Trước những công kích của Chủ tịch CLB Thanh Hóa Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng, một người “mát tính” và “dĩ hòa vi quý” cũng “sốc” khi bày tỏ: “Ngày VPF thành lập, anh Đệ chính là một trong những người hăng hái ủng hộ nhất. Sao giờ thay đổi thái độ nhanh quá! Bóng đá Việt Nam (BĐVN) đang khó, lúc này không chung tay vực dậy thì thôi, cớ gì chia rẽ nhau”.
Trước những công kích của Chủ tịch CLB Thanh Hóa Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng, một người “mát tính” và “dĩ hòa vi quý” cũng “sốc” khi bày tỏ: “Ngày VPF thành lập, anh Đệ chính là một trong những người hăng hái ủng hộ nhất. Sao giờ thay đổi thái độ nhanh quá! Bóng đá Việt Nam (BĐVN) đang khó, lúc này không chung tay vực dậy thì thôi, cớ gì chia rẽ nhau”.
Pha đấu khẩu giữa bầu Đệ (trái) và Phó chủ tịch HĐQT Công ty VPF Đoàn Nguyên Đức tại hội nghị. |
Quả thực, ngay cả những thành viên không phải thuộc “nhóm các ông bầu VPF” cũng thật sự ngạc nhiên và cảm giác “bất bình thường” trước những phát biểu, thái độ quá gay gắt và phủ nhận sạch trơn (trong đó có phủ nhận cả chính mình) của ông Đệ. Do mối mâu thuẫn và bất bình cá nhân trước sự “lộng hành” của “bầu” Kiên, hay do từng là thành viên “nhóm G6” sáng lập VPF nhưng sau đó lại không có tên trong Hội đồng quản trị, lâu nay giờ mới có dịp bùng nổ? Hoặc do thực sự âu lo với vận mệnh của nền BĐ nước nhà, hay muốn làm một “Idol” mới sau “bầu” Kiên? và cũng có thể do có sự tác động từ ai đó khi nhận định đây là thời cơ không thể tốt hơn để phản kích và lấy lại vị thế, quyền hành?
Trước hết cần khẳng định, việc ra đời của VPF (hay một tổ chức mang tên gọi nào khác để điều hành các giải đấu) là xu thế phát triển tất yếu của BĐ chuyên nghiệp thế giới. Chỉ có điều tại VN, sự ra đời của VPF trong hoàn cảnh xung đột quá căng thẳng, nên dư luận có cảm giác đây là cuộc cách mạng, “chính biến” của các “ông bầu” với Liên đoàn BĐ quốc gia. Thực tế, cần công bằng, không nên quá khích phủ nhận sạch trơn mọi cố gắng, nỗ lực của VPF, nhất là tâm huyết, nhiệt tình của các “ông bầu” (kể cả “bầu” Kiên). Như nhiều chuyên gia BĐ và đội bóng thừa nhận, thực tế trong năm đầu tiên dù mọi thứ còn sơ khai, nhưng VPF đã làm được không ít việc; đặc biệt sự ra đời của tổ chức này đã mang lại làn gió mới, tạo nên những hiệu ứng tích cực cho nền BĐ.
Ý kiến cho rằng các “ông bầu” nên rút khỏi VPF để tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, đảm bảo tính công bằng, khách quan là lo ngại chính đáng. Tuy nhiên phải thấy rằng, ngoài nhân vật “khó hiểu” Nguyễn Đức Kiên, có thể khẳng định 2 “ông bầu” còn lại trong Hội đồng quản trị (HĐQT) là “bầu” Thắng và “bầu” Đức tham gia VPF là hoàn toàn xuất phát từ mong muốn sân chơi V-League - trong đó có đội bóng của mình được tốt hơn, trong đó chủ yếu có sự tác động, “lôi kéo” của “bầu” Kiên (ông Kiên phải mất 2 giờ thuyết phục và sau một đêm suy nghĩ, “bầu” Thắng mới nhận lời “đứng mũi chịu sào” làm chủ tịch). Với hàng chục năm làm BĐ, đầu tư biết bao tiền của, tâm sức và bận trăm công ngàn việc kinh doanh; chắc hẳn “bầu” Đức, “bầu” Thắng chẳng bao giờ nghĩ rằng “vào” VPF để tạo chút lợi cho CLB. Mà thực tế mùa giải vừa qua cũng chưa có biểu hiện cụ thể nào cho việc đội bóng của các “ông bầu” trong VPF được trọng tài ưu ái, ngoài việc 2 CLB Hà Nội và Hoàng Anh Gia Lai… không phải nhận thẻ đỏ(!?) Mô hình này cũng chẳng phải chưa có tiền lệ, trong số 19 thành viên thuộc HĐQT của công ty đang điều hành giải J-League (Nhật Bản), có đến 7 người là chủ tịch hoặc phó chủ tịch các CLB BĐ Nhật Bản, trong đó có cả chủ tịch HĐQT.
Là năm đầu tiên điều hành, nhưng xem ra VPF và các “ông bầu” đã sớm “nếm mùi” và hẳn phần nào thấm thía, đồng cảm với VFF trước đây. Với cái thế “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, trong bối cảnh phải lo lắng ngập đầu công việc kinh doanh trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay; có lẽ “bầu” Đức, “bầu” Thắng chẳng mặn mà gì với cái ghế ở VPF. Nhưng nếu họ rút lui như đề nghị của ông Đệ, điều gì sẽ xảy ra? Quay lại cái cũ hay là để người khác đứng tên chủ tịch CLB để… tránh tiếng, lại càng ngớ ngẩn.
Trong giai đoạn bất ổn và BĐ trong nước đang có nguy cơ ảnh hưởng lớn từ cuộc khủng hoảng kinh tế như hiện nay, càng cần phải có sự ổn định từ cấp thượng tầng quản lý, điều hành. VPF cần có thêm thời gian vận hành, đúc rút kinh nghiệm, hoàn chỉnh bộ máy chuyên nghiệp hơn. Vấn đề từ mùa giải tới, VPF cần phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, trên tinh thần tôn trọng VFF; đồng thời công ty cổ phần này cũng phải thật sự đảm bảo tính minh bạch, dân chủ, bình đẳng giữa các cổ đông; gắn bó mật thiết với các CLB, những nhân vật chính làm nên sân chơi các giải chuyên nghiệp.
Đông Kha