” để giải VĐQG có đủ chẵn 12 đội tham gia. Cho nên nếu cho rằng ĐT U.23 Việt Nam sẽ đạt thành tích tốt tại SEA Games 27 nhờ tham gia V-League là hoàn toàn không có cơ sở. Chớ “thấy ai ăn khoai, vác mai đi đào”, mà lại đào không đúng cách!
Đông Kha