Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã hoan nghênh cuộc bỏ phiếu tại Ủy hội châu Âu, đồng thời tái khẳng định các cam kết của Moskva, trong đó có việc đóng phí thành viên cho hội đồng này.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã hoan nghênh cuộc bỏ phiếu tại Ủy hội châu Âu, đồng thời tái khẳng định các cam kết của Moskva, trong đó có việc đóng phí thành viên cho hội đồng này.
(Nguồn: EPA/EFE) |
Ngày 17-5, Ủy hội châu Âu (Council of Europe - CoE), tổ chức đi đầu trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người tại châu Âu, đã thông qua tuyên bố khôi phục quyền bỏ phiếu của Nga, sau khi bãi bỏ quyền này liên quan tới việc Nga sáp nhập trở lại Bán đảo Crimeacủa Ukraine hồi năm 2014.
Các ngoại trưởng của ủy hội gồm 47 nước thành viên đã bỏ phiếu hoàn toàn ủng hộ tuyên bố, trong đó nhấn mạnh toàn bộ thành viên phải được tham gia hai cơ quan chính của CoE trên cơ sở bình đẳng. Điều đó có nghĩa các quyền bỏ phiếu của Nga đã được khôi phục.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã hoan nghênh cuộc bỏ phiếu tại CoE, đồng thời tái khẳng định các cam kết của Moskva, trong đó có việc đóng phí thành viên cho hội đồng này.
Ông nhấn mạnh Nga coi trọng "đóng góp tích cực" của CoE trong việc giải quyết các vấn đề nhân đạo cũng như cải thiện hệ thống tư pháp của Moskva.
Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, tuyên bố Nga sẵn sàng hợp tác với Ủy hội châu Âu chừng nào Moskva "có tiếng nói công bằng" trong mọi cơ chế ra quyết định của cơ quan này.
Nga là thành viên của CoE từ năm 1996. Quan hệ song phương trở nên căng thẳng từ năm 2014 khi CoE tước nhiều quyền của phái đoàn Nga liên quan đến vấn đề Moskva sáp nhập Crimea.
Đến tháng 6/2017, Nga đã ngừng đóng phí hội viên của CoE, khiến cơ quan này gặp khó khăn tài chính khi quỹ hoạt động thiếu hụt 1,5 triệu euro. Thậm chí, giới chức Nga cảnh báo khả năng Moskva có thể rút khỏi CoE.
Vào tháng 4/2018, Tổng Thư ký CoE Turbiern Jagland tuyên bố nếu Nga không thực hiện nghĩa vụ tài chính trong vòng hai năm thì cơ quan điều lệ của tổ chức là hội đồng bộ trưởng có thể xem xét vấn đề khai trừ. Thời hạn có thể tiến hành việc này là tháng 6/2019.
CoE - thành lập năm 1949 - là một tổ chức quốc tế với tôn chỉ mục đích hành động là hướng tới việc hội nhập châu Âu, nhấn mạnh tới các tiêu chuẩn pháp lý, nhân quyền, dân chủ, pháp quyền và hợp tác thúc đẩy giao lưu văn hóa.
Ủy hội có 47 quốc gia thành viên với khoảng 830 triệu dân. CoE hoàn toàn khác biệt với Liên minh châu Âu (EU), dù hai tổ chức này cùng chia sẻ một số biểu tượng của châu Âu như cờ châu Âu./.
(TTXVN/Vietnam+)