Báo Đồng Nai điện tử
En

Nước Pháp với chính sách "xoay trục" sang khu vực châu Á

02:03, 29/03/2017

Chuyến công du nước ngoài cuối cùng của Tổng thống Pháp Francois Hollande trước khi rời Điện Elysée tới ba quốc gia Đông Nam Á lần này được coi là lời khẳng định rõ ràng của Paris đối với chính sách hướng Đông mà Pháp đang theo đuổi.

Chuyến công du nước ngoài cuối cùng của Tổng thống Pháp Francois Hollande trước khi rời Điện Elysée tới ba quốc gia Đông Nam Á lần này được coi là lời khẳng định rõ ràng của Paris đối với chính sách hướng Đông mà Pháp đang theo đuổi.
Tổng thống Pháp Francois Hollande. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Tổng thống Pháp Francois Hollande. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Những "điểm đến" mà nguyên thủ Pháp lựa chọn trước thềm cuộc bầu cử tổng thống ngày 23/4 tới chẳng những cho thấy Đông Nam Á nói riêng và châu Á-Thái Bình Dương nói chung có tầm quan trọng đặc biệt trong chính sách đối ngoại của Paris, mà còn là dấu hiệu rõ ràng khu vực này sẽ tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của ngoại giao Pháp trong thời gian tới.

Châu Á từng được coi là "khu vực bị lãng quên" của Pháp suốt một thời gian dài sau Chiến tranh thế giới thứ 2, khi Paris tập trung xây dựng châu Âu, hướng tới các nước láng giềng và coi khu vực châu Phi là ưu tiên trong chính sách đối ngoại.

Pháp ít để tâm tới châu Á do xem đây là khu vực ở xa ít gắn với lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, trong bối cảnh châu Á-Thái Bình Dương ngày càng trở thành trung tâm và động lực tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, các cường quốc trên thế giới, đặc biệt là Mỹ, đều đã "xoay trục" sang khu vực này, Paris đã thay đổi quan điểm khi nhận thấy thúc đẩy hợp tác với châu Á mang lại lợi ích đáng kể cho Pháp.

Tổng thống Pháp Francois Hollande, ngay khi lên nắm quyền tháng 5/2012, đã thể hiện mong muốn đa dạng hóa sự hiện diện của Pháp tại châu Á-Thái Bình Dương.

Chính sách “Đông tiến” của Pháp được thể hiện rõ trong phát biểu của cựu Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tại trụ sở Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2013: "Sự xoay trục về châu Á không phải là một hiệu ứng theo phong trào, mà vì Pháp muốn hiện diện ở một khu vực mà thế giới tương lai đang được xây dựng. Rõ ràng, châu Á-Thái Bình Dương sẽ là trung tâm của thế kỷ 21."

Trong chính sách đẩy mạnh xoay trục sang châu Á, Pháp cũng ngày càng xích lại gần Đông Nam Á. Pháp là nước đầu tiên của châu Âu tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) ở Đông Nam Á năm 2007.

Bước "xoay trục" của Pháp sang châu Á trong vài năm qua thể hiện rõ trên tất cả các lĩnh vực, từ ngoại giao, an ninh-quốc phòng tới kinh tế, văn hóa lẫn con người.

Tần suất các chuyến công du của Tổng thống Hollande tới châu Á tăng mạnh trong 5 năm qua, trong đó ba lần thăm Trung Quốc, hai lần thăm Ấn Độ và Nhật Bản. Đặc biệt, trong hai năm cuối nhiệm kỳ, người đứng đầu nước Pháp tập trung vào các đối tác ở Đông Nam Á như Việt Nam, Lào, Philippines, Singapore, Malaysia và Indonesia.

Ngoài ra, các quan chức cao cấp nhất, từ thủ tướng đến các bộ trưởng, cũng dồn dập tới thăm châu Á. Tất cả những động thái ngoại giao đó đã và đang giúp Pháp mở rộng ảnh hưởng và tạo nền tảng vững chắc trong quan hệ với châu Á và các quốc gia trong khu vực.

Sách Trắng về quốc phòng và an ninh quốc gia của Pháp dành một vị trí ưu tiên cho khu vực châu Á và kêu gọi Paris gia tăng gắn kết với châu lục này. Nước Pháp dưới thời Tổng thống Hollande đã thể hiện vai trò của mình trong khu vực bằng cách đẩy mạnh hợp tác chống khủng bố với các đối tác châu Á, thiết lập đối thoại 2+2 với Nhật Bản, tham gia tích cực một loạt diễn đàn an ninh khu vực, trong đó có Đối thoại Shangri-La ở Singapore, tăng cường hợp tác quốc phòng và thúc đẩy các hợp đồng cung cấp vũ khí...

Kinh tế luôn là "điểm sáng" trong quan hệ Pháp-châu Á. 1/5 cơ sở kinh doanh của Pháp ở nước ngoài đặt tại châu Á. Đây cũng là khu vực đem lại hơn một nửa tăng trưởng xuất khẩu của Pháp.

Riêng tại Đông Nam Á, hơn 1.500 doanh nghiệp Pháp đang hoạt động. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Pháp sang ASEAN tương đương với kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc.

Nếu không tính các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), ASEAN hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Pháp, sau Mỹ và Trung Quốc, xếp trên Nhật Bản. Ít nhất sáu nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, nằm trong danh sách khoảng 45 quốc gia và vùng lãnh thổ ưu tiên đối với xuất khẩu của Pháp.

Châu Á rõ ràng đang có một vị trí ngày càng quan trọng trong chiến lược của các doanh nghiệp Pháp. Sự hội nhập kinh tế ngày càng tăng của khu vực châu Á, triển vọng về các hiệp định thương mại tự do giữa EU và các nước châu Á... đang góp phần thúc đẩy sự năng động kinh tế của Pháp.

Văn hóa và giao lưu con người cũng đang tạo nên dấu ấn trong bước “xoay trục” của Pháp sang châu Á. Chưa bao giờ người Pháp lại hướng tới châu Á nhiều như hiện nay khi mà các cộng đồng người Pháp tại châu Á là những cộng đồng phát triển nhanh nhất trên thế giới. Hiện số người Pháp sống tại châu Á chiếm gần 9% dân số của Pháp tại nước ngoài.

Sinh viên Pháp tại các trường đại học châu Á ngày càng tăng, trong khi sinh viên châu Á (nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc hay Việt Nam) hiện đang theo học tại Pháp đạt tới con số 50.000 người.

Nhiều quốc gia Đông Nam Á như Campuchia, Lào và Việt Nam, là thành viên Cộng đồng Pháp ngữ và trở thành "cầu nối" gắn kết văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục... giữa Pháp với khu vực ASEAN nói riêng và châu Á nói chung…

Rõ ràng, chuyến thăm của Tổng thống Pháp tới Đông Nam Á lần này thể hiện mong muốn của cường quốc hàng đầu châu Âu đẩy mạnh tốc độ “xoay trục” sang châu Á cũng như xích lại gần hơn khu vực châu Á-Thái Bình Dương, một trong những trọng tâm chiến lược trên “bàn cờ” ngoại giao của Pháp./.
(TTXVN/VIETNAM+)

 

Tin xem nhiều