Trong một bước đi phản ánh tầm quan trọng của các hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đối với nền kinh tế hàng đầu thế giới, ngày 25/3, một loạt cựu Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ đã cùng ký thư hối thúc Quốc hội nước này trao quyền đàm phán nhanh cho chính quyền của Tổng thống Barack Obama.
Trong một bước đi phản ánh tầm quan trọng của các hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đối với nền kinh tế hàng đầu thế giới, ngày 25/3, một loạt cựu Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ đã cùng ký thư hối thúc Quốc hội nước này trao quyền đàm phán nhanh cho chính quyền của Tổng thống Barack Obama.
Ảnh minh họa. (Nguồn: collective-evolution.com) |
10 cựu Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ, từ thời Tổng thống Jimmy Carter (1977-1981) tới thời Tổng thống George W. Bush (2001-2008), cả của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ, hối thúc Quốc hội thông qua dự luật trao "Quyền thúc đẩy thương mại" (TPA), thường gọi là quyền đàm phán nhanh, cho Tổng thống Obama.
Bức thư khẳng định TPA là chìa khóa cho việc thương lượng thành công các hiệp định thương mại tự do mới, góp phần gia tăng xuất khẩu và tạo công ăn việc làm cho người lao động Mỹ. TPA sẽ giúp cho các doanh nghiệp Mỹ quyền tiếp cận dễ dàng hơn đối với 95% người tiêu dùng sống bên ngoài lãnh thổ nước này.
Việc phê chuẩn TPA còn phản ánh mục tiêu chung của cơ quan hành pháp và cơ quan lập pháp Mỹ trong việc thương thảo các hiệp định mở cửa thị trường nước ngoài cho hàng hóa và dịch vụ của Mỹ. Đây cũng có thể coi là một tiến trình tham vấn mang tính liên tục giữa Tổng thống và Quốc hội trước khi cơ quan lập pháp phê chuẩn hoặc bác bỏ một hiệp định thương mại.
Theo bức thư của các cựu Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ, trên thực tế, TPA đã được trao cho tất cả các tổng thống nước này kể từ thời Franklin Roosevelt (1933-1945).
Phát biểu trong cuộc họp báo khi nhóm cựu Bộ trưởng Nông nghiệp công bố bức thư này, cả đương kim Bộ trưởng Nông nghiệp Tom Vilsack và hai cựu Bộ trưởng Nông nghiệp Dan Glickman và Ann Veneman đều nhấn mạnh TPA càng có ý nghĩa quan trọng khi Mỹ và 11 đối tác Thái Bình Dương đang trong giai đoạn hoàn tất đàm phán TPP để đạt tới một hiệp định tốt nhất có thể được.
Một khi được ký kết, TPP sẽ cho phép các doanh nghiệp Mỹ gia tăng quan hệ với thị trường chiếm hơn 40% kinh tế thế giới này. Châu Á-Thái Bình Dương cũng là khu vực được xác định có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển của kinh tế Mỹ trong thế kỷ 21. TPA cũng sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ đàm phán giữa Mỹ với Liên minh châu Âu về Hiệp định đối tác đầu tư và thương mại (TTIP).
Năm 2014 là năm thứ 5 liên tiếp kim ngạch xuất khẩu của Mỹ tăng mạnh, đạt 2.340 tỷ USD, hỗ trợ cho 11,7 triệu việc làm tại hơn 300.000 công ty trong nước, trong đó 98% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Lương bổng của lao động Mỹ trong lĩnh vực xuất khẩu năm ngoái cao hơn 18% so với lao động của các ngành nghề không liên quan tới xuất khẩu.
Ngày 24/3, phát biểu tại hội nghị "Lựa chọn Mỹ" (SelectUSA) - một sự kiện được tổ chức 2 năm một lần theo sáng kiến của chính quyền Obama từ năm 2011 nhằm thúc đẩy đầu tư vào Mỹ - Ngoại trưởng John Kerry cho rằng để thúc đẩy tăng trưởng và thịnh vượng toàn cầu, điều đầu tiên mà Mỹ cần làm là hoàn tất các thỏa thuận thương mại tự do và các hiệp định đầu tư song phương mà nước này đang đàm phán.
Ông Kerry và cả Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew đều hối thúc Quốc hội trao cho Nhà Trắng quyền thúc đẩy các thỏa thuận thương mại.