Báo Đồng Nai điện tử
En

Đổi thay ở làng hoa Trung Sơn

09:02, 10/02/2022

Thêm một mùa Xuân vui với đồng bào dân tộc Chơro dưới chân núi Gia Lào (thuộc ấp Trung Sơn, xã Xuân Trường, H.Xuân Lộc) khi hoa được giá. Nhờ trồng hoa Tết, đồng bào dân tộc Chơro trong ấp có thu nhập khá hơn, đời sống không ngừng được nâng cao.

Thêm một mùa Xuân vui với đồng bào dân tộc Chơro dưới chân núi Gia Lào (thuộc ấp Trung Sơn, xã Xuân Trường, H.Xuân Lộc) khi hoa được giá. Nhờ trồng hoa Tết, đồng bào dân tộc Chơro trong ấp có thu nhập khá hơn, đời sống không ngừng được nâng cao.

Ruộng hoa của đồng bào Chơro ở ấp Trung Sơn những ngày cuối tháng Chạp năm 2021. Ảnh: Đoàn Phú
Ruộng hoa của đồng bào Chơro ở ấp Trung Sơn những ngày cuối tháng Chạp năm 2021. Ảnh: Đoàn Phú

Trưởng ấp Trung Sơn Nguyễn Xuân Mạnh khoe: “Cứ mỗi độ Xuân về, ấp Trung Sơn lại rực rỡ sắc hoa. Hoa không chỉ sớm xóa tan cái nghèo của đồng bào mà còn khoe bày sự sung túc, phát triển của cả một vùng đất rộng lớn”.

* Trồng hoa dưới chân núi Gia Lào

Năm nào cũng vậy, dưới chân núi Gia Lào, vợ chồng ông Văn Thương (người dân tộc Chơro, ngụ tổ 6, ấp Trung Sơn) dọn đất trồng 1,5 sào hoa vạn thọ, cúc, lay-ơn (dơn). Nhà có bao nhiêu đất, vợ chồng ông dành hết trồng hoa Tết. Nhờ vậy, Xuân nào gia đình ông cũng dư được 40-50 triệu đồng từ vụ hoa.

Nông dân Văn Lành (người dân tộc Chơro, ngụ tổ 4, ấp Trung Sơn) chỉ vào những khu đất không có màu xanh của hoa phân bua, đất bỏ hoang cho cỏ cháy vụ đông - xuân là đất xấu, đất ruộng cao, không thích hợp với cây hoa và cả cây bắp vì thiếu nước tưới. Còn lại gần 15ha là ruộng màu mỡ, đảm bảo nguồn nước và điện cho tưới tiêu nên quanh năm xanh màu cây trồng.

Ông Lành nhẩm tính, 1 sào trồng hoa cho lãi từ 25-30 triệu đồng/vụ, trồng bắp chỉ lãi 4-5 triệu đồng/vụ, trồng rau ăn lá lãi hơn trồng bắp một chút. Chính vì vậy, 20 năm qua, vào những ngày Xuân, khu định canh - định cư Trung Sơn đều rực sắc hoa và hoa làm thay đổi tư duy sản xuất, nếp sống của đồng bào dân tộc Chơro. “Ngoài trồng hoa Tết cho thu nhập cao, 3 năm trở lại đây, nhiều hộ đồng bào Chơro của mình mạnh dạn chuyển hướng chuyên canh về hoa, chủ động tạo nguồn giống tại chỗ để giảm chi phí và không phải lên TP.Đà Lạt mua giống về trồng như những năm về trước nữa” - ông Lành khoe.

Nhà có 7 sào đất, ông Tòng Văn Út (ngụ tổ 6, ấp Trung Sơn) chỉ trồng vỏn vẹn 1 sào hoa, 6 sào còn lại ông trồng bắp vụ đông - xuân. Ông Út bộc bạch, ông rất muốn trồng thật nhiều hoa trong vườn để vừa có tiền tiêu Tết, vừa làm đẹp cho làng. Nay giá phân bón và giống cao, mỗi sào hoa đầu tư gần 25 triệu đồng nên ông chưa mạnh dạn. Nhất là tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn, ông sợ trồng hoa nhiều mà không có người mua sẽ càng khó khăn hơn. Nào ngờ năm nay hoa được giá, ông thấy tiếc hùi hụi.

Trẻ em ở làng hoa Trung Sơn (xã Xuân Trường, H.Xuân Lộc) phụ cha mẹ thu hoạch hoa. Ảnh: Đoàn Phú
Trẻ em ở làng hoa Trung Sơn (xã Xuân Trường, H.Xuân Lộc) phụ cha mẹ thu hoạch hoa. Ảnh: Đoàn Phú

Ở ấp Trung Sơn, nông dân chỉ trồng hoa trực tiếp trên ruộng, không trồng trong chậu và đồng bào Chơro chỉ quen với những giống hoa truyền thống, kỹ thuật chăm sóc chưa cao như: thọ, cúc, mào gà, lay-ơn và thị trường tiêu thụ trong huyện, trong tỉnh nên người dân địa phương vẫn hy vọng được chính quyền hỗ trợ thêm về vốn, kỹ thuật và cả địa điểm bán hoa ngày Tết khi thương lái không thu mua hết vườn hoa của họ.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn hoa của đồng bào dân tộc Chơro dưới chân núi Chứa Chan, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Trường Lương Minh Tân cho biết, ấp Trung Sơn có 70 hộ đồng bào dân tộc Chơro, đồng bào sinh sống và sản xuất tập trung tại tổ 6 trong ấp. Nhờ trồng hoa, cùng với các chính sách quan tâm đầu tư về vốn, kỹ thuật trồng trọt, điện, đường, nhà ở, việc làm…; đặc biệt, tư duy sản xuất của đồng bào trong khu định canh - định cư giờ bắt nhịp được với người Kinh nên cuộc sống thay đổi qua từng mùa Xuân. Sự chuyển mình của địa phương ngày càng rõ nét qua sự thành công của phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và sắp tới là nông thôn mới kiểu mẫu.

* Đời sống nâng cao nhờ trồng hoa

Qua những ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, những ruộng hoa vạn thọ, cúc, lay-ơn, mào gà của nông dân ấp Trung Sơn chỉ còn là khu đất trống đầy dấu chân. Sau vụ hoa Tết, ông Văn Thương nhẩm tính các khoản chi phí cần phải thanh toán, chi tiêu cũng như tiếp tục đầu tư thêm cho vụ hoa sau Tết...

Ông Thương tâm sự, ngoài vụ hoa Tết, ông còn dành ít đất trong vườn trồng hoa bán ngày thường, ngày lễ; đồng thời, từng bước phục hồi lại vườn tiêu, chăn nuôi thêm bò để đa dạng cây trồng, vật nuôi với mong muốn sớm có nguồn thu nhập cao hơn.

Hòa chung niềm vui với đồng bào Chơro ở ấp Trung Sơn khi cây hoa được mùa, được giá, ít sâu bệnh, Trưởng ấp Trung Sơn Nguyễn Xuân Mạnh bộc bạch, ông sẽ tiếp tục cùng đồng bào Chơro, chi bộ ấp, chính quyền xã nỗ lực đưa cây hoa là cây trồng chủ lực vào dịp Tết của nông dân tại các tổ 5, 6 và 7 trong ấp vào những năm tới. 

Cũng theo ông Mạnh, nhờ mạnh dạn tăng vụ, thay đổi cây trồng, ấp Trung Sơn trở thành nơi chuyên canh hoa bán Tết lớn nhất H.Xuân Lộc. Thu nhập từ việc trồng hoa đã từng bước cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc Chơro sinh sống nơi đây. Nhờ trồng hoa, nhiều gia đình đã xây được nhà ở khang trang, mua sắm các vật dụng gia đình có giá trị, chung sức cùng địa phương trong xây dựng nông thôn mới bằng việc đóng góp tiền, đất, công lao động lên đến hàng trăm triệu đồng.

Hoa thọ và lay-ơn được đồng bào Chơro ở ấp Trung Sơn trồng phổ biến tại những chân ruộng tốt. Ảnh: Đoàn Phú
Hoa thọ và lay-ơn được đồng bào Chơro ở ấp Trung Sơn trồng phổ biến tại những chân ruộng tốt. Ảnh: Đoàn Phú

Bà Điểu Thị Nhung (ngụ ấp Trung Sơn) cho hay, nghề trồng hoa bán dịp Tết của người dân tộc Chơro xuất hiện từ năm 1990. Thời gian đầu, việc vận động đồng bào đưa cây hoa trồng vụ đông - xuân không dễ. Nhờ sự nỗ lực của chính quyền và quyết tâm thay đổi tư duy của một vài hộ đồng bào tiên phong như: Văn Thương, Văn Sang, Tòng Văn Út, Văn Thành… nên mới được như hôm nay. Tuy mỗi hộ chỉ có vài sào đất trồng hoa nhưng khi kết thúc vụ hoa họ cũng dư được vài chục triệu đồng/sào. Thời gian đầu, đó là số tiền lớn nên ai cũng phấn khởi, rủ nhau trồng. 

Cũng theo bà Nhung, hiện tại kinh nghiệm, kỹ thuật trồng hoa vụ Tết của đồng bào Chơro trong ấp đã có nhiều tiến bộ. Vì vậy, để tiết giảm chi phí và chủ động giống hoa, nhiều nhà vườn trồng hoa ở ấp Trung Sơn đã tự nhân giống hoa lay-ơn thay vì phải nhập từ tỉnh Lâm Đồng. Chất lượng hoa vẫn không thua kém khi nhập giống từ tỉnh Lâm Đồng mà còn tiết kiệm được khoảng 1/3 chi phí tiền giống. Bên cạnh đó, địa phương cũng thành lập được tổ hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ hoa để người trồng hoa hỗ trợ nhau kỹ thuật, kinh nghiệm, nơi tiêu thụ, kho lạnh bảo quản giống.

Phó chủ tịch UBND xã Xuân Trường LƯƠNG MINH TÂN bày tỏ, với đồng bào dân tộc Chơro ở khu tái định canh - định cư ấp Trung Sơn, năm nào cũng vậy, mùa Xuân là mùa được đồng bào kỳ vọng, gửi gắm vào hoa. Hoa càng khoe sắc, được giá, tiêu thụ hết thì đó là năm thành công, no đủ.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều