Với 439 phiếu thuận, 119 phiếu chống và 40 phiếu trống, Quốc hội Đức ngày 17/7 đã nhất trí thông qua kế hoạch nối lại các cuộc đàm phán chi tiết về gói cứu trợ tài chính thứ ba trị giá 86 tỷ euro (94 tỷ USD) mà các chủ nợ châu Âu dành cho Hy Lạp theo một thỏa thuận mà các bên đã đạt được tại Brussels hồi đầu tuần.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeubl tại phiên bỏ phiếu của Quốc hội Đức về kế hoạch cứu trợ mới với Hy Lạp. (Nguồn: AFP) |
Trước đó, Thủ tướng Angela Merkel đã đứng trước “thử thách” trong việc kêu gọi các nhà lập pháp của Đức ủng hộ gói cứu trợ thứ ba dành cho Athens, sau khi Nhóm các bộ trưởng tài chính Khu vực sử dụng đồng euro (Eurogroup) đã thông qua việc khởi động đàm phán chương trình cứu trợ cho nước này và đồng ý cấp khoản vay bắc cầu ngắn hạn.
Tuy vậy, Quốc hội Đức cùng quốc hội một số quốc gia khác thuộc Liên minh châu Âu (EU) cần phải thông qua thỏa thuận về nợ của Hy Lạp để chiếc “phao cứu sinh” này có thể thực hiện.
Thủ tướng Merkel và Bộ trưởng Tài chính Đức theo đường lối cứng rắn Wolfgang Schaeuble đã bị chỉ trích gay gắt vì cương quyết buộc Hy Lạp phải tiếp tục thực hiện các biện pháp kinh tế “thắt lưng buộc bụng.” Tuy nhiên, tại Đức lại có ý kiến cho rằng Berlin đã quá mềm mỏng với Hy Lạp và đang bắt người nộp thuế tại nước này phải bỏ ra hàng tỷ USD mà họ nhiều khả năng sẽ không thể lấy lại.
Ngày 16/7, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã nâng mức hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp (ELA) cho Hy Lạp lên thêm 900 triệu euro từ mức 89 tỷ euro được ấn định từ cuối tháng Sáu. Điều này có nghĩa là hệ thống ngân hàng nước này sẽ có thể mở cửa trở lại vào ngày 20/7 tới sau ba tuần phải đóng cửa.
Bên cạnh đó, Ủy ban châu Âu (EC) cũng nhất trí về mặt lý thuyết để cung cấp cho Athens khoản vay bắc cầu trị giá 7 tỷ euro (7,6 tỷ USD) có thời hạn trong ba tháng, nhằm giúp kinh tế nước này “đứng vững” cho đến khi gói cứu trợ mới được phê chuẩn./.
(TTXVN/VIETNAM+)