Hôm nay 13-12, hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) sẽ diễn ra để xem xét những đề xuất của VPF về tổ chức mùa giải chuyên chuyên nghiệp 2013.
Hôm nay 13-12, hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) sẽ diễn ra để xem xét những đề xuất của VPF về tổ chức mùa giải chuyên chuyên nghiệp 2013. Tuy nhiên, theo phát biểu của Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Phạm Văn Tuấn (vừa được bầu kiêm Phó chủ tịch VFF) và Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ thì 2 “sáng kiến” của VPF: không có đội xuống hạng và ĐT U.22 tham dự V-League; hầu như chắc chắn sẽ không được chấp thuận.
V-League sẽ đi về đâu nếu như các cầu thủ thi đấu mà không có áp lực của việc phải tránh xuống hạng? Ảnh: T.L |
Về đề xuất để ĐT U.22 tham dự V-League 2013, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ nói rõ: Theo quy trình quản lý, ĐT U.22 không thuộc quyền quản lý của VPF cũng như VFF. Bất cứ hoạt động nào của ĐT phải được sự phê chuẩn của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch thông qua Tổng cục TDTT. “Tôi hiểu sự trăn trở của VPF đối với tương lai của ĐT U.22. Họ cũng muốn làm điều gì đó tốt nhất cho BĐ Việt Nam. Bản thân tôi cũng đang nung nấu những kế hoạch cho ĐT U.23 tại SEA Games 27 ở Myanmar vào năm tới. Tuy nhiên, tôi phải nhấn mạnh rằng, mọi đề xuất, quyết định phải đúng quy trình quản lý. VPF không thể đưa ra quyết định liên quan đến những đối tượng vốn không thuộc quyền quản lý của họ. Không phải cứ muốn, thấy cần thiết là có thể cho ĐT U.22 đá ở V-League. Bất cứ hoạt động nào của ĐT này đều phải nhận được sự cho phép của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch” - ông Hỷ chia sẻ.
Người đứng đầu VFF nói thêm: Ngoài việc xin phép các cơ quan cấp trên còn phải quan tâm đến phản ứng từ các đội bóng. “Không thể có chuyện, cứ thích là VPF, hay VFF có quyền nhấc người của CLB lên các ĐTQG. Người ta bỏ cả chục năm với biết bao công sức, tiền bạc mới đào tạo được một cầu thủ giỏi, giờ lại phải giao cho mình sử dụng miễn phí thì thiệt quá. Vì thế, nếu muốn ĐT U.22 tham dự bất cứ sân chơi nào thì cũng cần hỏi ý kiến các đội bóng” - ông Hỷ nhấn mạnh.
Một loạt những vướng mắc khác chắc chắn cũng sẽ được BCH VFF nêu ra tại hội nghị, như: nếu đưa ĐT U.22 tham dự V-League thì kế hoạch thực hiện sẽ ra sao? Đâu là sân nhà của U.22? Lấy đâu ra vài chục tỷ đồng để nuôi đội bóng?... Bởi chắc chắn, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch không thể có kinh phí vì kế hoạch tài chính cho các ĐTQG đã được thông qua, mặt khác, trong bối cảnh hiện nay việc tìm nguồn tài trợ là rất khó.
Theo đề xuất của VPF, ngày 23-2-2013 sẽ diễn ra trận tranh Siêu Cúp giữa SHB Đà Nẵng và Sài Gòn Xuân Thành. Một ngày sau, 24-2, mùa giải mới 2013 chính thức bắt đầu với lượt trận vòng 1/32 Cúp quốc gia. Giải hạng nhất chính thức khởi tranh vào ngày 2-3, còn V-League là ngày 3-3. Cả 2 giải không có đội xuống hạng nhưng giải hạng nhất có 1 đội lên hạng (thay U.22 Việt Nam) và có 3 đội hạng nhì lên hạng nhất (để con số hạng nhất mùa 2014 là 12 đội). |
Về đề xuất V-League và giải hạng nhất 2013 không có đội xuống hạng, ông Nguyễn Trọng Hỷ cũng phản bác: “Có ý kiến cho rằng, không quy định có đội xuống hạng nhằm giúp các đội bóng giảm áp lực về thành tích cũng như tiền bạc. Tuy nhiên, tôi lại quan niệm, giải thưởng dù cao bao nhiêu nhưng quy định không có đội xuống hạng thì bản thân các đội bóng, các cầu thủ sẽ mất đi động lực phấn đấu. Bởi khi ấy, ngoài 3 đội dẫn đầu, các vị trí còn lại là như nhau. Sự cạnh tranh lành mạnh giữa các đội bóng, các cầu thủ sẽ góp phần thúc đẩy sự hấp dẫn của giải đấu. Ngoài ra còn quyền lợi các nhà tài trợ. Nếu giải đấu thiếu hấp dẫn với dư luận thì nhà tài trợ sẽ không hài lòng và họ sẽ bỏ đi”.
“Vì thế, tại hội nghị, BCH VFF sẽ chính thức đưa ra kết luận đối với những đề xuất của VPF. Quan điểm của tôi là vẫn nên quy định có đội xuống hạng” - ông Hỷ khẳng định.
Dương Cầm