Báo Đồng Nai điện tử
En

Mùa thuốc lá...

09:01, 13/01/2022

Những ngày đầu năm 2022, nhiều chòi rẫy nơi vùng đất đá ấp Võ Dõng 3 (xã Gia Kiệm, H.Thống Nhất) điện sáng khắp sân, tiếng nói cười, giậm chân thình thịch của nhóm thợ xắt, đạp thuốc lá kéo dài cho tới sáng.

Những ngày đầu năm 2022, nhiều chòi rẫy nơi vùng đất đá ấp Võ Dõng 3 (xã Gia Kiệm, H.Thống Nhất) điện sáng khắp sân, tiếng nói cười, giậm chân thình thịch của nhóm thợ xắt, đạp thuốc lá kéo dài cho tới sáng.

Thuốc lá sau khi xắt xong được sắp lên líp tre, dùng chân đạp cho tứa nhựa rồi phơi sương, phơi nắng. Ảnh: Đoàn Phú
Thuốc lá sau khi xắt xong được sắp lên líp tre, dùng chân đạp cho tứa nhựa rồi phơi sương, phơi nắng. Ảnh: Đoàn Phú

Nông dân trồng thuốc lá Năm Hận (60 tuổi, ngụ ấp Võ Dõng 3, xã Gia Kiệm) cho biết, đầu tháng Chạp hằng năm, thuốc lá bắt đầu cho thu hoạch và kéo dài tới tháng 2 năm sau. Vào mùa thuốc, hễ sân vườn nhà nào điện sáng trưng, tiếng người ồn ào thì nơi đó đang xắt thuốc lá.

* Niềm vui trúng mùa

Nghe dự báo thời tiết, những ngày cận Tết Nhâm Dần 2022, trên địa bàn tỉnh không xảy ra mưa trái mùa, nhiệt độ ban ngày từ 35-370C, về đêm 22-230C, đó là thời tiết lý tưởng mà người trồng thuốc lá ở ấp Võ Dõng 3 mong đợi.

Ông Năm Hận hồ hởi khoe, năm nay thời tiết rất thuận lợi nên 1,2ha thuốc lá của ông và phần lớn vườn thuốc lá của nông dân trong ấp, xã đều sinh trưởng, phát triển tốt, không bị sâu bệnh. Cái thứ nhựa rin rít bám vào da thịt và những bộ đồ lao động của dân hái thuốc càng nhiều thì đêm đó sương dày, chất lượng lá thuốc sẽ tốt hơn.

Cũng theo ông Năm Hận, năm nay nông dân xã Gia Kiệm chỉ xuống giống được chừng 20ha thuốc lá. Diện tích trồng thuốc 3 năm qua liên tục giảm vì đất trồng màu ở những vùng đồi đá dần bị thu hẹp, nhường chỗ cho cây chuối cấy mô. Cũng chính vì vậy xảy ra thực trạng giá thuê đất trồng thuốc lá năm sau cao hơn năm trước vài triệu đồng/sào, người trồng thuốc lá vẫn khó tìm được đồi đá để thuê.

Thuốc lá được hái xong đem vào chòi ủ từ 2-3 ngày rồi mới đem xắt. Ảnh: Đoàn Phú
Thuốc lá được hái xong đem vào chòi ủ từ 2-3 ngày rồi mới đem xắt. Ảnh: Đoàn Phú

Từ trên đồi cao Soklu nhìn xuống vùng đất Võ Dõng 3 với bốn bề màu xanh của chuối lấn át tất cả các loại cây trồng khác và cây thuốc lá chỉ còn hiện ra bởi những chòm nhỏ vài sào khi tới gần. Với bộ đồ lấm lem nhựa thuốc, chị Ba Liên (quê tỉnh Đồng Tháp) thoắt ẩn, thoắt hiện trong những bụi thuốc cao quá đầu người, che khuất những tảng đá dày đặc dưới chân. Chị Ba Liên nhanh tay lặt những lá thuốc ngả vàng rồi nói: “Thuốc cao hái đỡ khom lưng và mau được bó”.

Để lại 2 con thơ ở quê nhà, chị Ba Liên và chồng theo nhóm bạn quê tỉnh Đồng Tháp về ấp Võ Dõng 3 thu hoạch thuốc lá thuê. Năm nay, người thợ xắt thuốc lá kỳ cựu Tư Vẹn của nhóm vắng mặt vì ông bị nhiễm Covid-19. Thiếu thợ xắt Tư Vẹn, nhóm hái, đạp thuốc giờ phải do các chủ vườn và các thợ xắt Hai Sướng (quê tỉnh Trà Vinh), Bảy Phước, Tám Ngữ (xã Gia Kiệm) chỉ huy, điều phối công việc.

Nhóm làm công đang sắp lá thuốc thành bó rồi đem ủ. Ảnh: Đoàn Phú
Nhóm làm công đang sắp lá thuốc thành bó rồi đem ủ. Ảnh: Đoàn Phú

Chị Ba Liên cho biết, tiền công hái thuốc ngày cũng được 300 ngàn đồng/người, tiền này do chủ vườn trả. Còn tiền công sắp, đạp thuốc phải ăn chia sản phẩm theo thợ xắt. Nhóm sắp, đạp, xắt có 5 người, thợ cả hưởng 50% trong 1 líp (khoảng 12 ngàn đồng), số tiền còn lại chia đều cho 4 người. Sắp, đạp, xắt thuốc làm vào ban đêm, còn hái thuốc thì làm vào ban ngày.

* Thâu đêm xắt thuốc

4 giờ chiều 10-1, nhóm hái thuốc vẫn còn thấp thoáng ngoài vườn. Chòi của ông Năm Hận đã có mặt đầy đủ nhóm thợ xắt của ông Bảy Phước (49 tuổi, xã Gia Kiệm) gồm: Mười Sen, Ba Liên (sắp lá thuốc), Lâm Thơ, Thạch Bình (đạp lá thuốc) để 5 giờ chiều bắt đầu một đêm thức trắng.

Bóng dáng người hái thuốc thấp thoáng trong những vườn thuốc tươi tốt, cao quá đầu người. Ảnh: Đoàn Phú
Bóng dáng người hái thuốc thấp thoáng trong những vườn thuốc tươi tốt, cao quá đầu người. Ảnh: Đoàn Phú

Con gà trống chuẩn bị ăn khuya cho nhóm thợ đã được nhốt chặt trong cái lồng sắt. Những bó thuốc vàng ươm được ủ trong tấm bạt ny-lông bắt đầu tỏa ra mùi của nhựa thuốc. Thợ xắt Bảy Phước đã chuẩn bị sẵn bàn xắt thuốc ở một góc chòi nơi gần bóng đèn điện. Cái bàn xắt thuốc của ông Ba Phước hình con ngựa sáng loáng, được làm bằng gỗ, chạm khắc khá đẹp. Phần sau con ngựa như hình đầu đạn, đủ để người thợ nhét vào 4 bó thuốc lá (mỗi bó đường kính chừng 15cm) nhằm giữ các lá thuốc thật chặt khi xắt.

5 giờ chiều cùng ngày, khi nhóm hái thuốc rút đi thì tiếng sột soạt con dao xắt của ông Bảy Phước bắt đầu, tiếng giậm chân thình thịch trên những líp thuốc của ông Lâm Thơ, Thạch Bình hòa theo. Cứ vậy, nhóm thợ và chủ vườn thâu đêm cho tới sáng hôm sau khi cánh thợ hái thuốc quay lại ngày làm việc mới.

Thợ xắt Bảy Phước đang miệt mài làm việc với nhóm thợ phụ tại chòi ông Năm Hận. Ảnh: Đoàn Phú
Thợ xắt Bảy Phước đang miệt mài làm việc với nhóm thợ phụ tại chòi ông Năm Hận. Ảnh: Đoàn Phú

Chủ vườn Năm Hận cho biết, vụ thuốc lá năm nay được mùa và giá cả cũng tạm ổn (12-15 ngàn đồng/kg loại 2 và 20-25 ngàn đồng/kg loại 1). Tuy vậy, người trồng thuốc lẫn nhóm thợ làm công vẫn có gì đó buồn buồn khi nhắc tới thợ xắt Ba Ngữ (xã Gia Kiệm) vừa mất do Covid-19 trước mùa thuốc, còn ông Tư Vẹn thì do nhiễm bệnh không góp mặt trong mùa thuốc này.

Thợ xắt Bảy Phước không giấu được sự tiếc nuối bộc bạch, các ông Ba Ngữ, Tư Vẹn là đàn anh của ông trong nghề, lại sống rất chân thành nên ai cũng quý 2 ông. Điểm nổi bật của thợ xắt Tư Vẹn, Ba Ngữ là những năm thuốc lá mất mùa, các ông vẫn vui vẻ nhận xắt cho 2 chủ vườn trong 1 đêm để nhóm thợ xắt có việc làm và thu nhập cao hơn.

Thuốc lá thành phẩm sau một đêm phơi sương, ngày phơi nắng có màu đen kịt. Ảnh: Đoàn Phú
Thuốc lá thành phẩm sau một đêm phơi sương, ngày phơi nắng có màu đen kịt. Ảnh: Đoàn Phú

7 giờ sáng, vườn rẫy ở ấp Võ Dõng 3 vẫn còn đọng sương trắng trên lá thuốc, tảng đá. Ông Bảy Phước chuẩn bị kết thúc mẻ thuốc cuối cùng trong đêm, chùi rửa, cột cái bàn xắt lên xe máy về nhà nghỉ để chiều mai họp mặt cùng nhóm thợ ở vườn ông Tư Sang xắt thuốc. Thu nhập của nhóm thợ xắt thuốc như ông Bảy Phước ngày nay, mỗi mùa chỉ đủ trang trải chi phí trong nhà dịp Tết chứ không còn dư dả mua đất để trồng thuốc lá như những người thợ trước đây.

“Xưa vùng đất này thuốc lá trồng phủ kín các đồi đá nên dân các tỉnh miền Tây Nam bộ đổ về làm thuê, thuê đất trồng thuốc lá khá nhiều. Nhờ vậy, có người khá lên, mua được đất và bám trụ lại như các ông, bà: Thạch Thương, Thu Ca, Ba Phỉnh… Nay cây chuối cấy mô hấp dẫn họ, nhiều người chuyển sang trồng chuối nên cũng không còn thân với tụi tui như những mùa thuốc lá trước đó” - người hái thuốc thuê Thạch Bình (ngụ ấp Võ Dõng 3, xã Gia Kiệm) bộc bạch.

Ông ĐƯỜNG CẦU (dân tộc Hoa, ấp Võ Dõng 3, xã Gia Kiệm) cho biết, đầu tháng 9 hằng năm, nông dân trồng xen thuốc lá trong các rẫy bắp, đậu, chuối. Khi cây thuốc lá cao được 20-30cm thì dọn vườn cho thoáng, sạch. Đến đầu tháng Chạp thì nhà nông bắt đầu thu hoạch lứa lá thuốc đầu tiên.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích