Báo Đồng Nai điện tử
En

Thế giới trước quyết định từ nhiệm của Giáo hoàng

12:02, 13/02/2013

Các nhà lãnh đạo thế giới, các nhân vật hàng đầu của Giáo hội Công giáo cùng nhiều cộng đồng tôn giáo khác đã vinh danh Giáo hoàng Benedict XVI sau khi ngài công bố quyết định sẽ từ nhiệm vào ngày 28/2 tới vì lý do sức khỏe và tuổi tác.

Giáo hoàng Benedict XVI (giữa) trong cuộc họp hội đồng giáo chủ tại Tòa thánh Vatican ngày 11/2. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Các nhà lãnh đạo thế giới, các nhân vật hàng đầu của Giáo hội Công giáo cùng nhiều cộng đồng tôn giáo khác đã vinh danh Giáo hoàng Benedict XVI sau khi ngài công bố quyết định sẽ từ nhiệm vào ngày 28/2 tới vì lý do sức khỏe và tuổi tác. 

Mặc dù thông báo trên đã gây sốc cho cộng đồng người Công giáo và toàn thế giới, song tất cả đều dành những lời tôn trọng nhất ca ngợi thành tựu của Giáo hoàng. 

Thủ tướng Italy Mario Monti: "Tôi rất tôn trọng quyết định của Đức Giáo hoàng Benedict XVI. Tôi chắc chắn rằng quyết định này xuất phát từ ý chí phục vụ Giáo hội đến cùng và để đảm bảo rằng Giáo hội sẽ được hướng dẫn kiên định như vậy trong tương lai. Tôi sẽ trân trọng ghi nhớ khoảnh khắc cảm động về cuộc đối thoại cá nhân gần gũi mà Đức Thánh Cha đã đồng ý để hỗ trợ cam kết của tôi với chính phủ."

[links(left)]Thủ tướng Đức Angela Merkel đánh giá Giáo hoàng Benedict XVI là một trong những nhà tư trưởng tôn giáo quan trọng nhất của thời đại và ngài xứng đáng "được tôn kính" và "nhớ ơn" vì những gì Ngài đã làm trong gần 8 năm qua trên cương vị người đứng đầu nhà thờ Thiên chúa giáo. 

Chính phủ Đức rất kính trọng Đức Thánh Cha, kính trọng những thành tựu của ông cũng như cả cuộc đời dâng hiến cho Giáo hội Công giáo. Trong khi đó, Thủ tướng Pháp Francois Hollande cũng ca ngợi quyết định của Giáo hoàng Benedict XVI là rất đáng được kính trọng. 
 
Thủ tướng Anh David Cameron cho rằng: "Đức Giáo hoàng Benedict đã làm việc không mệt mỏi để tăng cường quan hệ của nước Anh với Tòa Thánh. Chuyến thăm của ngài đến Anh vào năm 2010 được nhớ đến với sự kính trọng và tình cảm. Ngài sẽ được ghi nhớ như là một nhà lãnh đạo tinh thần cho hàng triệu người."

Lãnh đạo tinh thần của Giáo hội Anh bày tỏ: "Trái tim ông cảm thấy nặng trĩu sau khi biết quyết định thoái vị của Đức Giáo hoàng. Trong tuyên bố gửi cộng đồng Giáo hội Anh, Tổng Giám mục của Canterbury Justin Welby nói rằng ông hoàn toàn đồng cảm với quyết định của Đức Giáo hoàng Benedict XVI rời khỏi công việc mà Đức Giáo hoàng đã đảm đương với “tư cách, nhận thức và sự can đảm tuyệt vời.”

Tổng Giám mục Welby cầu xin Thiên Chúa ban phước cho Đức Giáo hoàng trong thời gian về hưu, và cho những người được ủy thác nhiệm vụ lựa chọn người kế vị.

Đức Hồng y Keith O'Brien của Scotland: "Cũng như nhiều người trên khắp thế giới, tôi đã bị sốc và đau buồn khi nghe quyết định từ chức của Đức Giáo hoàng Benedict XVI. Tôi biết rằng quyết định của ngài đã được cân nhắc cẩn thận nhất và quyết định đó đã đến sau nhiều cầu nguyện và suy tư."

Phát ngôn viên Vatican, Cha Federico Lombardi nêu rõ: "Chắc chắn bạn sẽ có nhiều câu hỏi nhưng tôi tin rằng chúng tôi sẽ cần ít ngày để lấy lại quân bình vì thông báo này đã làm tất cả chúng tôi rất đỗi ngạc nhiên."

Tổng Giám mục Westminster Vincent Nichols bày tỏ: "Công bố của Đức Giáo hoàng Benedict XVI ngày hôm nay (11/2) đã gây sốc và ngạc nhiên cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, tôi chắc chắn rằng nhiều người sẽ nhận ra đó là một quyết định can đảm tuyệt vời và rõ nét đặc trưng trong tâm trí và hành động. Tôi cúi chào lòng dũng cảm và quyết định của ngài."

Tổng Giám mục New York, Hồng y Timothy Dolan - Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ nêu rõ: "Đức Thánh Cha đã mang trái tim dịu dàng của một mục tử, một khối óc sắc bén của một học giả và sự tự tin từ một con tim được kết hợp với Thiên Chúa trong tất cả những gì ngài đã thực hiện. Việc từ chức của ngài là một dấu hiệu của sự chăm sóc tuyệt vời của ngài cho Giáo hội. Chúng ta buồn vì ngài từ chức nhưng biết ơn đối với gần 8 năm lãnh đạo vị tha của người kế vị Thánh Phêrô."

Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết ông và phu nhân cảm tạ sự phục vụ của Đức Giáo hoàng và dành lời cầu nguyện của họ cho Ngài. Trong một tuyên bố cùng ngày, ông Obama lưu ý rằng giáo hội Công giáo đóng một vai trò quan trọng tại Mỹ và thế giới, và ông cầu chúc mọi điều tốt nhất cho những vị sắp nhóm họp để chọn người kế nhiệm Đức Giáo hoàng.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner thuộc đảng Cộng hòa, tuyên bố quyết định của Ðức Giáo hoàng “chứng tỏ sự khiêm cung khác thường và tình yêu đối với Giáo hội.”

Tại Trung Đông, Trưởng giáo sỹ Do Thái giáo của Israel, Yona Metzger, nói rằng Đức Giáo hoàng Benedict XVI đã cải thiện mối quan hệ giữa Do Thái giáo và Kitô giáo, điều đó đã giúp giảm bớt phong trào bài Do Thái trên khắp thế giới. Ông hy vọng người kế nhiệm sẽ tiếp bước những hoạt động của Đức Giáo hoàng.

Phát ngôn của Tổng thống Philippines Edwin Lacierda khẳng định: "Quyết định của Đức Giáo hoàng Benedict XVI là quyết định lịch sử, cùng với sự khiêm tốn và cách thi hành nhiệm vụ mà ngài đặt làm cốt lõi trong việc phục vụ của ngài trên cương vị Giáo hoàng. Cầu chúc ngài có được thời gian nghỉ ngơi, sự an bình và toại nguyện trong việc nghỉ hưu khép kín của ngài."

Người phát ngôn của Hội đồng Giám mục Công giáo Nam Phi, Tổng Giám mục William Slattery của Pretoria nói: "Chúng tôi muốn bày tỏ lòng ngưỡng mộ của chúng tôi cho sứ vụ và lòng can đảm của ngài phải đối mặt với những hạn chế do tuổi tác của ngài. Chúng tôi muốn cầu nguyện cho Đức Giáo hoàng Benedict XVI và Giáo hội."

Quyết định từ chức của Giáo hoàng Benedict XVI cũng đồng nghĩa với việc các hồng y giáo chủ sẽ phải tiến hành một hội nghị để bầu một giáo hoàng mới. Tòa thánh Vatican dự kiến sẽ tổ chức bầu giáo hoàng mới vào trước lễ Phục Sinh, có thể là trong 15 đến 20 ngày tới. 

Tuy nhiên, trước khi đưa ra quyết định trên, Giáo hoàng Benedict XVI đã sửa đổi cách thức lựa chọn người kế nhiệm cho mình để đảm bảo vị Giáo hoàng mới có thể nhận được sự ủng hộ lớn nhất. 

Theo quy định này, Giáo hoàng mới sẽ được chọn khi có đủ 2/3 số hồng y trong hội nghị của đoàn giáo chủ lựa chọn, bất kể phải trải qua bao nhiêu vòng bầu cử. Như vậy "chiếu chỉ" của Giáo hoàng Benedict XVI đã đảo ngược lại cách thức lựa chọn của người tiền nhiệm, Giáo hoàng John Paul II, được ban hành năm 1996./. 
TTXVN

 

Tin xem nhiều